Giá điện tăng khoảng 10%?

Theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành, mức tăng giá điện có thể xung quanh 10%, dù EVN chắc chắn chờ đợi mức tăng cao hơn.

Giá than cho điện đã tăng từ tháng 4, lên mức 80% giá thành và Tập đoàn Than – Khoáng sản vẫn có nguyện vọng… tăng tiếp; Tập đoàn Điện lực đã hoàn thành báo cáo kiểm toán giá điện năm 2012; cùng với đó là tình hình tài chính “bi bét” của Tập đoàn này khi đang nợ tiền mua điện của PVN, Vinacomin đến 10 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm… rất nhiều yếu tố cho thấy tăng giá điện chỉ còn là vấn đề thời điểm. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng thời điểm đó chính là đầu tháng 8.

Giá chỉ ngừng tăng khi chúng ta có 800.000 MW điện

Ngay từ đầu tháng 7, ông Đinh Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng đã cho biết, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát báo cáo kiểm toán giá điện 2012 của EVN. Xét theo diễn biến hiện nay, rõ ràng các yếu tố đầu vào có biến động, kể cả về giá than, giá ngoại tệ…

Chuyện tăng giá điện gần như đã là tương lai tất yếu. Trả lời câu  hỏi “bao giờ thì điện  hết tăng giá”, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng cho biết: Chỉ đến khi nào chúng ta đã có 800.000 MW điện với sản lượng 400 tỷ kWh hằng năm, tương đương khoảng 4000 kWh/người, tức là gấp 4 lần hiện nay, giá điện mới có thể ổn định.

Cũng như các nước khác trên thế giới, đến lúc đã đầu tư xong xuôi, có điện dự phòng, giá sẽ ở mức “đỉnh” và không tăng nữa. Còn với tình trạng hiện nay, không thể tránh được cảnh “đến hẹn lại tăng”.

Cũng theo ông Trần Viết Ngãi, giá điện của Việt Nam hiện đang ở mức 7 cent/kWh – mức thấp so với 10 cent của các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân khiến chúng ta khó thu hút đầu tư vào điện, nhất là đầu tư nước ngoài, nguy cơ thiếu điện luôn rình rập. Hiện tình trạng tài chính của EVN rất khó khăn.

Lỗ của 2011 – 2012 là 40 nghìn tỷ đồng, trong đó Chính phủ mới cho phát hành trái phiếu để giải quyết 10 nghìn tỷ đồng trả nợ cho PVN. 30 nghìn tỷ đồng còn lại vẫn treo đó. Chưa kể đến việc từ đầu năm đến nay, EVN đã nợ PVN và Vinacomin 10 nghìn tỷ đồng mua điện, khí.

Để đầu tư cho các công trình nguồn điện đang và sẽ xây dựng trong thời gian sắp tới, EVN đã cần đến 10 tỷ USD, trong khi bản thân Tập đoàn này thậm chí còn không có cả vốn đối ứng để đi vay. Ví dụ Thủy điện Lai Châu, vốn đầu tư cần 35.700 tỷ đồng, trong đó EVN mới vay trong nước được khoảng 4.000 tỷ đồng, 31.700 tỷ đồng còn lại chưa biết vay đâu. Quan điểm của những người làm ngành điện cho rằng tình trạng này kéo dài, an ninh năng lượng của đất nước không thể được đảm bảo.

Giá điện tăng khoảng 10%?
 

Sẽ tăng khoảng 10%?

Ngoài thời điểm, thì mức độ tăng giá như thế nào cũng là điều dư luận đang nín thở chờ đợi, nhất là các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện. Theo dự đoán của một số chuyên gia trong ngành, mức tăng có thể xung quanh 10%, dù EVN chắc chắn chờ đợi mức tăng cao hơn. Bản thân Hiệp hội Năng lượng cũng kiến nghị mức tăng từ 8 – 9 cent/kWh, tức trung bình khoảng 1.700 – 1.800 đồng/kWh, cao hơn mức 7 cent hiện nay khoảng 14-28%.

Theo ông Trần Viết Ngãi, nên tăng “ra tấm ra món” vì đây là xu thế không thể cưỡng lại. Theo phân tích của chuyên gia này, hiện giá than cho điện mua trong nước đang khoảng 800.000 đồng/tấn, trong khi nếu nhập khẩu phải ở mức 200 USD/tấn, tức cao gấp 5 lần. Tương tự, giá khí nhập khẩu cũng sẽ cao gấp nhiều lần.

Với tình trạng các nhiên liệu đầu vào trong nước sắp cạn kiệt, chúng ta không còn nhiều thời gian trước khi giá điện tăng cao ở mức chóng mặt. “Tất cả giá đầu vào sẽ tăng kinh khủng, giá điện trong tương lai gần sẽ có thể tăng từ 6.200 đồng/kWh lên tới 8.000-9.000 đồng/kWh. Người dân và doanh nghiệp nếu không có sự chuẩn bị tinh thần, mọi hoạt động sẽ bị đảo lộn” - ông Ngãi nhận định.

Ngoài tăng giá, việc tiết kiệm điện cũng phải sớm được chú ý, bởi hiện chỉ số đàn hồi của chúng ta quá cao đến 2,5 (tức là 2,5 điện mới được 1 GDP) trong khi các nước tiên tiến thấp hơn đến hàng chục lần. Cùng với đó, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cũng phải sớm được triển khai để giá tăng hay giảm sẽ do thị trường quyết định, tránh nỗi ám ảnh “độc quyền” hiện nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại