Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2014 của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 13/12.
Theo đó, việc điều chỉnh giá cước được thiết lập trên cơ sở giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng giá chung của khu vực.
Điều đáng nói việc rục rịch điều chỉnh thêm giá cước lần này chỉ sau chưa đầy 2 tháng các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G, với mức tăng cao nhất lên tới 40%, khiến không ít người tiêu dùng dịch vụ này bức xúc.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng lại “đánh giá cao hoạt động điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động, trong đó có 3G, hoàn toàn phù hợp với chính sách, quy định hiện hành”.
Tuy vậy, ông Thắng cũng cho biết, giá cước dịch vụ viễn thông của Việt Nam đã đạt mức tương đương hoặc thấp hơn mức trung bình của khu vực và thế giới, tương đối phù hợp thu nhập người dân, vì thế vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ. Và theo ông, năm 2014, cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, nhất là các dịch vụ như truy nhập Internet băng rộng, di động, 3G.
Tuy nhiên khi bàn về câu chuyện giá thị trường thì GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng không thể đưa câu chuyện áp giá thị trường vào cho người dân của Việt Nam.
Theo GS Mại, không thể soi giá thế giới để áp vào với điều kiện trong nước. Lý do là vì mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố thu nhập bình quân đầu người của chúng ta khoảng 1.960 USD vào năm 2013, Mỹ trên 40.000 USD/đầu người; Singapore là 45.000 USD/đầu người… làm sao ta theo được giá thế giới.
GS Mại cũng cho rằng chúng ta có tiền lương, giá cả luôn luôn phải tương xứng nhau chứ như giá điện cũng đề xuất tăng giá thêm như thế là bắt dân chịu lỗ thay cho doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa với mức thu nhập của Việt Nam hiện nay việc liên tục tăng giá dịch vụ thực sự mang lại hiệu quả xấu cho chính các nhà đầu tư vì đã có nhiều người cho rằng sẽ thay đổi việc sử dụng 3G để tránh những chi phí không cần thiết.