Hàng không thiếu, giá vẫn tăng

Trong khi ở Hà Nội giá cả vẫn bình ổn thì tại TP.HCM, các siêu thị cho biết đã đồng loạt nhận được thông báo tăng giá hàng hóa của các nhà cung cấp, mức tăng từ 5-15%.

Đủ loại hàng tăng giá

Một cán bộ phòng kinh doanh siêu thị Citimart cho biết: Trong khi giá các mặt hàng rau củ, thực phẩm tươi sống vẫn ổn định thì các mặt hàng nhựa, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, hóa phẩm, thực phẩm chế biến... đều tăng từ 5-10%. Các nhà cung cấp đưa ra lý do giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao nên phải tăng giá. Sức mua hiện nay thấp, việc tăng giá hàng hóa đã khiến sức mua đứng luôn.

Hàng không thiếu, giá vẫn tăng
Các siêu thị tại TP.HCM đều cho biết đã nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp - Ảnh: Hoàng Việt

Ông Huỳnh Hữu Tuấn, Quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh (TP.HCM), thông tin: “Thật ra từ tháng trước, đã có đến 70-80% nhà cung cấp tăng giá hàng khoảng 5% rồi”. Đại diện siêu thị Vinatex cũng cho biết từ tháng 3 đến nay đã nhận được đề nghị tăng giá từ 10-15% của một số nhà cung cấp ngành may mặc và hóa phẩm. Một số nhà cung cấp thực phẩm đông lạnh cũng “đòi” tăng giá 5-10%.

Lý do tăng giá chung được đưa ra là do giá xăng dầu tăng, tác động giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cũng với lý do này, các nhà cung cấp của hệ thống siêu thị Co.op Mart yêu cầu tăng giá từ 4-8% các loại hàng hóa, đồ gia dụng từ đầu tháng 4, hệ thống siêu thị Lotte Mart thì được yêu cầu tăng giá 5-10% đối với các ngành hàng thực phẩm tươi sống.

Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết siêu thị có 2.500 nhà cung cấp hàng nhưng khoảng 3 tuần gần đây (tính từ đợt giá xăng tăng mạnh 1.450 đồng/lít vào cuối tháng 3.2013 - PV) có khoảng gần 100 nhà cung cấp gửi thông báo đề nghị tăng giá, mức tăng khoảng 5-10%, tăng đều hết các mặt hàng.

Không chỉ ở các siêu thị, tại các chợ lẻ, giá nhiều loại thực phẩm chế biến, bột ngọt, bột nêm, nước mắm, nước tương, mì gói, bánh kẹo... cũng tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/sản phẩm. Theo cô Dung, tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), các mối hàng báo giá tăng chứ không giải thích rõ lý do gì. Theo một tiểu thương khác ở chợ này, tuy mức tăng trên 1 sản phẩm chỉ 1.000 - 2.000 đồng nhưng tính trên đơn vị thùng thì lên đến vài chục ngàn đồng/ thùng, đó là rất nhiều. Ông Luật, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), nói: “Chợ rất ế, ít khách nhưng mối hàng cứ báo giá tăng, chỉ tăng nhẹ nhưng hầu như mặt hàng gì cũng tăng nên buôn bán càng khó khăn”.

Trong khi đó, tại các chợ đầu mối, hàng hóa vẫn dồi dào, giá cả ổn định. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cho biết: “Lượng hàng về chợ đêm 17.4 là 2.200 tấn/đêm, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Giá hàng ổn định, bởi đợt giá xăng tăng mạnh cuối tháng trước các đơn vị vận tải mới chỉ rục rịch tăng giá cước nhưng sau đó giá xăng giảm 500 đồng/lít nên giá cước giữ không tăng”.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cũng thông tin: “Lượng hàng về chợ thời gian gần đây ở mức cao, từ 3.100 - 3.400 tấn/đêm. Trong đó, đêm 17.4 rạng ngày 18.4 lượng hàng về chợ 3.100 tấn, quá dồi dào. Gần đây có một số mặt hàng giá nhích nhẹ, khoảng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Lý do không phải tác động bởi giá xăng dầu mà do mùa vụ, do thời tiết khô hạn, thiếu nước nên một số mặt hàng cần nhiều nước không trồng được. Ngược lại, những mặt hàng không bị ảnh hưởng bởi thời tiết giá giảm nhẹ”.

Tự giết mình

Theo ông Trần Tấn An, Phó TGĐ Công ty Vissan, cái khó chung của doanh nghiệp (DN) hiện nay là không tăng giá thì lỗ nhưng tăng giá chắc chắn sức mua sẽ giảm. Doanh thu giảm trong khi các chi phí khác, như tiền lương, điện nước… không giảm, thậm chí còn xu hướng tăng. “Sức mua đang yếu như thế này chúng tôi chỉ còn biết tiết giảm các chi phí chứ không thể tăng giá hàng. Tôi nghĩ, không có cách nào tăng giá, vì tăng giá thì bán cho ai. Giá xăng dầu tăng làm các chi phí khác tăng nhưng DN phải duy trì giá bán, không tăng giá nhưng không để lỗ. Đây là bài toán khó mà các DN phải giải quyết”, ông An chia sẻ.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó TGĐ hệ thống siêu thị Co.op Mart, nhận định: Nhà cung cấp lý giải tăng giá do giá xăng, điện là không hợp lý lắm. Với các ngành vận tải chi phí xăng dầu có thể chiếm 30-40%, còn lại các ngành khác chi phí xăng dầu chỉ chiếm 1% giá thành sản phẩm.

Trong giai đoạn này nhà cung cấp không thể đổ cho chuyện giá xăng giá dầu lên đẩy giá nhân công lên nên giá hàng cũng lên. Những DN nào làm như vậy càng không bán được hàng. DN muốn tăng giá thì họ tăng thôi nhưng như vậy họ lạc lõng trong số các nhà cung cấp khác. Nếu các nhà cung cấp khác không tăng theo thì nhà sản xuất này chết. Việc tăng giá trong thời gian này đồng nghĩa với việc tự mình treo cổ mình.

Chỉ những mặt hàng mang tính thời vụ, phụ thuộc thời tiết như hải sản, trái cây... có thể biến động giá do điều kiện khách quan. Chứ những mặt hàng nào bấm máy sản xuất được thì con đường sống hiện nay chỉ có thể là tiết giảm chi phí sản xuất chứ không phải là tăng giá”, bà Thu nhận định.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại