Báo Bưu điện Tài chính ngày 12/4 cho biết, IMF đã quyết định đưa đồng CAD và AUD vào báo cáo Tổng hợp dự trữ hối đoái chính thức (COFER) của IMF từ ngày 1/7/2013. Trước đây, CAD và AUD được đưa vào lĩnh vực "các đồng nội tệ khác" trong các báo cáo COFER.
Việc quyết định đưa đồng CAD và AUD vào danh sách đồng tiền dự trữ chính thức của IMF đã phản ánh phần nào sự đa dạng hóa ngày càng tăng trong hệ thống tiền tệ dự trữ của thế giới, có ước tính vào khoảng 10.500 tỷ USD. Ngoài ra, động thái này được cho là có tác động trên phạm vi rộng tới thị trường chứng khoán và trái phiếu thế giới.
Danh sách các đồng tiền dự trữ chính thức có thêm hai đồng tiền mới cũng đánh dấu giai đoạn mới trong sự phát triển của hệ thống tiền dự trữ. Theo các nhà kinh tế, lý do chính khiến IMF chọn AUD và CAD làm tài sản dự trữ chính thức của thế giới là bởi sự phổ phiến của hai đồng tiền này.
Giá trị của AUD và CAD đã tăng tương đối mạnh so với đồng USD trong những năm qua, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định cùng hệ thống ngân hàng vững mạnh của Australia và Canada trước khủng hoảng toàn cầu. Theo số liệu của IMF, lượng tiền dự trữ bằng đồng AUD và CAD ước tính vào khoảng 60 tỷ USD.
Theo cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 2/2013, có hơn 75% trong số 60 ngân hàng trung ương trên thế giới đang đầu tư hoặc mua đồng CAD và AUD. Trong thời gian gần đây, giá của đồng CAD đã giảm xuống mức thấp hơn đồng USD trong khi giá hàng hóa toàn cầu giảm sút, tuy nhiên nhờ những số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc, tỷ giá đồng CAD đã được phục hồi.
Ông David Rosenberg, nhà kinh tế và chiến lược hàng đầu của "Gluskin Sheff và Các đồng sự" - công ty quản lý đầu tư độc lập hàng đầu của Canada, nhấn mạnh rằng CAD đã trở thành một đồng tiền toàn cầu thực tế khi các Ngân hàng Trung ương tiếp tục bổ sung CAD vào danh mục tài sản dự trữ của họ. Trong suốt 150 năm qua, thế giới hầu như chỉ có hai đồng tiền dự trữ chính là đồng bảng Anh và đồng USD.
Trong khi đó, một số đồng tiền của các nền kinh tế mạnh khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng won của Hàn Quốc và đồng đôla Singapore (SGD) vẫn chưa được công nhận là đồng tiền dự trữ do chỉ có một số ngân hàng trung ương trên thế giới dự trữ tài sản bằng những đồng tiền này.
Việc không có một đồng tiền nào của châu Á (trừ đồng yen Nhật) có mặt trong danh sách của IMF cho thấy thị trường vẫn chưa coi tiền tệ châu Á là tài sản dự trữ.