Đầu tiên phải kể đến dự án Vĩnh Hưng Dominium nằm ở số 409 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng. Dự án gồm tổ hợp 2 công trình có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng (25 tầng và 35 tầng) và 1 khu nhà thấp tầng gồm 12 căn cao 4 tầng nằm giữa 2 toà nhà. Tổng mức đầu tư 1.500 tỷ.
Từ cuối năm 2010, Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng- chủ đầu tư dự án đã tiến hành huy động vốn thông qua Sàn giao dịch bất động sản của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và thương mại Hạ Long tại Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Nhiều khách hàng, nhà đầu tư cá nhân góp vốn vào dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng khoản tiền hàng trăm triệu đồng góp vốn vào dự án khi công trình hoàn toàn bất động hơn 3 năm nay. Họ càng hoang mang hơn sau khi ông Nguyễn Hoàng Long – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vina Megastar bị bắt về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản vào ngày 17/5/2013.
Cho đến nay, dự án vẫn chỉ là bãi đất hoang, lối vào “cửa đóng then cài”, xung quanh được quây tôn rất kín. Bên trong vẫn chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc xanh um… khó có thể để khách hàng hy vọng vào một tương lai tươi sáng của dự án.
“Chung cư 83 Ngọc Hồi” cũng là cái tên dự án chung cư khá “nổi tiếng” khi chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng trái phép mặc dù đã có rất nhiều văn bản của các ban, ngành yêu cầu dừng, phá dỡ công trình trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.
Dự án này được giới thiệu là công trình hỗn hợp chung cư cao tầng, khu văn phòng và thương mại. Nhưng thực chất, phần đất dự án (rộng 4.899m2) được UBND thành phố Hà Nội cấp cho Công ty cổ phần đầu tư và cơ khí Hưng Sơn (Công ty Hưng Sơn) để làm văn phòng và showroom trưng bày sản phẩm.
Công ty cổ phần cơ khí Hưng Sơn sau đó đã chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần kinh doanh bất động sản Ngọc Lan (Công ty Ngọc Lan). Công ty Ngọc Lan sau đó đã tự ý chuyển đổi thành dự án nhà chung cư. Từ đầu năm 2010, Công ty Ngọc Lan bắt đầu thực hiện hàng loạt hợp đồng huy động vốn, với số tiền từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi khách hàng.
Dự án đã bị đình chỉ theo quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 29/11/2010 và quyết định cưỡng chế số 433 ngày 22/12/2010 và nhiều quyết định khác. Dù đã xây dựng đến sàn tầng 8, đổ cột tầng 9 nhưng dự án vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm nay. Số tiền góp vốn của khách hàng tới hàng trăm tỷ đồng cho đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết, còn dự án thì không biết đến bao giờ có thể đủ điều kiện để tái khởi động.
Theo quan sát của PV tại thực địa dự án, tường xây đã chuyển màu đen, sắt thép tại công trình hoen gỉ, biển giới thiệu dự án dựng trước công trình đã được dỡ bỏ, cổng dự án đóng kín.
Một cái tên khác cũng khiến nhiều người mua nhà thất vọng, đó là dự án AZ Sky Định Công. Dự án này cũng đã bị khách hàng tố huy động vốn khi dự án chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, hợp đồng huy động vốn được ký kết từ năm 2009, nhưng đến tận giữa tháng 8/2010 mới có Công văn số 6934/UBND thành phố xem xét chấp thuận chuyển mục đích sử dụng lô đất. Sau đó, ngày 20/10/2010, UBND TP. Hà Nội mới có Công văn số 8392/UBND-XD cho phép chuyển mục đích sử dụng lô đất để xây dựng dự án AZ Sky.
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Bất động sản AZ, nhưng nay đã được đổi chủ sang Công ty TNHH Đá Quý Thế giới. Theo UBND quận Hoàng Mai, chủ đầu tư xây dựng không tuân thủ quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt. Ngày 3/1, chủ đầu tư đã có văn bản xin điều chỉnh không xây dựng 2 tầng hầm, bố trí chỗ đỗ xe lên các tầng 3 và 4, tổng mặt bằng của dự án không thay đổi.
Hiện dự án đã xây dựng đến tầng 4 và đang dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.
Trước nhiều dự án “có vấn đề” nêu trên, đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực quản lý, lãnh đạo của chính quyền các phường và quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi để một công trình rộng hàng ngàn m2 xây dựng trái pháp luật trên địa bàn. Trong khi đó, số phận các dự án đến bao giờ mới đến đích hoặc có được phán quyết cuối cùng vẫn chưa có câu trả lời, quyền lợi khách hàng đã lỡ đổ tiền mua nhà tại những dự án nói trên vô cùng mong manh.