Từ đầu năm 2013 đến nay các DN sản xuất xe máy đã liên tục làm mới và cho ra đời những mẫu xe tay ga mới. Các hãng xe nước ngoài luôn so kè nhau, canh tranh trên phân khúc thị trường được cho là còn nhiều tiềm năng này. Tuy nhiên, càng ra mắt nhiều thì xe lại càng ế ẩm, giảm giá.
Honda Việt Nam từ đầu năm tới nay đã tung ra 4 mẫu xe tay ga mới là: Vision, Lead 125, PCX 125 và mới đây nhất là SH Mode. Piaggio Việt Nam cũng ra mắt xe Vespa LXV 3V i.e và Libety 3V i.e mới.
Yamaha làm mới một số mẫu xe như Luvias GTX FI, Nouvo SX, Nouvo SX Fi. Còn SYM cho ra mắt Shark 125 còn Suzuki tiếp tục làm mới dòng sản phẩm Hayate với Hayate SS và Hayate SS FI…
Ra mắt nhiều, các DN đã làm cho thị trường xe máy trở nên sôi động và người mua có thêm nhiều lựa chọn. Mặc dù vậy, có vẻ như các DN đã tính sai nước khi xe ra nhiều nhưng khách hàng lại rất thờ ơ.
Đại lý càng kinh doanh càng thua lỗ
Tại các đại lý bán xe máy ở nội thành Hà Nội hiện rất thưa vắng khách. Tình trạng chung là nhân viên đông hơn khách hàng, đi làm nhưng thời gian cafe, trà đá tán gẫu nhiều hơn bán hàng, không như trước kia quần quật từ sáng tới tối ghi hóa đơn, thu tiền, giao xe…
Điều hành một đại lý xe ga lớn trên Phố Huế – Hà Nôi than thở: “Tại các đại lý bây giờ 10 giờ sáng mà chưa thấy bóng dáng các “thượng đế” ở đâu. Xe ra nhiều mẫu mới nhưng chỉ dám nhập vài cái về trưng bày mẫu. Không dám nhập nhiều vì kho đã quá ứ hàng tồn”.
Ế ấm, nên các đại lý đều tìm cách hạ giá, khuyến mãi. Ngay cả các mẫu xe tay ga mới ra mắt cũng đều giảm giá mạnh.
Mẫu xe Honda SH Mode ra thị trường đầu tháng 6 bị đẩy lên cao hơn giá công bố từ 5-10 triệu đồng nhưng không có khách mua, ngay lập tức đã phải giảm. Cho đến nay giá bán ra của các đại lý là 50 triệu đồng, chỉ chênh 10.000 đồng so với giá đề xuất. Piaggio Vespa LXV 3V i.e mới ra mắt giá giảm ngay 4 triệu đồng. Các dòng xe tay ga khác của Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki… đều đang giảm giá từ 3 đến 6 triệu đồng.
Tìm đủ cách kéo khách nhưng các đại lý cho rằng họ chẳng bán được nhiều, xe tồn kho vẫn cao. Một số đại lý Honda tại Thanh Xuân – Hà Nội cho biết, hiện đang bị tồn kho trên 300 xe các loại.
Lý do tồn kho một phần vì xe bán chậm và một phần vì dự trữ xe để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Một hãng xe máy lớn hiện có gần 10 mẫu xe tay ga, mỗi mẫu lại có từ 3-6 màu khác nhau. Khách hàng muốn gì cũng đáp ứng được thì số xe dự trữ phải lớn. Ít nhất mỗi màu luôn phải có từ 3-5 xe sẵn sàng và như vậy thì xe tồn luôn luôn lớn.
Theo tính toán của các đại lý, thời hoàng kim 2010, bình quân mỗi tháng có thể bán ra tới 1.200 xe, sau đó giảm dần sang 2011 mỗi tháng bán khoảng 700 xe, đến 2012 giảm xuống còn 500 xe, nay giảm chỉ còn 300 xe/tháng.
Chỉ cần tính bình quân 1 chiếc xe mua vào với giá 1.000 USD, tồn kho 300 chiếc cũng mất cỡ 300.000 USD, tương đương với 6 tỷ đồng. Số tiền này phải trả lãi một tháng khoảng 60 triệu đồng, đó là chưa kể cũng phải chi khoảng 30 triệu đồng thuê kho chứa như vậy mỗi tháng mất đứt 100 triệu đồng.
Ngoài ra còn chi phí thuê mặt bằng bán hàng lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, tiền điện nước, lương nhân công, thuế… Trong khi đó giá xe bán ra thấp hơn giá đề xuất nên ăn vào lợi nhuận của các đại lý.
Một số đại lý cho biết, trong tình hình hiện nay, đại lý lớn bán trên 500 xe/tháng, cộng với làm các dịch vụ bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa tốt thì vẫn tồn tại được, còn những đại lý chỉ bán cỡ 100 xe/tháng, dịch vụ sửa chữa bảo hành không mạnh thì cầm chắc thua lỗ.
Đại lý Honda tại Thanh Xuân -Hà Nội cho biết, hiện họ bán được trên 200 xe/tháng và thua lỗ khoảng 200 triệu đồng/tháng. Đại lý Honda mà như vậy thì đại lý của các thương hiệu khác như Yamaha, Suzuki, SYM, Sachs… còn khó khăn hơn.
Trong tháng 5 vừa qua, đã có 2 đại lý xe máy Yamaha tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã phải đóng cửa hàng vì thua lỗ quá không kham nổi.
Dư thừa công suất, xe ra nhiều, giá giảm, khách hàng thờ ơ, tồn kho cao khiến nhiều cửa hàng bán xe máy đang méo mặt và lo lắng cho một tương lai.