Chiều 30-11, hàng loạt các công ty gas công bố mức tăng giá “khủng” 78.000-79.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, tại Hà Nội, một số điểm bán lẻ cũng rậm tịch tăng giá bán lên 430 – 450.000 đồng/bình, thay vì mức giá 350 – 370.000 đồng/bình trước đó.
Theo lý giải của các công ty gas, gas trong nước tăng giá đột biến do giá gas thế giới nhập khẩu trong tháng 12 tăng 267,5 USD/tấn (lên mức 1.162,5 USD/tấn).
“Nếu so với mức tăng của thế giới (tăng hơn 200 USD/tấn) thì mức tăng ở Việt Nam (khoảng 78.000 đồng/bình) không phải là quá cao. Tuy nhiên, thời điểm tăng vào đầu tháng 12 như thế này là quá sớm” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong khẳng định.
Ông Phong giải thích: Theo nguyên tắc, giá gas và giá dầu phải gắn liền với lượng hàng dự trữ bắt buộc trong một khoảng thời gian nhấn định, việc điều chỉnh giá sau bao nhiêu ngày cũng được quy định trước.
Theo đó, gas bán ra thị trường trong ngày 1/12 vẫn là gas đã nhập trong tháng 11, theo giá tháng 11 nên việc tăng giá ngay vào đầu tháng 12 là không sòng phẳng với người tiêu dùng.
Các bà nội trợ bức xúc vì giá gas tăng phi mã.
Hơn nữa, giá gas trong nước hiện nay đang điều chỉnh theo giá thế giới, theo các chuyên gia kinh tế cũng là một hình thức không minh bạch. Bởi hiện nay gas sản xuất trong nước đã chiếm thị phần áp đảo. Theo quy luật kinh tế, đáng lẽ gas sản xuất trong nước phải giữ vai trò dẫn dắt thị trường.
“Ở thời điểm này, Bộ Công thương đang thả nổi giá gas, cùng với hệ thống độc quyền như hiện nay, việc quản lý trở nên khó khăn”. Việc tăng giá phi mã như thời điểm hiện tại, theo TS. Nguyễn Minh Phong, lỗi là do bộ phận quản lý, tuy nhiên, “họ không phạt thì dân phải chịu thôi” – ông Phong nói.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, gas tăng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng tháng tới bởi gas là một trong những mặt hàng nằm trong "rổ hàng hóa" được đưa vào tính toán.
Trong bối cảnh thu nhập của người dân vẫn giậm chân tại chỗ, đặc biệt là những người làm công ăn lương, các mặt hàng lần lượt tăng giá, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng, tạo nên tâm lý lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng.
“Gas từ lâu đã trở thành mặt hàng khá phổ biến hiện nay, việc tăng giá ảnh hưởng tới đối tượng tiêu dùng lớn trong xã hội. Hơn nữa, việc tăng giá lại không được minh bạch thông tin một cách đầy đủ từ đầu vào cho tới đầu ra đã làm ảnh hưởng tới quyền được nắm bắt thông tin chính xác của người tiêu dùng” – ông Hùng nhấn mạnh.
Việc gas tăng giá ngay những ngày đầu tháng 12 này, theo ông Hùng, nó cũng giống như câu chuyện xăng tăng giá, nhập hàng vào khi giá chưa tăng nhưng khi thế giới tăng, trong nước mặc dù vẫn còn hàng tồn nhưng vẫn tăng theo giá mới.
“Thực tế, gas là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, cơ quan quản lý phải vào cuộc kiểm tra, nắm rõ lượng tồn kho theo giá cũ, chỉ cho phép tăng đối với số lượng gas nhập theo giá mới. Tuy nhiên tránh trường hợp đã từng xảy ra trong năm trước, mức tăng cao hơn so với thế giới.
Sau 4 tháng tăng liên tiếp, tháng 10 mới giảm một đợt, tuy nhiên cũng chỉ 8.000 đồng/bình 12 kg, tháng 11 lại tăng gấp hơn 2 lần và lần này tăng với mức kỷ lục, gần 80.000 đồng/bình 12 kg, đã gây sốc cho người tiêu dùng. Vì người dân đang quen dùng bếp gas không thể một chốc, một lát chuyển qua các chất đốt khác được” – ông Hùng đưa ra quan điểm.
Đứng trên khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng, ông Hùng cho biết: Theo luật đã quy định, người tiêu dùng được quyền cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa; có quyền góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả, chất lượng hàng hóa.
Như vậy, doanh nghiệp cần thông tin một cách minh bạch, chính xác, đầy đủ về những yếu tố liên quan tới việc tăng giá. Nhằm đảm bảo quyền lợi đã được pháp luật quy định cho người tiêu dùng, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, trong đó, có hay không việc doanh nghiệp nhập giá thấp (gas tồn nhập về từ trước), bán giá cao – ông Hùng kiến nghị.
Khi cách kiểm soát, vận hành của các cơ quan quản lý Việt Nam còn nhiều bất cập, theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên sử dụng quyền của mình để “ứng xử” lại với lối chơi không đẹp của các doanh nghiệp gas.
“Người dân hãy học cách tiết kiệm, tự tạo nên sức ép cho người bán, nếu thấy đắt quá thì không mua, không sử dụng nữa, chuyển sang sử dụng bếp từ. Nhà tôi đã bỏ bếp gas từ lâu rồi, dùng bếp điện rẻ hơn hẳn một nửa” – TS Phong bày cách cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đối với những người có thu nhập trung bình, khá, việc sử dụng bếp từ thay cho bếp gas cũng đặt ra nhiều vấn đề khó khăn khi phải đầu tư một khoản tiền tương đối để sắm sửa trang thiết bị.
“Nhà tôi có con nhỏ, hàng ngày phải hầm xương, hầm cháo cho con, hầu như tháng nào cũng sử dụng hết một bình gas. Việc gas tăng giá, mỗi tháng bỏ ra gần 500.000 đồng/bình tôi thấy rất xót ruột nhưng không biết phải làm sao. Giờ chuyển sang bếp từ lại phải bỏ ra hàng triệu đồng mua nồi, mua bếp mới, tôi thấy rất tốn kém” – Chị Vũ Hoa (cư ngụ tại ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Hà Nội) bày tỏ băn khoăn.
Để giá gas không bị thả nổi và người tiêu dùng không phải chịu thiệt, theo đề xuất của các chuyên gia, giá gas phải gắn liên với cơ chế quản lý giá xăng dầu hoặc Nhà nước phải cho kinh doanh gas tự do, tạo môi trường cạnh tranh đem lại mức giá tốt nhất cho người dùng.