Các tập đoàn được thành lập với kỳ vọng trở thành những ‘quả đấm thép’, trụ cột của nền kinh tế để cạnh tranh và vươn lên tầm quốc tế.
Nhưng khi giấc mơ chưa thành thì đã có những mô hình tập đoàn phải sớm chấm dứt và để lại một cục nợ lớn.
Trong gần một năm qua, đã có ba mô hình tập đoàn chính thức được dừng thí điểm.
Ngày 12/10/2012, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng VNIC (nòng cốt là Tổng công ty Sông Đà) và Tập đoàn đầu tư và phát triển nhà đô thị HUD đã bị giáng cấp. Những “anh” nòng cốt trở về nguyên trạng là Tổng công ty HUD và Tổng công ty Sông Đà. Hàng trăm “anh” khác thì về mái nhà cũ Bộ Xây dựng.
Tuổi thọ của 2 Tập đoàn này được 2 năm.
Gần một năm sau, ngày 21/10/2013, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy - Vinashin cũng chính thức mất áo “Tập đoàn” trở về Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, nhưng với tên giao dịch quốc tế hoàn toàn mới- SBIC.
Cái tên Vinashin với tuổi thọ 7 năm.
Nhìn lại những sự kiện này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chấm dứt có vẻ như nhanh gọn quá. Người ta cũng chưa thấy có tổng kết, đánh giá được công bố một cách công khai… chỉ thấy ầm ĩ những khoản nợ, lỗ và hàng loạt sai phạm đang được xử lý.
Nhớ thời vàng son mới thành lập, những cái tên tập đoàn đều long lanh ngời sáng. Nhắc đến xây dựng, bất động sản là nhắc đến HUD, Sông Đà; nói đên đóng tàu chỉ có Vinashin… như những biểu tượng mới cho nền kinh tế.
Ngày ra mắt, lãnh đạo của VNIC chia sẻ: “VNIC từng bước xây dựng, tiến tới hoàn thiện để trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng hùng mạnh của quốc gia và khu vực, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài”.
Năm 2010, trước lời tố “đóng tàu lấn sân sang làm thép chỉ là thùng rỗng kêu to của Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Thanh Bình, khi đó là Chủ tịch Vinashin “tâm sự” rằng: “Đầu tư có lúc được, lúc mất vì nhiều lý do. Nhưng chắc chắn, cố gắng của chúng tôi là rất lớn.Tôi chỉ muốn làm được điều gì cho đất nước, cho ngành công nghiệp của mình, nhưng làm gì cũng bị cho là đầu tư tràn lan, không tính toán. Quả là hơi oan quá. Nhưng mà thôi, thực tế sẽ trả lời chứ tôi chẳng muốn thanh minh”.
Và thực tế đã có câu trả lời cuối cùng.
Khi tiến lên Tập đoàn, những ông lớn này lại thụt lùi về lợi nhuân. Nếu năm 2009, khi chưa tham gia Tập đoàn thì Tổng công ty Sông Đà có tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu đạt 9,72%, đến 2011 chỉ còn đạt 0,75%. Công ty mẹ Tổng công ty HUD cũng từng đạt tỷ suất lợi nhuận tới 15,96% năm 2009 - trước khi thành Tập đoàn, tới năm 2011 giảm chỉ còn 4,94%.
Đầu năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã phát sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà lên tới 10.700 tỷ đồng. Với HUD, những sai phạm, tai tiếng gắn với nhiều dự án bất động sản cũng liên tục lộ ra.
Thậm chí, đến 6/2012, Bộ Xây dựng còn phải xin Bộ Tài chính ứng cứu cho Tập đoàn Sông Đà tới 437 tỷ đồng để trả nợ năm 2012 cho công ty cổ phần xi măng Hạ Long – dự án Tổng công ty Sông Đà đứng tên vay vốn dưới sự bảo lãnh của Chính phủ.
Tháng 5 vừa qua, HUD khi đã trở về là Tổng công ty vẫn còn đang loay hoay trong đống nợ khủng của Công ty Xi măng Sông Thao nơi HUD chiếm 81% vốn. Và như các Tập đoàn khác, HUD lại cầu cứu Bộ Tài chính trả nợ thay cho 3 kỳ trả nợ tiền gốc và lãi tới 1.9 triệu EUR và 2.9 triệu USD...
Với Vinashin, có lẽ, bất cứ ai cũng thuộc những con số tiêu biểu của Tập đoàn này như nợ hơn 86.000 tỷ đồng, lỗ hàng ngàn tỷ đồng.. Hay mua tàu Hoa sen cũ rích lạc hậu cả nghìn tỷ đồng để rồi bỏ không… rồi cả một đội tàu hùng hậu một thời nay tan tác. Cựu chủ tịch Tập đoàn này này đang phải chấp hành án 20 năm tù vì những sai lầm tỷ đô của mình còn việc tái cơ cấu ở tập đoàn này hiện vẫn còn rất chật vật.
Một thời, đi làm ăn kinh doanh mà xưng danh hai chữ “Tập đoàn”, nghe oách lắm. Ngành ngành ‘sính” Tập đoàn, như thể nhà nhà ‘sính” đồ ngoại, người người sính đồ hiệu. Rõ ràng, Tập đoàn hẳn phải to hơn công ty, Tổng công ty. Kéo theo, “Tập đoàn” cũng phải ‘to’ hơn về tài chính, về kinh nghiệm, về năng lực, về quản trị, về quan hệ… và vì thế Tập đoàn cũng có được nhiều quyền lợi và ưu đãi hơn.
Nhưng mở màn hoành tráng, kết thúc lặng lẽ gắn với 2 chữ ‘Tập đoàn’. Những cái kết buồn cho câu chuyện “Tập đoàn” này có thể chỉ là trang mở đầu cho một công cuộc tái cơ cấu các DN nhà nước, trong đó có cả những Tâp đoàn, Tổng công ty… làm ăn không hiệu quả.
Có điều, liệu thay tên đổi họ rồi, những ông lớn này có “làm mới mình” hơn không hay là vẫn đang còn loay hoay với những vấn đề cũ?. Nhưng có một điều chắc chắn, để xử lý hết những khoản nợ và khó khăn tồn tại, không chỉ các DN này mà các cơ quan quản lý hẳn sẽ còn mất nhiều thời gian và nguồn lực. Đơn giản những con số ngàn tỷ nợ và lỗ không dễ gì sớm dứt điểm được.