Nhìn lại 6 tháng thực hiện Nghị quyết 19/2015 (NQ19) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cải cách hành chính về bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc, trong đó có tình trạng có thể 100% trốn đóng bảo hiểm.
Doanh nghiệp và người lao động thông đồng trốn đóng bảo hiểm
Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện CIEM cho biết, NQ19 yêu cầu giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội từ 335 giờ/năm xuống còn 49,5 giờ/năm.
Qua 6 tháng thực hiện, theo khảo sát của CIEM, thời gian nộp BHXH tuy giảm nhiều, song vẫn chưa đạt mục tiêu xuống 49,5 giờ/năm như yêu cầu của NQ19.
Chỉ có một số doanh nghiệp triển khai tốt yêu cầu đề ra (tiêu biểu như TPHCM, Đồng Nai), còn nhiều địa phương chưa chú trọng cải cải hành chính BHXH, trong đó có Hà Nội và Hải Phòng.
Doanh nghiệp và người lao động kêu mức thu bảo hiểm bắt buộc hiện nay quá cao (Ảnh minh họa: KT)
Trong số những vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính BHXH, bà Thảo dẫn chứng: mức thu bảo hiểm bắt buộc hiện nay quá cao (32,5%); giải quyết chế độ thai sản theo quý; thiếu cơ chế để người lao động theo dõi, giám sát việc đóng BHXH; một số thay đổi về biểu mẫu tuy nhằm mục tiêu giảm thời gian kê khai cho doanh nghiệp, song thực tế khi áp dụng đã làm tốn thêm nhiều thời gian; công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu, hay nghẽn mạng.
Là người tham gia khảo sát thực tế tại doanh nghiệp ở nhiều địa phương, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, cho biết: Một thực trạng đáng buồn là “khi chúng tôi tới doanh nghiệp khảo sát (tại 20 địa phương), 100% doanh nghiệp Việt Nam trốn bảo hiểm xã hội.
Hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ nộp bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo mức tiền lương tối thiểu, chứ không nộp trên lương theo hợp đồng lao động mà doanh nghiệp thực trả. Nhiều trường hợp nợ bảo hiểm hoặc cố tình không đóng bảo hiểm”.
Bà Cúc còn cho biết, doanh nghiệp giải thích: Hầu hết doanh nghiệp và cả cơ quan BHXH cho rằng mức thu bảo hiểm bắt buộc là quá cao (tổng là 32,5%, trong đó BHXH là 26%, BHYT là 4,5%, BHTN là 2%), là gánh nặng lớn về tài chính cho doanh nghiệp.
Nhưng cũng theo kết quả khảo sát thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước đang nộp bảo hiểm bắt buộc cho người lao động theo mức tiền lương tối thiểu chứ không nộp trên lương theo hợp đồng lao động mà doanh nghiệp thực trả.
“Nhiều trường hợp nợ bảo hiểm hoặc cố tình không đóng bảo hiểm”- bà Cúc nhấn mạnh.
Về thực trạng này, bà Cúc phân tích thêm: Trước đây quy định đóng bảo hiểm 15%, doanh nghiệp đóng đủ, nhưng nay tăng lên thành 32,5%, với lý do để an sinh xã hội cho người lao động trong tương lai tốt hơn.
Nhưng người lao động thấy “tương lai đó còn xa quá, trong khi lương hiện tại còn thấp nên không mặn mà, không nộp”.
Thực tế này là nguyên nhân quan trọng “tạo ra có sự thông đồng giữa người lao động và doanh nghiệp để không đóng bảo hiểm.
Doanh nghiệp không nộp hoặc gian lận bảo hiểm. Nếu giờ đi kiểm tra, có thể 100% doanh nghiệp phải bị truy thu bảo hiểm”- bà Cúc cho biết.
Tăng mức thu bảo hiểm, nguy cơ mất nhà đầu tư nước ngoài
Trong khi đó, ở phía khối doanh nghiệp FDI, bà Cúc cho biết: Giám đốc các doanh nghiệp FDI nghiên cứu rất kỹ Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo đó, sang năm 2016, theo Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, doanh nghiệp sẽ phải đóng bảo hiểm bắt buộc theo mức lương thực trả người lao động.
Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các khoản phụ cấp, tiền thưởng, các khoản phúc lợi như tiền ăn giữa ca, tiền nhà cho người lao động.
Đồng thời, nếu Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu thêm 10% thì chi phí đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp sẽ còn tăng.
Vì thế, Giám đốc các doanh nghiệp cho rằng: khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam là có tính đến yếu tố chi phí lao động ở Việt Nam rẻ.
Việc thay đổi chính sách bảo hiểm trong tương lai là phù hợp, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay cạnh tranh quốc tế rất lớn; việc tăng chi phí BHXH sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh năng suất lao động tại Việt Nam.
Trong lúc các nước khu vực Đông Âu, Nam Mỹ đang suy giảm tăng trưởng, giá nhân công hạ, việc tăng chi phí lao động ở Việt Nam sẽ làm giảm tính hấp dẫn đầu tư nước ngoài, một số nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các khu vực, quốc gia có chi phí nhân công thấp hơn.
Như vậy, “chính sách BHXH không hợp lý làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”- bà Cúc nhấn mạnh.
Từ thực tế đáng quan ngại đó, bà Cúc đặt câu hỏi: “Một chính sách bảo hiểm xã hội mà khiến tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều băn khoăn, còn doanh nghiệp Việt Nam có tới 100% trốn đóng bảo hiểm thì chúng ta cứ cố đưa ra thực hiện để làm gì?
Tôi khẩn thiết đề nghị xem xét lại tính thực thi của chính sách này, không nên cố thực hiện để khiến mọi người lừa dối”./.