LS Trần Vũ Hải: Khó kết tội Minh cưỡng đoạt tài sản THP

Hồng Anh |

Vị luật sư nổi tiếng cho rằng, luật pháp Việt Nam không cấm Võ Văn Minh đòi THP đổi tiền lấy chai nước có ruồi.

Hôm qua ngày 5-2, CSĐT tỉnh Tiền Giang đã có quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Văn Minh (người thỏa thuận với công ty Tân Hiệp Phát (THP) đổi chai nước Number One có ruồi lấy 500 triệu đồng) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan này đang xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố anh Minh tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ Luật hình sự và thời gian tạm giam là 111 ngày (đã trừ thời gian tạm giữ khi bị bắt quả tang ngày 27-1).

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ngắn với LS Trần Vũ Hải (Đoàn LS Hà Nội) để có thêm một góc nhìn về sự việc này.

Luật sư Trần Vũ Hải

Luật sư Trần Vũ Hải

Thế nào là “tham lam”?

Vụ “con ruồi giá nửa tỷ” đang gây tốn giấy mực báo giới những ngày qua với rất nhiều tranh cãi.

Một số người cho rằng, anh Võ Văn Minh đáng phải vào tù vì quá tham lam khi đòi công ty THP trả 500 triệu đồng chỉ để đổi lấy một chai nước có ruồi. Ông có bình luận gì về vụ việc này?

Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi thấy trong vụ này dư luận đang bị xoáy sâu vào con số 500 triệu. Nhiều người cho rằng nó quá cao nên anh Minh này phải bị trả giá.

Trích Luật bảo vệ người tiêu dùng

Điều 30. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ

1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giải quyết thông qua:

a) Thương lượng;

b) Hòa giải;

c) Trọng tài;

d) Tòa án.

2. Không được thương lượng, hòa giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng.

Điều 31. Thương lượng

1. Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ để thương lượng khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tiếp nhận, tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Điều 32. Kết quả thương lượng

Kết quả thương lượng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Nhưng sự thực có nên nghĩ thế hay không?

Việc thương lượng, dàn xếp bồi thường hay kiện cáo giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực phẩm là chuyện thường trên thế giới.

Doanh nghiệp phải tốn nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền cũng là việc bình thường.

Mức độ đòi bồi thường cao hay thấp cũng là bình thường, người cho 500 triệu là thấp nhưng người lại cho 500 triệu là cao.

Và vì chưa vôi quy kết anh Minh này tham hay không tham.

Giả sử rằng công ty cho rằng mình oan, rằng không thể có chuyện con ruồi xuất hiện trong sản phẩm của họ, vậy tại sao công ty lại chấp thuận bỏ tiền ra mua sản phẩm đó?

Nếu người ta tung tin thất thiệt công ty hãy khởi kiện.

Khi công ty đã đồng ý mua lại bằng tiền, tức là dư luận dễ hiểu theo hướng công ty đã ngầm thừa nhận với anh Minh rằng chai nước đó là sản phẩm của mình.

Một khi đã xảy ra sự cố lớn như thế, công ty muốn che giấu để không ầm ĩ tới tai báo chí và người tiêu dùng họ phải trả giá, cao hay thấp do họ tự quyết định. Hay là công ty lại không muốn mất tiền nhưng vẫn được việc? Nếu vậy là không công bằng.

Phải thừa nhận rằng, nếu có thỏa thuận để đổi lại một sản phẩm lỗi và anh Minh không cung cấp thông tin cho báo chí đó là thỏa thuận mà cả hai bên đều có lợi.

Nhất là công ty sẽ tránh được một vụ kiện tụng phức tạp, kéo dài và một scandal ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Chúng ta chỉ có thể đặt một câu hỏi: Võ Văn Minh có quyền thỏa thuận với công ty đó không? Tôi cho rằng, anh ta có quyền đó.

Căn cứ vào đâu ông khẳng định hành vi, mong muốn của anh Võ Văn Minh là hợp pháp?

Luật sư Trần Vũ Hải:

Điều 30, 31 Luật bảo vệ người tiêu dùng quy định: người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường.

Nếu chai nước là của THP thì anh Minh là người chịu thiệt hại.

Luật đã quy định là thương lượng thì anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm để thương lượng.

Những việc như “phát tờ rơi’, “thông báo cho các cơ quan báo chí” là việc pháp luật không cấm khi người tiêu dùng thương lượng với nhà sản xuất.

Thứ nhất, anh ta có nghĩa vụ phải chia sẻ thông tin về chai nước cho những người khác không?

