Hàng gì cũng nhập!

Việt Nam đang rơi vào tình trạng “lạm phát nhập khẩu”, thứ gì cũng nhập, kể cả những mặt hàng vốn được coi là thế mạnh của đất nước.

Mặc dù muối, đường, trứng gia cầm… đều là những thế mạnh của ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhưng mới đây, Bộ Công Thương vẫn cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2013 cho những mặt hàng này.

Đe dọa muối nội

Bộ Công Thương cho biết lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch năm 2013 là 102.000 tấn (bằng năm 2012), được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Nghịch lý là sản xuất muối trong nước rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu: thừa muối chất lượng thấp dùng trong sinh hoạt nhưng lại thiếu muối chất lượng cao phục vụ công nghiệp, y tế. Theo ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam, nhập khẩu muối chủ yếu để sản xuất công nghiệp nên sẽ chỉ nhập loại không sản xuất được.

Việt Nam đang thừa muối chất lượng thấp, thiếu muối chất lượng cao

Tuy nhiên, trên thực tế, việc nhập khẩu muối hiện nay lại đang đe dọa nghiêm trọng đến việc sản xuất muối trong nước do chênh lệch lớn về giá thành. Công ty TNHH MTV Muối Việt Nam cho biết giá muối loại 3, Ấn Độ chào bán với doanh nghiệp này là 39 USD/tấn, bao gồm tất cả chi phí vận chuyển đến cảng Hải Phòng.

Trong khi đó, giá muối khô ở miền Bắc nước ta khoảng 2,5 triệu đồng/tấn (khoảng 125 USD/tấn), miền Nam - nơi tập trung nghề làm muối - tuy giá rẻ hơn nhưng không đáng kể. Như vậy, nếu tính cả tiền thuế ngoài hạn ngạch cho phép khoảng 50% - 60% thì các doanh nghiệp nhập khẩu muối vẫn có lãi.

Các doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh trứng gia cầm trong nước không đồng tình trước tình trạng trứng ngoại nhập khẩu ồ ạt.

Tràn lan đường Thái

Hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2013 được Bộ Công Thương đưa ra là 73.500 tấn. Theo cam kết khi gia nhập WTO từ năm 2007, Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập khẩu đường là 50.000 tấn, sau đó mỗi năm tăng thêm 5%.

Đến thời điểm hiện tại, hạn ngạch nhập khẩu đường của Việt Nam theo đúng những cam kết khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, thực tế là ngoài hạn ngạch đã được cấp phép thì lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và nhập lậu qua biên giới, nhất là đường Thái Lan, là rất lớn.

Nguyên nhân được ông Hà Hữu Phái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đưa ra là do chênh lệch về giá thành. Nhìn chung, trừ một vài ngành đặc biệt cần đến đường chất lượng cao như sản xuất nước ngọt yêu cầu phải nhập khẩu, những ngành công nghiệp còn lại có thể sử dụng đường sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, do “mất điểm” về giá nên đường trong nước không được các doanh nghiệp lựa chọn, trong khi người tiêu dùng thì tìm đến đường nhập lậu từ Thái Lan. “Phải ngăn chặn đường nhập lậu và cân nhắc nhập theo hạn ngạch thuế quan vào thời điểm nào là hợp lý để không ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước” - ông Phái đề xuất.

Nhập cả gạo, thịt

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết hiện nay, các loại gạo của Thái Lan, Nhật Bản chiếm khoảng 5%-10% số lượng gạo bán trong các siêu thị và đều được nhập về theo hạn ngạch cam kết với WTO. Giá các loại gạo xuất xứ Thái Lan thường cao hơn khoảng 50% và gạo xuất xứ Nhật Bản cao hơn khoảng 70% so với gạo sản xuất trong nước. Theo ông Vinh, tuy giá đắt nhưng lượng gạo này vẫn bán khá chạy vì ngoài chất lượng gạo từ những quốc gia này khá tốt, còn do tâm lý ưa dùng hàng ngoại của người tiêu dùng.

Theo Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2012, tổng lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam đạt 82.000 tấn, chủ yếu là đầu, cổ, cánh gà. Đây đều là những thực phẩm được đánh giá có giá trị dinh dưỡng thấp, thuộc dạng thải loại ở các nước bạn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại