Bí mật thành công của các tỷ phú Thái Lan là gì? Người có thể đưa ra câu trả lời tốt nhất có lẽ là Charoen Sirivadhanabhakdi – tỷ phú giàu thứ 2 tại Thái Lan với khối tài sản 10,5 tỷ USD theo thống kê của Forbes.
Trong số các tập đoàn dưới trướng tỷ phú Thái Lan, có thể kể tới 3 cái tên lớn nhất đó là ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, Berli Jucker hoạt động đa ngành, và TCC Land trong lĩnh vực bất động sản.
Trong đó, ThaiBev được coi là nhà sản xuất bia lớn nhất tại Thái Lan do chính tỷ phú Charoen sáng lập.
Năm 2011, Thai Beverage đạt doanh thu 132 tỷ Baht, tương đương 4,2 tỷ USD, trong đó chỉ có 3,7% là doanh thu từ thị trường nước ngoài.
BJC là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất có giá trị vốn hóa khoảng 90 tỉ Baht, tương đương 2,8 tỉ USD.
Với 5 mảng kinh doanh chính, trong đó chủ yếu là kinh doanh đóng chai. Năm 2013, doanh thu của BJC khoảng 1,3 tỉ USD.
Ngoài cổ phần bia ở APB, F&N còn có tài sản trong các mảng đồ uống nhẹ và bất động sản.
Đặc biệt, Berli Jucker được biết đến tại Việt Nam với thương vụ thâu tóm Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam vào hồi năm ngoái, gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan, tổng giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Trong khi đó, TCC Land cũng có hoạt động tại Việt Nam khi nắm giữ 65% cổ phần của Khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.
Mới đây, đang rộ lên thông tin ThaiBev muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng định gia Sabeco ở mức 2,4 tỷ USD.
Tinh thần kinh doanh vượt khó
Là tỷ phú giàu có nhưng ông Charoen khá kín tiếng và thường không hay xuất hiện trên truyền thông.
Ông là con thứ 6 trong một gia đình nghèo có 11 người con di cư từ Trung Quốc tới Bangkok. Ông Charoen đã phải nghỉ học đi làm thêm phụ giúp gia đình từ khi 9 tuổi.
Vận may ập đến khi ông được lựa chọn là người cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chưng cất rượu để sản xuất ra loại whiskey của Thái.
Lúc đó, ngành sản xuất đồ uống có cồn này vốn được độc quyền bởi nhà nước.
Tuy nhiên thông qua những mối làm ăn có được, sau này ông Charoen đã tự xin được giấy phép để sản xuất loại đồ uống có cồn của riêng mình.
Đến giữa những năm 1980, ông Charoen đã điều hành hầu như toàn bộ các nhà máy chưng cất rượu thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Thái Lan và kiểm soát toàn bộ thị trường.
Tới năm 1991, ông kết hợp với nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch để tấn công vào thị trường bia đang phát triển mạnh ở Thái Lan.
Tại thời điểm đó, thị trường này đang bị thống trị bởi công ty có tuổi đời 60 năm tuổi là Boon Rawd – nhà sản xuất loại bia Singha.
Ý tưởng ban đầu là nhà máy của ông Charoen sẽ sản xuất Carlsberg và sử dụng mạng dưới bán hàng và marketing rộng lớn của họ giúp thúc đẩy doanh số bán sản phẩm whiskey Thái của ông Charoen.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, dựa trên vốn kiến thức học hỏi được từ Carlsberg, ông bắt đầu sản xuất loại bia của riêng mình với tên gọi Chang.
Nhờ mức giá rẻ hơn, ông Charoen đã biến bia Chang trở nên hùng mạnh hơn cả Singha và dần thống lĩnh thị trường. Cụ thể, trong vòng 5 năm, bia Chang đã chiếm 60% thị phần bia tại Thái Lan.
Sau khi thấy mình hoàn toàn bị lép vế, Carlsberg đã quyết định rút khỏi liên doanh với công ty của tỷ phú Charoen vào năm 2003.
Phất lên nhờ… khủng hoảng
Cuối những năm 1990, hàng loạt sự kiện lớn xảy ra. Đầu tiên là khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997 khiến 2 chi nhánh tài chính thuộc sở hữu của ông Charoen bị sụp đổ.
Cũng trong thời gian này, chính phủ Thái Lan đưa ra quyết định về việc tư nhân hóa những nhà máy chưng cất rượu thuộc sở hữu nhà nước.
Với lượng tiền mặt dồi dào, tỷ phú Chareon vững vàng trước khủng hoảng và thậm chí khẳng định vị thế là người quan trọng bậc nhất tại Thái Lan lúc bấy giờ.
Ông lấy tiền và mua những dự án bất động sản với giá "bèo", phát triển với hy vọng sau này sẽ mang lại lợi nhuận cho ông.
Trong khi đó, khi các nhà máy chưng cất rượu thuộc chính phủ được mang bán đấu giá, ông đã nhanh chân mua 12 công ty trong số đó với giá 385 triệu USD.
Kể từ đó, đế chế của tỷ phú Chareon tiếp tục phát triển lớn mạnh, thông qua hàng loạt vụ mua lại trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả bất động sản, bán lẻ, thực phẩm ở Thái Lan và cả các nước lân cận.
Năm 2004, ông cũng gây chú ý khi cố gắng mua lại đội bóng Liverpool nhưng bất thành. Để “trả đũa” cho việc này, ông đã kí thỏa thuận tài trợ cho đối thủ cạnh tranh của đội này là đội Everton.
Bước ngoặt quan trọng của tỷ phú Chareon tới vào năm 2005 khi ông hợp nhất tất cả các thương hiệu đồ uống thành một cái tên duy nhất là ThaiBev và tuyên bố sẽ niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Bangkok.
Tuy nhiên do có một vài cuộc biểu tình phản đối ThaiBev (do người Thái đa phần theo đạo Phật và họ không có nhiều cảm tình đối với các loại đồ uống có cồn) nên sau đó, ông buộc phải chuyển sang niêm yết ThaiBev trên sàn Singapore.
Gia đình trị
Ở tuổi 71, Charoen Sirivadhanabhakdi vẫn là chủ tịch điều hành của nhiều công ty và tập đoàn lớn ở khắp nơi trên thế giới.
Ông cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị khổng lồ Pantip Plaza ở Bangkok (Thái Lan), Khách sạn Plaza Athenee tại Manhattan (Mỹ), cùng hàng loạt chuỗi nhà hàng - khách sạn nổi tiếng khác ở Mỹ, Úc và châu Á.
Tại châu Á, ông được biết đến như nhà tài phiệt sở hữu nhiều tòa nhà bán lẻ, thương mại và dân cư, đặc biệt ở Thái Lan và Singapore.
Ông Charoen điều hành ThaiBev và công ty mẹ của thương hiệu này là TCC theo cùng một cách và tuân thủ nghiêm ngặt phương thức gia đình trị.
Nhất là khi bắt đầu mở rộng ra nước ngoài, 5 người con của ông cũng lần lượt được trao quyền điều hành những mảng kinh doanh khác nhau của gia đình.
Con trai Thapana hiện là CEO của ThaiBev và con gái Wallapa là Tổng giám đốc của TCC Land – chi nhánh bất động sản của tập đoàn.
Sinh ra trong hoàn cảnh có thể gọi là cơ cực nhưng với thành công của mình Charoen Sirivadhanabhakdi đã chứng minh cho tất cả mọi người trên thế giới biết rằng: số phận không nằm trong tay tạo hóa mà nằm trong tay chính bản thân mỗi chúng ta.