Starbucks đã ghi điểm tại nhiều thị trường mới trong những năm vừa qua, nhưng tại Việt Nam liệu trận đấu này họ có dành chiến thắng? Câu hỏi được tờ Wall Street Journal đặt ra trong một bài báo gần đây.
Quốc gia Đông Nam Á này được biết đến với phong cách ưa chuộng cà phê đắng có thêm ít sữa đặc. Đây là nét văn hóa hình thành từ thời Pháp thuộc- một thử thách lớn đối với chuỗi cà phê nổi tiếng thế giới này.
Trong tháng 2 vừa qua, Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Howard Schultz của hãng này tiết lộ, doanh thu tại đây vượt quá kỳ vọng mặc dù ông không cung cấp bất kỳ con số chính xác nào.
Để hòa nhập, Starbucks thiết kế cửa hàng với phong cách nghệ thuật, đồ trang trí đậm chất Việt Nam. Ngoài ra hãng này còn phục vụ thêm bánh Asian Dolce Latte với khẩu vị người Việt, bánh baguettes kiểu Pháp.
Tuy nhiên điều đó là chưa đủ đối với người uống cà phê Việt. Nguyễn Văn Minh Khánh, một khách hàng 24 tuổi nhật xét, Starbucks nên sử dụng thêm phin lọc ở trên cốc, cách mà người Việt Nam vẫn thường làm. “Nếu Starbucks muốn thành công tại Việt Nam, họ phải thay đổi cách phục vụ”, vị khách này bổ sung thêm.
Ông chủ hãng cà phê nổi tiếng Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tự tin cho rằng gu uống của người Việt thiên về cà phê sánh, đặc kiểu Việt Nam. Thứ đồ uống này gần như có mặt ở bất cứ đâu, từ quán cà phê vỉa hè, công viên thành phố đến 1.000 cửa hàng của Trung Nguyên.
Nhưng CEO Schultz phát biểu trong một bài phỏng vấn tại Bangkok cho biết, hãng cà phê này sẽ không chỉ đơn thuần bán cà phê. “ Không gian thưởng thức, thiết kế cửa hàng, cùng với kinh nghiệm lâu đời sẽ giúp chúng tôi có vị thế khác biệt nhiều so với bất cứ ai đối thủ nào tại Việt Nam”, ông cho biết thêm.
Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản năm 1996, Starbucks đã có khá nhiều kinh nghiệm chinh chiến khi gia nhập vào các thị trường mới. Đặt chân tới Việt Nam phản ánh nỗ lực kinh doanh của Starbucks khi các khu vực được xem là thị trường chính như Mỹ, Châu Âu vẫn đang suy yếu.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa Starbucks bỏ bê quê hương của mình. Hãng cà phê này đang lên kế hoạch mở lại 1.500 cửa hàng tại Mỹ trong 5 năm tới sau khi đóng cửa một loạt của hàng kinh doanh kém kể từ khủng hoảng tài chính 2008.
Đã đặt chân đến châu Á, Starbucks không bao giờ có ý định rời bỏ mảnh đất màu mỡ này. Ông lớn cà phê còn lên kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng tại Trung Quốc lên 1.500 năm 2015 và toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương lên 4.000 cửa hàng.
Nền kinh tế các nước Đông Nam Á tăng trưởng nhanh chóng, có vị trí quan trọng trong khu vực. Starbucks tham vọng tăng gấp đôi số cửa hàng tại Thái Lan lên con số 320 và bước đầu khám phá thị trường Myanmar.
“Mười năm trước, nếu chúng tôi lên kế hoạch kinh doanh tại những nước này thì dự định chắc sẽ bé hơn ngày hôm nay rất nhiều”, ông Schultz cho biết. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là thử thách khó đoán của hãng này.
Tại các thị trường châu Á khác, Starbucks cũng đã bước đầu giới thiệu văn hóa cà phê đến người tiêu dùng, những người vốn ưa thích trà, Ấn Độ là một ví dụ. Tại nhiều nước, hãng này nhanh chóng cung cấp trên thực đơn những đồ uống có hương vị quen thuộc với người thưởng thức.
Văn hóa cà phê du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 19 khi thực dân Pháp đặt chân đến đất nước này. Người Việt cũng trồng loại cây cà phê này. Thậm chí họ còn thu thập cà phê được thải ra sau khi chồn ăn chúng. Aficionados hay còn là cà phê chồn, có hương vị dễ chịu hơn và được bán với giá 500 USD/kg tại London hoặc New York.
Một số khách hàng đầu tiên tại cửa hàng mới tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết họ thích thú với không gian thưởng thức hơn là hương vị cà phê của Starbucks. “Cảm giác sảng khoái và hứng thú khi bước vào đây”, khách hàng Nguyễn Ngọc Mai Hương nhận xét về lần đầu tiên cô đặt chân đến cửa hàng này.
“Tôi rất thích không gian ở đây nhưng nếu so sánh thì giá cả có vẻ hơi cao so với các cửa hàng khác”, Mai Hương cho biết thêm. Cô còn cho biết Starbucks có lẽ phù hợp với những khách hàng trẻ tuổi, còn bố mẹ cô thì ưu tiên lựa chọn những quán cà phê Việt Nam truyền thống.