Mô hình công ty gia đình hiện đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Những tập đoàn với thương hiệu danh tiếng như Hermès, Ford, Toyota, Samsung, Huyndai, Estée Lauder,…đều là các công ty gia đình.
Tại Hàn Quốc, trong mỗi ngành nghề có một hoặc một vài tập đoàn (chaebol) thống trị thuộc một dòng họ nhất định. Lịch sử của các chaebol này lên tới hơn trăm năm.
Nếu so sánh với các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, công ty gia đình tại Việt Nam có lịch sử phát triển còn khá khiêm tốn chỉ khoảng vài chục năm gần đây.
Trong số đó Đỗ Gia có thể được xem là gia đình doanh nhân có truyền thống kinh doanh lâu đời nhất hiện nay tại Việt Nam.
Thế hệ thứ nhất: 73 tuổi thành lập, hơn 90 tuổi vẫn điều hành công ty
Cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), vốn là tổng biên tập báo Sơn Tây những năm 1955-1958 nhưng hoàn cảnh gia đình đông con cùng với niềm đam mê kinh doanh khiến cụ nghỉ chức tổng biên tập ra thành lập hợp tác xã Tiến Hưng.
Sau hơn chục năm gắn bó kinh doanh hợp tác xã, máu kinh doanh vẫn không ngừng chảy và nhìn đâu cụ Sử cũng thấy cơ hội.
Một kỷ niệm hài hước từng được cụ chia sẻ là việc “đánh” mũ phớt từ Hà Nội vào Sài Gòn khi giá của loại mũ này ở đây bán tới nửa chỉ vàng.
Đến khi sang thăm con thứ là Đỗ Anh Tú nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc cụ còn mua hẳn 5.000 cái về và thắng to.
Năm ông Tú nhận bằng tiến sĩ, cụ cũng nhanh chóng quyết định mua 39 kiện hàng kèm theo đó mua băng giấy vệ sinh để chèn hàng. Cả 2 món hàng pha lê và băng giấy vệ sinh đều đưa về khoản lời kha khá.
Người truyền niềm say mê này cho cụ chính là mẹ ruột. Theo lời cụ Sử, cụ thân sinh là người học ít nhưng nhạy bén trong kinh doanh, chăm chỉ, tham công tiếc việc.
“Bà làm giàu bằng cái đầu và tính hay lam hay làm, giúp cho bao người có công ăn việc làm. Cái giàu đĩnh đạc, đàng hoàng và chắc chắn”, cụ Sử kể lại.
Năm 73 tuổi, cụ Sử vẫn không nghỉ ngơi mà thành lập công ty may mặc Gamexco chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Ở tuổi ngoài 90, cụ Sử vẫn tiếp tục điều hành công việc của công ty.
Thế hệ thứ 2: 11 người con thành đạt
Cụ Đỗ Thế Sử có 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân nổi tiếng. Con cả của cụ Sử là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng.
Con thứ 2 của cụ là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu phó giám đốc bệnh viện 103, phó TGĐ CTCP bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec.
Con thứ 3 của cụ Sử là Đỗ Minh Phú, người gây dựng nên tập đoàn DOJI.
Những người con tiếp theo của cụ Sử có thể kể đến là Đỗ Anh Tú là em trai thứ 6 hiện là TGĐ Diana và Phó chủ tịch HĐQT của TPBank.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt.
Ông Đỗ Khôi Nguyên - Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Bà Đỗ Xuân Mai - Điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung - Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa.
Trong 11 người con, ông Phú được cụ Sử đánh giá là người thông minh nhất.
Và ông cũng là người làm rạng danh nghiệp kinh doanh của gia đình nhất với việc thành lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI chuyên kinh doanh trang sức.
Trước đó, hai anh em ông Phú và ông Tú chính là người tạo dựng thành công thương hiệu Diana trước khi bán cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) năm 2011.
Năm 1997, người Việt chưa có thói quen dùng băng vệ sinh cũng là lúc 2 anh em ông Phú thành lập công ty TNHH đầu tư và phát triển kỹ thuật Việt Ý (sau này đổi tên thành CTCP Diana) chuyên sản xuất kinh doanh băng vệ sinh.
Đến năm 2003 công ty này sản xuất thêm tã trẻ em thương hiệu Bobby. Năm 2008, Diana sản xuất thành công tã giấy dành cho người già Caryn, xây dựng nhà máy sản xuất giấy Tissue Diana.
Năm 2011 khi Diana đang thành công, anh em ông Phú quyết định bán lại 95% CTCP Diana cho tập đoàn gia dụng Nhật Bản Unicharm. Theo một số nguồn tin thì thương vụ này có giá trị từ 180-200 triệu USD.
Ông Phú cho biết: “Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm”.
Với khoản tiền khổng lồ này, tập đoàn DOJI và những người có liên quan mua lại 20% cổ phần tại Tienphong Bank, sau đổi tên thành TPBank.
Ông Phú và ông Tú hiện giữ chủ chức Chủ tịch và phó Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này.
Đầu năm 2012, DOJI cũng thông báo mua lại và nắm giữ 65% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Artex Saigon), ông Phú được bầu vào ghế chủ HĐQT.
Về tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, vốn tiền thân là Công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, thành lập năm 1994 khi ông Phú quyết định bỏ công việc lương cao với chức vụ giám đốc công ty liên doanh.
Bên cạnh hoạt động cốt lõi là sản xuất kinh doanh trang sức, DOJI còn tham gia vào bất động sản, tài chính ngân hàng và chuỗi dịch vụ cao cấp.
Doanh thu của tập đoàn này năm 2014 đạt 40.000 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần chỉ sau 7 năm.
Thế hệ thứ 3: Những người kế nghiệp
Thế hệ thứ 3 kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình ông Phú là hai con Đỗ Vũ Phương Anh (năm năm 1980) và Đỗ Minh Đức (sinh năm 1983).
Cả hai người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có bằng thạc sỹ nước ngoài về quả trị kinh doanh và marketing.
Bà Phương Anh hiện là Ủy viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Khối Hành chính – Nhân sự, Khối Marketing kiêm Tổng kiểm soát của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI.
Ngoài công tác ở Tập đoàn DOJI, bà Phương Anh còn nắm giữ vị trí Ủy viên HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Hà Nội, Phó Tổng giám đốc phụ trách chiến lược cải cách hệ thống CTCP Diana, giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại DOJI và giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Đỗ Minh Đức là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối Kinh doanh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giám đốc chi nhánh Tp.HCM CTCP vàng bạc đá quý DOJI và giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Đức còn có chứng nhận Chuyên gia đá quý tại GIA (Gemology Institute of America).