Không, luật pháp không quy định anh ta phải làm việc đó. Người tiêu dùng không có nghĩa vụ phải tố cáo một người nào đó làm sai, trừ phi người kia vi phạm tội hình sự nghiêm trọng. Có nghĩa là anh ta có quyền im lặng.

Và luật cho phép người ta có quyền từ bỏ một quyền nào đó để đổi lấy một quyền lợi khác mà anh ta muốn.

Thứ hai, vấn đề mà một số người bàn rằng anh Minh “tham” nên phải trả giá, nói như thế không hợp lý.

Trên thế giới có hàng trăm vụ dàn xếp hoặc kiện cáo liên quan đến những sơ suất của nhà sản xuất mà giá trị lên tới hàng triệu USD và hơn nữa, 500 triệu đồng chưa là phải quá lớn.

Khoản tiền có thể hoặc lớn hoặc nhỏ, nhưng là để nhà sản xuất tỏ ý thành thật đối với người tiêu dùng mua phải sản phẩm lỗi của mình.

Trong kinh doanh, phạm trù đạo đức nhiều khi rất khó nói, thường là win-win, hai bên cùng có lợi thì làm.

Bởi vậy, không thể dùng khái niệm “tham lam” để luận tội anh Minh được.

Võ Văn Minh tại cơ quan công an Tiền Giang

Võ Văn Minh tại cơ quan công an Tiền Giang

"Không có căn cứ để khép Minh vào tội Cưỡng đoạt tài sản"

Hôm qua, Viện KSND tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan này đang xem xét phê chuẩn quyết định khởi tố anh Minh tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 Bộ Luật hình sự. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Luật sư Trần Vũ Hải: Điều 135 Bộ Luật hình sự nói về Tội cưỡng đoạt tài sản, dùng khái niệm “uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”; như vậy nghĩa là phải có hai thứ liên quan:

Một là “tinh thần”, và hai là “người”. Trong trường hợp thỏa thuận, giao dịch giữa anh Minh và THP thì đều không có hai yếu tố đó.

THP là một doanh nghiệp đồ sộ, một tổ chức, không phải “người”.

Và ở vụ việc này, pháp nhân liên quan chỉ có “uy tín”, không có “tinh thần”, không có “danh dự”, nên làm gì có chuyện “uy hiếp tinh thần” được.

Trường hợp họ bị oan (chai nước không phải của họ, họ không cần đánh đổi làm gì) thì không bàn đến vì sự việc sẽ đi theo hướng khác.

Còn nếu họ đúng là mắc lỗi sản xuất (chai nước thật sự là của họ), thì việc họ tổn hại uy tín là do họ tự gây ra chứ không phải ông Võ Văn Minh gây ra cho họ.

Do vậy, theo tôi không thể nói rằng Võ Văn Minh phạm tội “đe dọa tống tiền, cưỡng đoạt tài sản” được.

Nên nhớ rằng, ở một số nước khác, những người tố cáo sai phạm họ còn được thưởng, vậy tại sao hành động của anh Minh lại bị coi là sai?

Có ý kiến cho rằng, văn bản giấy tờ ký kết giữa hai bên để đổi chai nước có ruồi lấy 500 triệu đồng là một dạng hợp đồng tặng cho có điều kiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Trần Vũ Hải: Nếu giám định chai nước đúng là của THP, cũng có thể hiểu văn bản này như là một hợp đồng tặng – cho có điều kiện như vậy.

Điều kiện là toàn bộ chứng cứ anh Minh phải giao hết cho THP và đổi lại THP tặng 500 triệu cho anh ta, giữa hai bên không có khiếu kiện gì thêm.

Khi THP đã đồng ý ký kết vào biên bản giấy tờ tặng cho có điều kiện đó rồi, nó lập tức có hiệu lực, Võ Văn Minh có quyền sở hữu số tiền 500 triệu đồng đó.

Bây giờ lại dùng cách báo lực lượng chức năng bắt anh ta để đòi lại số tiền đó, không loại trừ việc cũng có thể nghĩ rằng THP có dấu hiệu muốn “chiếm đoạt ngược” số tiền cho – nhận hợp pháp của anh Minh.

Ở đây có thể đặt vấn đề ngược lại: Tại sao anh Minh lại bị mất đi cái mà anh ta đã được sở hữu?

Cá nhân tôi cho rằng trong vụ việc này, THP rất sai lầm khi ứng xử như vậy với anh Võ Văn Minh.

Cho dù chai nước là giả hay thật thì khi ứng xử “mạnh ” như vậy, THP sẽ bị mất đi thiện cảm từ cộng đồng người tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại