Trên thế giới, các biện pháp áp dụng cho thời kỳ khủng hoảng như hạ lãi suất xuống gần bằng 0% và mua trái phiếu để giảm lãi suất dài hạn được áp dụng từ năm 2008-2009 (những giải pháp mang tính chất tình thế tưởng chừng sẽ kết thúc khi kinh tế thoát khỏi khủng hoảng) giờ đang trở thành những biện pháp thông thường.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn đang in thêm tiền để mua trái phiếu và chủ trương không tăng lãi suất ngắn hạn ít nhất cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 8% hiện nay xuống còn 6,5%.
Nhằm tiếp thêm đà hồi phục tăng trưởng, FED quyết định tiếp tục chính sách tiền tệ “lỏng lẻo” với việc duy trì gói nới lỏng định lượng lần ba được thực hiện từ cuối năm ngoái, theo đó mỗi tháng chi trung bình 85 tỷ USD mua lại những trái phiếu được đảm bảo bởi tài sản thế chấp, nhằm giữ lãi suất cho vay ở mức “siêu thấp” 0-0,25% và cải thiện dòng tín dụng chảy vào thị trường nhà đất.
Nhật Bản dự định bơm 1,4 tỷ nghìn tỷ USD vào nền kinh tế trong hai năm tới bằng cách mua trái phiếu và các loại chứng khoán khác nhằm chấm dứt giảm phát và kích thích tăng trưởng.
Những chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ và người dân đã kìm hãm nhu cầu ở nhiều nền kinh tế lớn. Điều này khiến các ngân hàng phải áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng để thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc lạm dụng chính sách này cũng làm dấy lên e ngại rằng nó sẽ làm chậm tốc độ cải cách, làm méo mó giá trị đồng tiền cũng như các thị trường và tạo nguy cơ bong bóng giá tài sản trong tương lai.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho biết :”Chắc chắn sẽ có những rủi ro đi liền với các chính sách nới lỏng, tuy nhiên theo quan điểm của tôi những lợi ích thu được lớn hơn so với rủi ro hay thiệt hại”.
Hôm 16/4 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,3%, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia. Việc cắt giảm chi tiêu sẽ làm chậm đà tăng trưởng của Mỹ và nhu cầu chưa hồi phục ở khu vực đồng euro sẽ khiến khu vực này tiếp tục năm thứ hai suy thoái.
Tuy nhiên, có một nước ngoại lệ là Nhật Bản. Dự đoán tăng trưởng của Nhật Bản tăng lên 1,6%, so với mức 1,2% của tháng trước. Lý do của sự lạc quan này do kết hợp của chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và chương trình thúc đẩy chi tiêu của chính phủ do Thủ tướng Shinzo Abe tung ra gần đây.
Tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc thấp hơn dự đoán càng khiến Nhật Bản trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế, tuy nhiên những chính sách của nước này đang được theo dõi chặt chẽ để phòng ngừa những dấu hiệu có thể làm nổ ra một cuộc chiến tranh tiền tệ.
Bộ Tài chính Mỹ tuần trước đã phát đi một thông điệp cảnh cáo trong báo cáo định kỳ 6 tháng về hoạt động tiền tệ. Báo cáo có đoạn :“Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở Nhật Bản tuân thủ đúng các cam kết với nhóm G7 và G20, hướng tới việc đáp ứng tương đối các mục tiêu nội địa và ngăn chặn việc cạnh tranh phá giá đồng tiền”.
Những lời bình luận khác gần đây từ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Cục Dự trữ liên bang Mỹ và IMF gợi ý rằng Nhật Bản nên dừng lại đúng lúc.
Theo các chuyên gia, dòng tiền giá rẻ sẽ phát huy hiệu lực nếu nó được quản lý một cách hợp lý và song hành cùng với những thay đổi khác. Dù rằng dòng vốn “rẻ” có ảnh hưởng lớn nhất đối với tài chính, nhưng những ảnh hưởng đối với các bộ phận khác của nền kinh tế cũng không nhỏ, đặc biệt là ở Mỹ, nơi các hộ gia đình đã có những phản ứng tích cực trước việc lãi suất đi vay giảm.
Như vậy, trong cuộc họp nhóm G20 cuối tuần này, các nhà lãnh đạo hàng đầu sẽ phải cùng nhau dự tính rủi ro của việc tiếp tục bơm tiền ra thị trường, mặt khác họ cũng sẽ kết luận rằng hiện tại không có lựa chọn nào khác ngoài giải pháp này.