Du nhập vào Việt Nam từ khá lâu nhưng cơn sốt thời trang cosplay (quần áo mô phỏng các nhân vật truyện tranh, hoạt hình, thần tượng) chưa hề hạ nhiệt, thậm chí còn tăng mạnh theo trào lưu chụp ảnh độc lạ của giới trẻ.
Giá thuê tương đối rẻ, thủ tục đơn giản, bắt kịp xu hướng của giới trẻ là những lý do khiến Giang, một chủ shop cho thuê trang phục online bỏ túi được cả chục triệu dịp hè nhờ dịch vụ này.
Theo đó, giá thuê mỗi bộ trang phục từ 70.000 đồng đến 250.000 đồng/ngày. Phụ kiện kèm theo như súng, kiếm, tóc giả có giá thuê rẻ hơn, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng tùy loại. Khách hàng muốn thuê phải đặt cọc từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng cho mỗi món đồ.
Giang cho biết, những món đồ này không chỉ khó kiếm ở Việt Nam mà việc đặt mua ở nước ngoài cũng không dễ vì giá rất đắt. Hầu hết quần áo đều được chủ shop lấy mẫu trên mạng rồi đặt may ở các cửa hàng trong nước hoặc tự thiết kế và gia công lấy. Riêng hàng nhập từ nước ngoài có giá từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng một bộ, nên mức chi phí thuê cũng gấp 2 đến 3 lần so với hàng thường.
"Để an toàn, các món đồ vũ khí đều được làm bằng xốp, nhựa mềm, thậm chí là giấy bìa cứng. Tất cả tóc giả đều được đặt mua ở Nhật, quê hương cosplay, vì các cửa hàng tóc tại Việt Nam không bán những bộ dài một mét mà hầu hết các nhân vật cosplay phải có".
Minh Quyên, một chủ cửa hàng cho thuê thời trang cosplay từ những ngày đầu xu hướng này tràn vào Việt Nam cho biết, ngành này thực sự chỉ sống được nhờ sở thích "độc và lạ" của giới trẻ. Khách hàng chủ yếu là các bạn trẻ muốn có một bộ ảnh lạ, độc đáo, hoặc các fan truyện tranh, fan nhóm nhạc Hàn Quốc, Nhật Bản.
"Muốn có một bộ ảnh độc, người ta nghĩ tới cosplay; cần một chương trình biểu diễn đặc sắc, cosplay cũng là ưu tiên hàng đầu của nhóm học sinh phổ thông. Ngoài cho thuê trang phục, mình còn mở cả dịch vụ trang điểm, làm tóc, chụp ảnh album, giá trọn gói với mỗi khách hàng là gần 1 triệu đồng", Minh Quyên cho hay.
Tuy nhiên, theo các chủ shop, kinh doanh đồ cosplay chỉ "chạy" vào các dịp cuối năm, mùa lễ hội Halloween, hay thời điểm đầu hè hay diễn ra các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn tại trường học, chụp ảnh lưu niện kết thúc năm học. Khách hàng cũng chỉ bó hẹp trong đối tượng là học sinh, sinh viên, nên có những thời điểm kinh doanh rất ế ẩm.
" Kinh doanh mặt hàng này cũng có nhiều chuyện bi hài. Muốn dễ tính với khách, đôi khi chủ shop nhận đặt cọc bằng cả thẻ học sinh, thẻ ATM, thế là nhiều khách đã không quay trở lại để trả đồ vì những giấy từ tùy thân đó có thể làm lại một cách dễ dàng.
Đó là chưa kể tới việc trang phục rách, khách hàng tự ý thay đổi thiết kế hoặc đơn giản là cắt ngắn bộ tóc giả dài cả mét của mình xuống thành tóc ngang vai. Với những trường hợp như vậy, khách hàng có đền bù thiệt hại bằng tiền, nhưng dù có tiền mình cũng không mua lại được những món đồ tương tự nữa", Minh Quyên chia sẻ.