Quyết định “nâng sao” Tràng Tiền Plaza, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương từng khẳng định: “Với tôi, Tràng Tiền Plaza không đơn giản là một trung tâm thương mại mà còn là khát vọng một đời của một người con xa xứ”.
Để thực hiện khát vọng này, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn 400 tỷ đồng nhằm tạo nên một Tràng Tiền Plaza hoàn toàn khác biệt so với lịch sử của địa danh nổi tiếng này trên đất Hà Thành.
Sự khác biệt, đẳng cấp của Tràng Tiền có thể được biểu hiện ở vẻ bề ngoài, khi chủ đầu tư đã chi tới 150 triệu USD, tương đương 3.000 tỷ đồng để sửa sang nội thất cho 112 gian hàng siêu sang, tuy nhiên, đến nay, trung tâm thương mại (TTTM) này lại khá vắng vẻ được ví như “Chùa Bà Đanh” giữa “lô đất vàng” của Hà Nội.
“Tràng Tiền Plaza mới mở cửa trở lại nên phải nghe ngóng thêm một thời gian… Phải chờ 1 – 2 năm, ít nhất 1 năm, nếu lỗ thì phải thay đổi cách kinh doanh, chứ không nên đóng cửa vội. Hơn nữa, không ai biết doanh thu của Tràng tiền Plaza thế nào. Có những nơi mỗi ngày bán được 1 hàng fake (hàng giả, hàng nhái – PV) mấy triệu đồng - thế là có thu rồi” – ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nói.
Trước đó, mặc dù có vị trí đẹp nhất Thủ đô với bề dày lịch sử và tên tuổi thương hiệu lớn, song Tràng Tiền Plaza với cách quản lý vận hành lỗi thời của công ty TNHH Tràng Tiền (trực thuộc tổng công ty Vinaconex, sau này được chuyển giao cho tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC) đã thất bại. Nhiều người từng đến đây ví Tràng Tiền Plaza lộn xộn như một cửa hàng bách hóa thời bao cấp hoặc những chợ bán lẻ bình dân. Hàng hóa nghèo nàn, tốt xấu lẫn lộn, phẩm cấp, chất lượng, giá cả không đảm bảo... Hoạt động èo uột tất yếu cho kết quả là hiệu quả kinh tế thấp.
Sau 4 năm đóng cửa, SCIC đã hợp tác với DFS, một đại gia nổi tiếng với chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, DFS được đại diện bởi doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, bố chồng của kiều nữ Tăng Thanh Hà. Tràng Tiền Plaza được người được mệnh danh là ông chủ của đế chế hàng hiệu “tái sinh”, nhưng sau 8 tháng hoạt động, tình hình kinh doanh dường như không khá khẩm hơn trong thời buổi kinh tế khó khăn.
“Vì là liên doanh nên Nhà nước ta phải kiểm soát về doanh số, về lợi nhuận, nếu không kiểm soát được là thiệt. Đồng thời, các cơ quan chức năng phải kiểm tra xem có hàng giả không, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Tiền nào của ấy, tất cả phải minh bạch, các cơ quan thuế phải kiểm tra chất lượng thị trường vì đây là bộ mặt của Thủ đô, thậm chí kiểm tra ngay cả văn hóa bán hàng của TTTM này” – ông Phú nhấn mạnh.
Bằng chứng là không ít khách hàng ngỡ ngàng, tỏ ra thất vọng khi Tràng Tiền Plaza bán nhiều hàng gắn mác “made in China”. Qua khảo sát, tại gian hàng của thương hiệu nổi tiếng Mango, những chiếc túi xách xinh xắn được gắn mác gần 2 triệu đồng/chiếc, tuy nhiên, nhìn kỹ thì chiếc túi này lại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Sợ rằng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào hàng cao cấp. Không ai dám nói trước, vì vậy, cứ phải kiểm tra cho kỹ” – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội lưu ý.
Túi xách Made in China trong tiệm hàng hiệu của Tràng Tiền Plaza
Khác với TTTM Grand Plaza (tọa lạc trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) có đối trọng là siêu thị BigC nằm ngay đối diện tạo sự cạnh tranh gay gắt, Tràng Tiền Plaza, theo nhận xét của ông Phú, hoàn toàn không có đối trọng. Tuy nhiên, ông Phú cũng bày tỏ sự lo ngại đối với trung tâm mua sắm đẳng cấp này. Bởi nếu không biết chọn mặt hàng nào để bán, không điều tra thị trường cẩn thận, “Tràng Tiền Plaza có thể sẽ chết” – ông Phú nói.
Khi Tràng Tiền Plaza chọn phân khúc cao cấp, toàn bán hàng hiệu giá “siêu cao”, ông Phú phân tích: Người tiêu dùng sẽ cảm thấy bị phân biệt đối xử. Nhất là những người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp, họ không dám bước chân vào TTTM này.
“Theo tôi nhà đầu tư đừng phân biệt đối xử với khách hàng là người thu nhập thấp trung bình... nếu để lâm vào tình trạng “lãnh đạm” với người tiêu dùng phân khúc trung bình là rất nguy hiểm. Thứ nhất, người dân sợ, thứ hai là không có tiền để mua, thứ ba là lo ngại hàng giả, nhái” – ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Việc Tràng Tiền Plaza tuy có điều kiện vị trí thuận lợi nhưng lượng khách hàng đến siêu thị này không đông sẽ ảnh hưởng đến tâm lý “đám đông” của người tiêu dùng. Ông Phú cho rằng: Nếu cứ kéo dài tính trạng vắng khách sẽ khiến người tiêu dùng đặt ra câu hỏi cũng như những nghi ngại, cùng với tâm lý đám đông sẽ khiến khách hàng quay lưng với Tràng Tiền Plaza.
“Ông chủ của Tràng Tiền Plaza đã đầu tư 400 tỷ đồng, nếu chỉ bán hàng bình dân thì không biết bao giờ mới thu hồi vốn. Theo tôi, Tràng Tiền nên tập trung bán hàng trung bình, trung bình khá để thu hút khách hàng, còn hàng cao cấp chỉ nên chiếm tỉ trọng khoảng 5 – 10% thôi, tuyệt đối không nên bán hàng chợ. Bởi bán hàng chợ là chết ngay” – ông Phú bày tỏ.