Hơn 2 năm trở lại đây nền kinh tế Việt Nam đi vào suy thoái, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng nợ nần, thiếu vốn sản xuất dẫn đến phá sản. Để tăng nguồn vốn phục hồi nền kinh tế, nhà nước muốn huy động nguồn vốn đó từ vàng trong dân. Câu hỏi được đặt ra: Nếu như huy động được vàng trong dân, người dân sẽ làm gì với số vốn hoán đổi đó để đầu tư có lãi?
Bí kênh đầu tư
Nhiều ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống còn 7%/năm. Con số này không còn hấp dẫn người dân đổ tiền vào gửi tiết kiệm. Vậy, người có tiền nên đầu tư vào đâu cho sinh lời?
BĐS là nạn nhân nặng nề nhất của suy thoái kinh tế, sau hơn 2 năm thị trường đã xuống đáy và đã dần dần đi vào ổn định ở trạng thái đúng với giá thực của nó. Nhưng nay, tình trạng nợ xấu của BĐS lại là vấn đề khó làm các nhà đầu tư yên tâm. Kể cả gói kích cầu 30.000 tỷ - một làn gió thổi vào BĐS - dường như cũng chưa đủ để thị trường trở nên nổi sóng.
Nhiều dự án đang trong tình trạng dở dang. Việc chào bán với mức giá hấp dẫn cũng làm cho nhà đầu tư cảm thấy băn khoăn vì tính thanh khoản thấp. Sự phục hồi của thị trường BĐS trong thời gian ngắn vì thế là điều khó có thể xảy ra. Khi mà nền kinh tế đang ở trong tình trạng đầu tư vào đâu có thể hỏng đấy thì tính thanh khoản là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư.
Sau khi BĐS sụp đổ, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ “chân gỗ” đá ngang sang bất động sản, khiến chân chính của mình cũng không đủ vững để bước tiếp. Trên thị trường chứng khoán, những dòng chữ thua lỗ xuất hiện đầy trong các báo cáo của doanh nghiệp. Nhiều công ty phải rút lui khỏi cuộc chơi, hay còn niêm yết mà giá cổ phiếu rẻ hơn mớ rau ngoài chợ. Còn cổ phiếu của các “đại gia” làm ăn có lãi thì giá quá cao, nhiều nhà đầu tư “hụt hơi”, không đủ sức với.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến 1/4/2012, Việt Nam chỉ còn 312.600/694.000 doanh nghiệp hoạt động kể từ khi có Luật Doanh nghiệp, tức hơn một nửa đã phá sản. Trong bối cảnh kinh tế rơi vào đình trệ, điểm cộng dành cho các đơn vị nhỏ lẻ nhờ nỗ lực tái sản, xuất kinh. Một số khác gắng sức thanh lý hàng tồn kho, nhưng số tiền thu được cũng không dám tái đầu tư vào sản xuất.
Bán vàng xong người dân làm gì với tiền?
Từ bao đời nay, vàng là tài sản có giá trị lớn đối với nhiều gia đình Việt - một kênh đầu tư tích trữ có giá trị đảm bảo và lâu dài. Hiện lượng vàng tích trữ trong dân vào khoảng 400 tấn. Nhiều nước trên thế giới đang dự trữ ngoại hối bằng vàng để thế chấp các tổ chức tín dụng nước ngoài vay ngoại tệ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vậy làm gì để huy động được lượng vàng dự trữ trong dân và để người dân tự nguyện tham gia?
Trước tiên, phải xây dựng một loại hình đầu tư tương tự có tính an toàn, có sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Nhiều ý kiến cho rằng, việc huy động vàng trong dân chỉ khả thi nếu NHNN mở thêm nhiều “sân chơi” giao dịch vàng, đặc biệt là cho phép kinh doanh vàng tại khoản. Khi đó, người dân có nhiều lựa chọn để kinh doanh, đầu tư vàng, không cần thiết phải lo tích trữ vàng vật chất.
Ngoài ra, cần khôi phục được sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nguồn vốn từ vàng chỉ phát huy được tác dụng khi nền kinh tế thực sự ổn định về năng lực sản xuất kinh doanh, hàng hóa đa dạng, có tính cạnh tranh tốt với hàng nhập khẩu, lạm phát kiểm soát vững ở một con số, nâng giá trị đồng Việt Nam.
Một khung hành lang pháp lý để đảm báo tính công bằng trên thị trường vàng, kiểm soát chặt chẽ những nhóm lợi ích gây lũng đoạn thị trường... cũng nên được xây dựng nhằm tạo niềm tin cho người dân thì khi đó mới hy vọng người dân tự nguyện tham gia “hoán đổi” vàng.