Hậu 3G tăng giá: Bị nhà mạng “móc túi”, người dùng quyết tẩy chay

Phương Quế |

(Soha.vn) - Vì quá bức xúc, nhiều người tiêu dùng đã quyết định tẩy chay 3G sau hơn 1 tháng kể từ thời điểm các nhà mạng chính thức tăng giá cước 3G lên tới 40%.

Ngày 16/10/2013 ,vừa qua 3 nhà mạng di động Vinaphone, MobiFone và Viettel - những nhà mạng giữ vị trí thống lĩnh thị trường về dịch vụ truy nhập Internet trên mạng di động (dịch vụ dữ liệu 3G) cùng chính thức tăng giá cước 3G trung bình 20%, thậm chí có gói cước tăng đến 40%.

Bị đối xử bất công, người dùng tẩy chay 3G

Trên cộng đồng mạng những ngày qua, fanpage Hội tẩy chay 3G được nhiều người dân quan tâm và bình luận. Việc tăng cước 3G một cách đột biến được ví như giọt nước làm tràn ly, “tức nước” thì “vỡ bờ”, nhiều người tiêu dùng đã tuyên bố: Sẽ hủy bỏ dịch vụ này và không dùng vĩnh viễn.

Ông Vũ Huy Hoàng, Giám đốc một công ty bán hàng trực tuyến tại Hà Nội – người đã hủy dịch vụ 3G ngay sau khi có thông báo tăng giá, chia sẻ: “Ở nhà tôi đã có Wifi rồi, tới công ty cũng Wifi miễn phí. Hẹn với khách ở ngoài, chủ yếu là quán cafe và nhà hàng, hầu hết đều có Wifi. Tính ra chỉ có đoạn từ nhà đến công ty, từ công ty đến chỗ hẹn và ngược lại mới cần có 3G để kiểm tra mail hay xem tin tức. Thực tế thời gian sử dụng không nhiều, 70.000 đồng/tháng, tôi cho là quá lãnh phí".

Chị Nguyễn Thủy, nhân viên văn phòng (cư ngụ tại ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Hà Nội) cũng mong muốn nhà mạng cân nhắc lại mức giá đã đưa ra. “Đầu tháng vừa rồi, tôi đã nhắn tin cắt GPRS. Mặc dù, thiếu 3G có hơi bất tiện khi đi đường muốn tìm kiếm địa chỉ qua Google map hoặc lúc rảnh rỗi không thể vào mạng. Nhưng đó là cách phản ứng của tôi với cách làm không công bằng của nhà mạng. Quyền của người tiêu dùng là ở đó!” – chị Thủy nhấn mạnh.

 

Trên mạng xã hội Youtube hay Facebook, nhiều người cũng bày tỏ thái độ phẫn nộ trước việc tăng giá “không chính đáng” này của nhà mạng. Làm video về việc tăng cước 3G, đăng banner hay viết những dòng status bất bình là cách mà người tiêu dùng trút giận trước sự kiện gây căm uất dư luận này.

Một bạn trẻ viết: “Hàng triệu người đang được hưởng lợi từ dịch vụ gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh miễn phí nhưng để “giữ nồi cơm” của mình, các nhà mạng đang tìm mọi cách ngăn chặn dịch vụ này. Đó là cách chơi không đẹp. Tôi kêu gọi mọi người tẩy chay”.

Ngoài việc hủy 3G, nhiều khách hàng đã phản ứng với các nhà mạng như Viettel, VinaPhone, MobiFone bằng cách chuyển sang dùng mạng Vietnamobile - nhà mạng vẫn giữ nguyên mức giá 3G và đa dạng các chương trình khuyến mại, để mong muốn có được chi phí hợp lý cũng như thuận tiện trong công việc.

 	Vietnamobile - nhà mạng cam kết không tăng giá 3G

Vietnamobile - nhà mạng cam kết không tăng giá 3G

Tăng cước 3G: Người thiệt là các nhà mạng

Trong cuộc họp báo về một số nội dung quản lý viễn thông vào ngày 8/11/2013, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Nam Thắng nhận định: “Việc gói tăng chỉ tác động hơn 8% người dùng nên không gây xáo trộn đáng kể trên thị trường". Lý do được đưa ra vì đa phần là người dùng smartphone, máy tính bảng nhưng đây lại thường là đối tượng khách hàng có thu nhập tốt trong xã hội. Đồng nghĩa chỉ 18,9 triệu trong tổng 91 triệu thuê bao di động bị ảnh hưởng.

 	Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định: “Việc gói tăng chỉ tác động hơn 8% người dùng nên không gây xáo trộn đáng kể trên thị trường

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin, việc sử dụng những sản phẩm điện thoại thông minh để hỗ trợ học tập, công việc là nhu cầu tất yếu của tất cả mọi người. Việc cho rằng họ là những người có thu nhập tốt trong xã hội, là đang có sự phân chia giai cấp?

Hơn nữa, với tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt các loại phí đã tăng, khoản tăng “sốc” 3G này đè thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nhiều người chung quan điểm khi cho rằng: Mạng 3G của Việt Nam rất kém, thường xuyên phập phù, liên tục rớt sóng, tốc độ rất chậm nhiều lúc không mở nổi trang web. Mặc dù đã đăng ký 3G nhưng vẫn phải sử dụng mạng 2G để chạy thay thế, hoặc không thể truy cập tại nhiều địa điểm. Giá tăng nhưng chất lượng 3G lại chưa đáp ứng được mong mỏi của người dùng, vô hình chung, nhà mạng đang tự làm mất lòng tin của người dùng.

Thậm chí, chính Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng thừa nhận chất lượng dịch vụ 3G kém: “Hiện nay chất lượng dịch vụ một số thời điểm và khu vực chậm, hạ tầng không được cải thiện. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đúng như cam kết lúc thi tuyển 3G”.

Anh Dũng, khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của Viettel bức xúc bày tỏ: “Nhiều lúc tôi có việc về quê, do đòi hỏi công việc vẫn phải kiểm tra mail hay theo dõi tin tức thường xuyên, nhưng mạng 3G lại rất yếu, chập chờn, nhiều khi để lỡ việc”.

Còn chị Hà Thu Trang (Ba Đình, Hà Nội) lại xót xa: “Thật vô lý khi chúng tôi phải trả tiền cho nhà mạng để dùng dịch vụ 3G nhưng thường xuyên phải sử dụng mạng 2G. Các nhà mạng cần quan tâm hơn đến việc phát triển dịch vụ của mình, chứ đừng để người dùng đọc một cái tin mà cũng bị thoát ra liên tục – Điều này không thể chấp nhận được”.

Rõ ràng, sau hơn 1 tháng khi mức giá mới được áp dụng, hầu hết khách hàng đều có phản ứng trái chiều hơn là hài lòng và tin cậy.

Các nhà mạng nên cân nhắc lại mức giá cho phù hợp với người tiêu dùng, cùng với đó là nâng cao uy tín kèm cam kết chất lượng dịch vụ. Bài toán về giá hoàn toàn có lời giải nếu nhà mạng giữ vững quan điểm coi “khách hàng là thượng đế”, tôn trọng và tham khảo ý kiến khách hàng trước khi đưa ra quyết định. Một khi để người tiêu dùng phản ứng gay gắt và mất niềm tin về dịch vụ thì hơn ai hết bên nhận thiệt thòi chính là các nhà mạng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại