Giá xăng có thể “đứng yên”

Hải Băng |

Dựa theo diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong lần điều chỉnh tới đây (dự kiến vào ngày 19/10) có thể biến động không nhiều.

Theo quy định ngày 18/10 sẽ là thời điểm điều chỉnh lại giá bán lẻ xăng dầu. Song, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết trên Vnexpress kỳ điều hành trùng vào Chủ nhật nên việc biến động giá này sẽ dời sang ngày mai (19/10) và giá xăng dầu trong nước sẽ điều chỉnh theo diễn biến của thị trường thế giới.

Dựa theo diễn biến này, một lãnh đạo công ty đầu mối xăng dầu tại TP.HCM nhận định đầu tuần tới, giá dầu có khả năng sẽ giảm ít nhất 100 đồng/lít trong khi đó giá xăng khó tính toán do biến động thị trường thế giới 15 ngày qua không rõ ràng.

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô hôm 16/10 tăng nhẹ. Song đà tăng này cũng không đủ bù đắp cho cả tuần khi những ngày trước đều xuống giá.

Cả 2 loại dầu chủ chốt của thế giới đều đã mất gần 5% trong tuần này. Trong khi đó trong vòng 15 ngày qua, giá xăng gần như không có nhiều biến động.

Trước đó, ngày 3/10, Liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng giá xăng RON 92 thêm 189 đồng/lít thành 18.130 đồng/lít và giảm giá các mặt hàng dầu.

Quyết định này khiến nhiều người cho rằng chưa phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Bởi theo chính báo cáo của Bộ Công thương, giá nhập khẩu xăng dầu tháng 9/2015 giảm 8,02% so với tháng trước và giảm tới 43,18% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá xăng dầu nhập khẩu giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, giá xăng dầu trong nước trong 2 đợt điều chỉnh gần đây (ngày 18/9 và 3/10) đều tăng.

Một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước vẫn không phù hợp với giá thế giới là do thuế phí đánh vào mặt hàng này quá cao khiến giá cơ sơ bị đội lên.

Theo Dân Việt, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết: “Tôi đã không ít lần kiến nghị rằng, chúng ta cần phải tính lại thuế phí với mặt hàng xăng dầu sao cho phù hợp.

1 lít xăng cõng quá nhiều loại thuế, phí và ở mức cao như hiện nay chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng gánh thiệt”.

Theo quy định hiện tại, mỗi 1 lít xăng phải đóng 4 loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường với mức tuyệt đối 3.000 đồng, thuế nhập khẩu 20% (khoảng 1.750 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (khoảng 1.060 đồng), thuế giá trị gia tăng 10% (tương ứng 1.650 đồng).

Để tiêu thụ 1 lít xăng, người dân phải đóng góp cho ngân sách khoảng 7.460 đồng.

Không dừng lại ở đó, cộng thêm các loại chi phí và lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, trích quỹ bình ổn thì tổng số tiền thuế và phí mà người tiêu dùng phải nộp lên tới hơn 9.000 đồng/lít xăng, tức là chiếm tới khoảng một nửa giá xăng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại