Được khởi công từ năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014, Trung tâm thương mại Ciputra từng được kỳ vọng là đại siêu thị mang đẳng cấp quốc tế giữa lòng Hà Nội.
Tuy nhiên, sau 5 năm khởi công, động thổ, dự án có quy mô 7,3 ha nằm trên “đất vàng” quận Tây Hồ chỉ là bãi công trường ngổn ngang với cột bê tông, sắt thép hoen gỉ.
“Bất động” là thực trạng đang xảy ra tại dự án đại siêu thị Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Nằm ngay giữa khu vực trung tâm của quận, dự án với 4 mặt tiền này đang được chủ đầu tư quây tôn kín mít, tạo thành một khu vực riêng biệt - đối lập hoàn toàn với sự sôi động của phố phường.
Phía trong dự án là những cột bê tông, sắt thép xiêu vẹo, lô nhô giữa “ao tù nước đọng” do đơn vị thi công đào lên dang dở.
Ông Trần Văn Hoan, người dân sống gần dự án cho biết, sau vài năm thi công èo uột, đến năm 2012 công trình gần như dừng hẳn.
Họa hoằn lắm mới thấy người lái máy xúc, máy ủi cho xe nổ máy như để động cơ khỏi chết; còn xung quanh dự án, người dân tận dụng không gian tập kết vật liệu xây dựng, mở cửa hàng bán nước.
“Lúc đầu người dân chúng tôi rất vui vì được sống bên một trung tâm thương mại lớn nhất Thủ đô.
Tuy nhiên, chưa kịp vui thì lại búc xúc vì dự án ngưng trệ, chủ đầu tư để hoang, cỏ mọc um tùm, hàng rào dự án thì nhếch nhác ngay giữa trung tâm của quận Tây Hồ”, ông Trần Văn Hoan cho biết.
Nằm trong dự án thành phần của khu đô thị Nam Thăng Long, dự án Đại siêu thị Ciputra từng được kỳ vọng là thiên đường mua sắm của người dân Thủ đô.
Theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng này có tổng diện tích sử dụng lên đến 200.000 m2 (siêu thị lớn nhất trên địa bàn Hà Nội).
Toàn cảnh dự án đại siêu thị ngắc ngoải trên đất vàng.
Bên trong siêu thị là khu vực bán lẻ với 1.200 cửa hàng của nhiều tên tuổi, thương hiệu lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, dự án còn có một trung tâm chiếu phim đa năng với 12 rạp màn hình rộng.
Kỳ vọng là thế, nhưng với những gì đang diễn ra, rõ ràng dự án đại siêu thị nay lại là “gánh nặng” cho chính quyền cơ sở, khi khu “đất vàng” biến thành “điểm đen” về mỹ quan đô thị, môi trường sinh thái của ngay giữa trung tâm quận Tây Hồ.
Ông Công Minh Tuấn, đội phó đội Thanh tra xây dựng quận Tây Hồ cho biết, vào thời điểm thi công ồ ạt, chủ đầu tư đã huy động gần 10 cẩu tháp vận hành tối đa, tuy nhiên, hiện chỉ còn 2 cẩu trục trơ trọi giữa đóng bê tông, sắt thép mà không hề nhúc nhích, động đậy.
“Việc dự án ngừng trệ thi công đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị, vì vị trí dự án nằm ở vị trí đắc địa trên đường Lạc Long Quân và một bên là đường đại lộ Võ Chí Công là tuyến đường huyết mạch từ trung tâm thành phố đi sân bay Nội Bài.
Hệ thống thu gom nước thải chưa có nên mỗi trận mưa chủ đầu tư nhà thầu lại phải bơm cưỡng bức lên đường Lạc Long Quân làm mất an toàn giao thông, gây bức xúc dư luận”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Nguyễn Mậu Hải, cán bộ giám sát xây dựng khu đô thị Ciputra, đại diện chủ đầu tư cho biết, ngoài nguyên nhân khó khăn về tài chính, dự án đại siêu thị bị ngưng trệ là do đơn vị còn tính toán thay đổi thiết kế bên trong của tòa nhà.
Tuy nhiên, bao giờ thay đổi xong thiết kế và dự án có thể về đích thì ông Nguyễn Mậu Hải không thể trả lời được.
“Việc xây dựng theo quy hoạch là được 5 tầng, chúng tôi đã làm đến phần móng. Hiện tại chúng tôi thi công cầm chừng. Nguyên nhân chính là do thay đổi thiết kế, sau nữa là chúng tôi chưa huy động đủ vốn.
Đặc điểm của trung tâm thương mại là phải hài hòa giữa thiết kế và dòng vốn đầu tư, vì thế phụ thuộc rất lớn vào những khách hàng có nhu cầu thuê, khi có tiền đầu tư mới xây dựng được”, ông Hải lý giải.
Câu trả lời của đại diện chủ đầu tư Trung tâm thương mại Ciputra một lần nữa khẳng định, tình trạng “tay không bắt giặc” đang tồn tại ở nhiều dự án, làm méo mó, thậm chí thao túng thị trường bất động sản.
Các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cho rằng, đây là hậu quả của việc Hà Nội “thả phanh” cho xây dựng các trung tâm thương mại, nhưng lại thiếu chặt chẽ trong thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư…
Hiện không chỉ dự án đại siêu thị Ciputra, trên địa bàn thành phố còn rất nhiều dự án khác tọa lạc tại những vị trí “đất vàng” cũng cùng chung số phận: “thi công giữa chừng rồi phơi mưa phơi nắng”.