Thời gian vừa qua, rất nhiều công ty đã có xu hướng dịch chuyển về khu vực phía Tây của Hà Nội để có mức giá tốt hơn.
Vì vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, chủ đầu tư tại khu vực trung tâm Hà Nội gặp khó khăn. Giá mềm hơn và hiện đại hơn đã tạo ra một ưu thế lớn khiến cho các khách thuê không còn thích ở trong nội đô.
Sự thay đổi này khiến các khu vực thương mại tổng hợp ở khu vực phía Tây phát triển.
Lực lượng nhân viên văn phòng ngày càng tăng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích lớn cho các nhà hàng và các tiện nghi có liên quan.
Theo khảo sát, mức giá chào thuê trung bình của tòa nhà hạng A ngoài khu vực trung tâm hiện khoảng 22 USD/m2/tháng so với mức giá cách đây 5 năm là 15 USD/m2/tháng.
Tuy nhiên, ngược lại, khu vực trung tâm thành phố giá chào thuê vẫn tiếp tục ổn định so với 5 năm trước, dao động từ 32-35 USD/m2/tháng.
Trước thực tế này, các chủ đầu tư của khu vực nội đô đã cố gắng cải tạo, cung cấp các dịch vụ mới đồng thời hạ thấp giá thuê để cạnh tranh.
Điển hình như các tòa nhà lâu đời Pacific Place, Hanoi Towers và Central Building đang cấp tập sửa chữa, nâng cấp chất lượng để “níu giữ” khách thuê.
Tại khu vực Đống Đa, Ba Đình, nhiều tòa nhà đã giảm giá cho thuê để hút khách.
Theo khảo sát, giá chào thuê trung bình của hạng A và B đều cho thấy mức giảm nhẹ 1,2% và 0,3% so với quý trước, đạt mốc 30 USD/m2/tháng và 18 USD/m2/tháng.
Ông Greg Ohan, Giám đốc bộ phận cho thuê văn phòng CBRE cho rằng, khách thuê văn phòng đang lên kế hoạch và trở lại khu vực trung tâm vì giá thuê ở khu vực ngoài trung tâm bắt đầu tăng khách thuê đang lên ngân sách trước chi phí thuê văn phòng trong khoảng 5 đến 10 năm với mức giá thuê của thị trường hiện tại.
Với giá thuê hiện tại khu trung tâm được kì vọng sẽ ổn định tối thiểu cho đến cuối 2015 và hạ tầng đang được triển khai đồng bộ xu hướng quay lại khu trung tâm đang nằm trong chiến lược của nhiều khách thuê văn phòng đặc biệt khi khách thuê thường xây dựng chiến lược cho 5 đến 10 năm tới.
Theo nhận định của đơn vị nghiên cứu và tư vấn bất động sản Savills, từ quý 2/2015 trở đi, thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,4 triệu m2 sàn văn phòng từ 130 dự án.
Trong ba quý tới của năm 2015, thị trường sẽ đón nhận khoảng 265.000m2 sàn từ 20 dự án. 16 trong số 20 dự án đã được hoàn thành hoặc đang trong quá trình hoàn thiện.
Đáng chú ý là khoảng 70% trong số nguồn cung tương lai này đến từ khu vực phía Tây, tạo áp lực lên giá thuê tại khu vực này.
Chính vì thế, hàng loạt chính sách như: hạ giá, tặng tiền thuê 1 - 2 tháng, giảm hoặc miễn phí đỗ xe và phí điều hòa làm ngoài giờ… là những động thái mà hầu hết các chủ tòa nhà đều đang triển khai áp dụng.
Đối với những khách hàng cũ, chủ tòa nhà giữ chân họ bằng cách cung cấp các dịch vụ tốt nhất, điều chỉnh giá thuê theo giá thị trường chứ không cứng nhắc thu theo hợp đồng đã ký kết từ những năm trước.
Theo nhận định của chuyên gia trong lĩnh vực này, tình hình ế ẩm của các tòa văn phòng có thể sẽ chưa được cải thiện trong một sớm một chiều khi nguồn cung văn phòng cho thuê tại Hà Nội tiếp tục tăng mạnh.
Ước tính, một lượng lớn mặt sàn văn phòng cho thuê sẽ tiếp tục tham gia thị trường thời gian tới, làm tăng tổng diện tích sàn cho thuê lên vài lần.
Điều này cho thấy sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng, buộc các chủ tòa cao ốc phải luôn thay đổi các chính sách để có thể giữ chân khách thuê cũ và “hút” khách thuê mới.
>>> [INFOGRAPHIC] Từ đại gia trở thành "nông dân": Họ đã nói gì?