"Lính canh đồ đen" ở Tràng Tiền Plaza khiến khách hàng ức chế

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Ngoài vấn đề giá cả “trên trời”, hàng hiệu đắt đỏ, nhiều khách hàng phàn nàn tại đây có quá nhiều bảo vệ, người đứng canh trước cửa các gian hàng.

Bài 1: Thảm cảnh đìu hiu của Tràng Tiền Plaza

Bài 2: Những “dự báo lạ lùng” về Tràng Tiền Plaza của nhà phong thủy

Bài 3: Chuyên gia lý giải cảnh 'chùa Bà Đanh' của Tràng Tiền Plaza

Bài 4: Sếp siêu thị khuyên Tràng Tiền Plaza: "Bán hàng chợ là chết ngay"

Bài 5: Sếp "Đất Lành" khuyên Tràng Tiền Plaza nên đóng cửa một thời gian

Tràng Tiền Plaza là một trung tâm thương mại (TTTM) đệ nhất Hà Thành, nổi tiếng là thiên đường mua sắm hàng hiệu với ông chủ lừng danh là Jonathan Hạnh Nguyễn – bố chồng của Tăng Thanh Hà. Tuy nhiên, từ lâu, “lô đất vàng” này luôn vắng vẻ như chùa Bà Đanh.

Ngoài vấn đề giá cả “trên trời”, hàng hiệu đắt đỏ, một trong những lý do khiến nhiều khách hàng phàn nàn đó là tại đây có quá nhiều bảo vệ, người đứng canh trước cửa các gian hàng. Có lẽ không khó để người dùng có thể bắt gặp hình ảnh những “chàng lính” quần áo đen chỉnh tề, đứng trang nghiêm xuất hiện thường xuyên tại các quầy hàng ở Tràng Tiền Plaza.

Các thương hiệu giải thích rằng: Đó là cách phục vụ khách hàng, chiều khách một cách tốt nhất khi bất kỳ ai bước vào đều có người mở cửa sẵn, cũng giống như cảnh tượng thường thấy ở các khách sạn VIP 4 – 5 sao.

Tuy nhiên, về phía người dùng, việc các “lính” đứng canh tại các như vậy vô hình chung làm cho khách hàng tại đây tỏ ra khó chịu. “Tôi cảm thấy sợ sệt mỗi khi định bước chân vào, sự trang nghiêm đến mức thừa thãi. Nhiều lần tôi cũng có nhã ý muốn vào xem đồ nhưng thấy họ, tôi lại ái ngại quay ra” – cô Bùi Thị Nhâm (gần 40 tuổi), cư ngụ tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.

Việc có người quần áo chỉnh tề đứng
Việc có người quần áo chỉnh tề đứng "gác" ở ngoài cửa ra vào khiến nhiều người tiêu dùng sợ bước vào xem hàng.

Cũng là một khách thăm quan và mua sắm nhân dịp cuối tuần tại Tràng Tiền Plaza, ông Nguyễn Ngọc Quyết (hiện là Giám đốc Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bệnh viện Đa Khoa Đức Giang, Hà Nội) nhận xét: “Tôi thấy Tràng Tiền Plaza hành xử kém văn minh với người tiêu dùng, bởi ở một nước văn minh không phải nên có nhiều người đứng canh trong khi ở TTTM này cửa hàng nào cũng có người canh”.

Theo vị Giám đốc trên, đây là một quyết định sai lầm của TTTM đẳng cấp này, bởi nhiều bảo vệ đứng gác như vậy không phải là một cách "chiều khách". “Tràng Tiền Plaza phải hiểu tâm lý của khách mua hàng, dù là bình dân hay cao cấp đều phải tạo tâm lý thoải mái cho người mua, không được chèo kéo.

Ở Việt Nam, tôi đã quan sát và nhận ra kiểu mời chào “bác mua cái này hay mua cái kia” rất gây khó chịu cho người xem. Tôi ở Mỹ, có những quầy hàng rộng lớn nhưng người ta chỉ giới thiệu về đặc điểm của sản phẩm, chất liệu, tính năng rồi cảm ơn “ông/bà đã tới gian hàng của chúng tôi”, chứ không hề chèo kéo”.

Ông Quyết cũng nhận xét: Trên thế giới, ở một đất nước văn minh, ra ngoài đường không nên nhìn thấy quá nhiều cảnh sát, “tức là anh phải để cho người ta hát, người ta nói thoải mái, chứ đừng bắt người ta phải ở trong một cái khung bị giám sát như kiểu trông kẻ trộm khiến người dùng sợ. Và chắc chắn người ta sẽ cảm thấy khó chịu”.

Một đất nước văn minh không nên thấy quá nhiều cảnh sát, cũng như vậy, một trung tâm thương mại văn minh không nên có nhiều lính canh.
Một đất nước văn minh không nên thấy quá nhiều cảnh sát, cũng như vậy, một trung tâm thương mại văn minh không nên có nhiều lính canh.

Là người đã từng đi công tác tại nhiều nước trên thế giới, theo ông Quyết, cách làm này (nhiều người đứng canh) của Tràng Tiền Plaza mới chỉ học phần ngọn mà chưa học phần thân và phần gốc. “Ở nước ngoài, những cửa hàng có người đứng ăn mặc chỉnh tề như này chủ yếu là hàng vàng bạc, đá quý để tránh trộm cướp. Ở đó cứ 2 tiếng thay ca một lần, chứ không áp dụng đối với các TTTM”.

“Một cách hành xử khác tôi cho là khá lịch sự như ví dụ ở một trung tâm mua sắm, khi khách đồng ý mua hàng, nhân viên luôn nói thêm rằng: Nếu bác sử dụng nếu không vừa lòng có thể đem trả lại trong 24h. Có mấy ai mua về mà đem trả đâu. Nhưng câu chào hỏi đó, tôi thấy rất văn minh, cách mời chào đó rất Việt Nam và rất vào lòng người. Tràng Tiền Plaza nên học hỏi điều này” – ông Quyết nhấn mạnh.

Tràng Tiền Plaza đang phân biệt kẻ giàu – người nghèo?

Tràng Tiền Plaza là một TTTM lớn và có tiến của cả ước. Tuy nhiên, trong TTTM này lại chỉ bán hàng cao cấp phục vụ những người có tiền, theo ông Quyết như vậy là có sự phân biệt sang – hèn, trên – dưới, cao – thấp. Do chiến lược tập trung vào phân khúc thượng lưu nên những người bình dân, ít tiền vào mua sắm đều không được đon đả tiếp đón, thậm chí, nhân viên luôn có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người nghèo.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội từng đánh giá: “Người tiêu dùng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này. Theo tôi nhà đầu tư đừng phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp trung bình, thấp... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình và thấp là rất nguy hiểm”.

“Tôi nghĩ Tràng Tiền Plaza nên đa dạng mặt hàng cho người tiêu dùng. Ở Thái Lan cũng vậy, TTTM có 3 tầng thì tầng 1 bán cả quần áo cho ông nông dân, còn góc ăn ở trên tầng đỉnh sẽ dành cho các thương gia, nhưng cũng có góc trên tầng 2 dành cho người bình thường, đi làm về có thể ghé qua ăn tạm, mặc dù giá một bát phở ở đây có thể đắt hơn ở ngoài một chút nhưng họ vẫn có thể chấp nhận và sử dụng được. Ở Tràng Tiền Plaza không đa dạng hóa là chết” – ông Nguyễn, một việt kiều mới về nước cũng chia sẻ quan điểm tương tự.

Theo ông Nguyễn, việc Tràng Tiền Plaza chỉ phục vụ cho đối tượng nhiều tiền là đối xử không bình đẳng với người tiêu dùng Việt Nam. Điều này, ông cho rằng rất nguy hiểm. Ông nói: “Một xã hội văn minh không phải là như thế!”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại