Hành trình "khai tử" của 5 thương hiệu lớn Việt Nam

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Năm 2012 cùng với những khó khăn về kinh tế, thị trường cũng chứng kiến hành trình "khai tử" của khá nhiều thương hiệu lớn.

1. Habubank

Sự biến mất hoàn toàn của thương hiệu Habubank được đánh giá là 'cú sốc' lớn đối với nhiều người , đặc biệt là người Hà Nội trong năm 2012.

Sự kiến thương hiệu Habubank biến mất hoàn toàn được xem là sự thất vọng lớn nhất của nhiều người trong năm qua.
Sự kiến thương hiệu Habubank biến mất hoàn toàn được xem là sự thất vọng lớn nhất của nhiều người trong năm qua.

Ra đời vào năm 1989, sau hơn 20 năm phát triển, Habubank đã trở thành ngân hàng tên tuổi với gần một trăm chi nhánh, phòng giao dịch trên cả nước. Khi mới thành lập, Habubank chỉ có 16 cán bộ với số vốn ban đầu 5 tỷ đồng, sau hơn 20 năm, vốn điều lệ của ngân hàng này đã lên hơn 4.000 tỷ đồng.

Không những vậy, trong quá trình hơn 20 năm phát triển, ngân hàng này cũng đã tạo dựng được 1 đội ngũ những cán bộ có chất lượng.

Tuy nhiên, cùng với việc sáp nhập vào SHB, Habubank cũng đã phải từ bỏ vĩnh viễn thương hiệu của mình.

Sự "xóa sổ" của Habubank được nhận định bằng cụm từ "do tập trung tín dụng vào một số khách hàng lớn", tập trung ở các lĩnh vực như: đóng tàu, sản xuất giấy, thuỷ sản. Chỉ với 50 khách hàng lớn đã chiếm tới 65% tổng nợ của Habubank.

Khách hàng lớn nhất mà Habubank đã cho vay là Vinashin. Khi Vinashin thua lỗ, những khoản nợ này không thể đòi được, hậu quả là mỗi năm, chỉ nguyên bù đắp khoản chi phí huy động vốn cho khoản vay của Vinashin, Habubank mất đứt 500 tỉ đồng.

Một khách hàng lớn nữa là Công ty Thuỷ sản Bình An (Bianfishco), với khoản đầu tư lên tới 267 tỷ đồng.

Ngày 9-8-2012 vừa qua, Ngân hàng SHB đã chi 2,1 tỷ đồng để thay thế tên Habubank thành SHB trên toàn bộ các biển hiệu ở tất cả các chi nhánh và phòng giao dịch trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, dư luận vừa qua cũng dường như "nóng" lên khi nguyên Tổng giám đốc của Habubank thành nhân viên... đòi nợ

2. EVN Telecom

Từ cuối năm 2011với quyết định mang tính hành chính, EVN Telecom (trực thuộc Tập đoàn  Điện lực Việt Nam) “chuyển khẩu” sang Viettel.

Sau khoảng 1 năm thì việc chuyển đổi này được xem như đã hoàn tất. Từ ngày 1/12/2012, công ty Viễn thông Viettel dừng hoạt động chuyển đổi thuê bao EVN Telecom sang Viettel. Sau thời điểm này, các sim EVN Telecom chưa chuyển sang mạng Viettel sẽ bị xóa khỏi hệ thống và các số điện thoại đi kèm được thu hồi về kho số để tái sử dụng. Động thái này cho thấy Viettel sẽ "khai tử" mạng CDMA của EVN Telecom xây dựng trước đó.

EVN Telecom đã
EVN Telecom đã "chuyển khẩu" hoàn toàn về Viettel.

Được thành lập từ năm 1995 với chức năng quản lý vận hành, khai thác mạng thông tin viễn thông điện lực. EVN Telecom đã được EVN đầu tư 100% vốn nhà nước với số tiền lên đến 2.442 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2010).

Khi EVN tuyên bố làm viễn thông, hầu hết các đại gia viễn thông đều ghanh tị và e ngại với hạ tầng sẵn có của EVN. Cột điện treo cáp, hệ thống cáp quang đến tận các huyện, đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm làm kinh doanh điện năng, các giao dịch viên có lợi thế trong tiếp cận khách hàng, các mối quan hệ và kho số đẹp đầy ắp báo hiệu sự thành công của EVN Telecom. Những tưởng họ sẽ lãi to, chiếm lĩnh thị phần, ai ngờ sau hơn 15 năm thành lập, EVN Telecom thua lỗ trầm trọng.

3. Thép Pomihoa

Được thành lập từ năm 2000, với tổng công suất 400.000 tấn/năm, Pomihoa cũng đã trở thành thương hiệu thép có tên tuổi trên thị trường. Năm 2008, Pomihoa là một trong những đơn vị nộp ngân sách cao, khoảng 110 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động.

 

Tuy nhiên, sau 12 năm hoạt động, đến tháng 3/2012 vừa qua thương hiệu Pomihoa không còn hiện hữu. Thương vụ mua bán sáp nhập thành công mới nhất trong ngành sản xuất thép Việt biến Tập đoàn thép Kyoei (Nhật Bản) trở thành chủ sở hữu 70% vốn và đã đổi tên thành Công ty thép Kyoei Việt Nam.

Từ ngày 10/3/2012, doanh nghiệp mới này sẽ đi vào hoạt động và thương hiệu Pomihoa chính thức bị xóa sổ, nó chỉ còn tồn tại trên số sản phẩm chưa tiêu thụ hết.

4. S-Fone và hành trình "khai tử"

Được nhắc đến là người tiên phong phá thế độc quyền của thị trường di động Việt Nam đang được nhìn nhận là điển hình cho sự bi đát nhất trên thị trường di động Việt Nam. Việc không có tiền đầu tư đã khiến S-Fone "lao dốc không phanh". Không có tiền vận hành và trả tiền thuê đặt trạm thu phát sóng nên S-Fone phải thu hẹp mạng của mình.

Nhiều khách hàng đồng loạt phản ánh vùng phủ sóng của nhà mạng bị thu hẹp nhanh liên tục khiến điện thoại di động của họ chẳng khác gì... cục gạch. Hàng loạt thuê bao của S-Fone nối đuôi nhau rời mạng hoặc bị “cưỡng bức” rời mạng vì không còn vùng phủ sóng nữa. Nhiều cửa hàng của S-Fone chỉ còn treo mỗi bảng hiệu, đóng cửa im lìm hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.

Nguồn tin từ VNPT và Viettel xác nhận số nợ mà S-Fone đang ghi sổ với hai đại gia này lên đến vài trăm tỷ đồng. Với những gì đang diễn ra hiện nay nhiều người tin rằng chuyện S-Fone “ra đi” chỉ còn tính theo tuần mà thôi. Như vậy, đứa con đầu tiên và côi cút cuối cùng của CDMA đang đặt dấu ấn tuyệt chủng CDMA tại Việt Nam.

5. Tribeco chỉ còn... vỏ

Sau tròn 20 năm thành lập  và phát triển (1992 - 2002), Tribeco - một trong những thương hiệu nước giải khát khá quen thuộc với người tiêu dùng TP.HCM - tới đây sẽ biến mất, thay vào đó là cái tên Tribeco Bình Dương, hiện do nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn.

Tribeco là một trong những DN lên sàn chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên. Cổ tức tiền mặt hàng năm duy trì đều đặn ở mức 15% - 18%. Vì điều này, suốt một thời gian dài, cổ phiếu TRI trở thành hàng "hot" được săn đón bởi các quỹ đầu tư tên tuổi .

Tribeco giờ đây chỉ còn... vỏ.
Tribeco giờ đây chỉ còn... vỏ.

Năm 2005, lãnh đạo của Tribeco nhận ra rằng, nếu không hợp tác để đẩy mạnh sự phát triển thì sẽ bị các đối thủ nước ngoài “tiêu diệt”. Vì vậy, Tribeco đã bắt tay hợp tác với cổ đông lớn là Công ty cổ phần Bánh kẹo Kinh Đô (KDC) thông qua việc bán lại 35% cổ phần cho KDC. Điều này, lúc đó được xem là tốt cho cả hai phía với những giá trị cộng hưởng hứa hẹn. Hai năm sau, Tribeco tiếp tục hợp tác với đối tác chiến lược Uni-President.

Được hậu thuẫn bởi hai “đại gia” tầm cỡ ngành thực phẩm, cổ đông Tribeco có lý do để kỳ vọng DN sẽ có những đột phá về doanh thu, lợi nhuận. 

Tuy nhiên, ngược lại, kết thúc năm tài chính 2008, Tribeco gây ra cú "sốc" lớn với toàn thị trường khi công bố lỗ 145 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5,32 tỷ đồng dù 3 quý đầu năm báo lãi. Sau cú "sốc" đó, Tribeco bắt đầu “mất lái”, liên tiếp 12/13 quý sau đó toàn thua lỗ. Quý duy nhất có lãi là từ thu nhập bất thường của hoạt động chuyển nhượng cổ phần.

Tính đến cuối năm 2011, Tribeco lỗ lũy kế tới 300 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu. Theo thông báo của Tribeco tại đại hội cổ đông, 7 tháng đầu năm 2012, công ty lỗ khoảng 100 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126 tỷ đồng.

Và sau sự kiện, cuối tháng 6-2012, toàn bộ thành viên Công ty CP Kinh Đô (KDC) trong HĐQT Tribeco đã rút lui, nhường chỗ cho cổ đông lớn nước ngoài Uni-President VN (doanh nghiệp 100% vốn của Đài Loan), với tỉ lệ sở hữu gần 44%, tiếp quản. Tribeco giờ đây chỉ còn là cái... vỏ.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại