Đổi đời nhờ chăn nuôi côn trùng

Những người nông dân ở làng Thanon Nang Klarn, vùng Đông Bắc Thái Lan đã thoát cảnh sống bấp bênh nhờ nghề nuôi côn trùng cho du khách

1.600 loài côn trùng ăn được

Tại ngôi nhà của anh Boontham Puthachat có một khu vực được quây lưới kín. Ở đó xôn xao tiếng dế. Chúng đang “nhai” thức ăn dành cho gà, bí ngô và các loại rau khác. Những con dế này đang được vỗ béo để chuẩn bị xuất xưởng. Chúng sắp trở thành “mồi” cho những người đang muốn trải nghiệm những món ăn lạ.

“Chúng tôi chưa trở nên giàu có, nhưng giờ đây chúng tôi có đủ điều kiện để chăm sóc gia đình tốt hơn”, anh Boontham nói đầy tự hào. Gia đình Boontham là một trong 30 nhà trong ngôi làng ở vùng nghèo nhất Thái Lan này, đang phát triển nghề nuôi dế, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa rất lớn và một thị trường quốc tế mới nổi.

Côn trùng bán ở chợ Thái Lan làm thực phẩm.

Côn trùng bán ở chợ Thái Lan làm thực phẩm.

Nhân rộng trên cả nước, các mô hình kiểu này đã tạo ra một ngành công nghiệp triệu đô với hơn 20.000 trang trại đăng ký, hầu hết là dưới dạng hộ gia đình quy mô nhỏ, theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO). Trong những năm gần đây, sản lượng trung bình của những con côn trùng ăn được lên tới 7.500 tấn trên toàn thế giới. Thái Lan là nước dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất côn trùng để làm thức ăn.

Việc xơi côn trùng có vẻ kỳ lạ với nhiều người ở phương Tây, nhưng FAO cho biết, côn trùng từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của con người ở gần 100 quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Có tới hơn 1.600 loài côn trùng được tiêu thụ.

Ở Trung Quốc, việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm và thuốc đã có từ hơn 5.000 năm trước. Gần đây, phong trào nuôi gián đang phát triển mạnh mẽ tại đất nước này. Nhiều người đã làm giàu bằng cách bán gián khô cho các công ty sản xuất mỹ phẩm và thuốc truyền thống.

Theo một báo cáo năm 2013 của FAO, côn trùng không chỉ tạo thêm thu nhập cho người nông dân, mà bản thân chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và nuôi chúng cũng ít gây hại cho môi trường. “Ăn một số loài côn trùng cũng giống như uống vitamin tổng hợp”, Patrick B. Durst, quan chức cấp cao của FAO, đồng tác giả của một nghiên cứu về ngành công nghiệp côn trùng ăn được của Thái Lan, cho biết. Ông dẫn chứng một khẩu phần ăn 150 gam dế, sẽ chứa 60% chất béo không bão hòa và chứa hàm lượng vitamin B12 gấp đôi so với cùng một lượng thịt bò. Hơn nữa, nông dân không sử dụng thuốc kháng sinh hay hormone tăng trưởng để nuôi dế và không giống như cua và tôm hùm, những con côn trùng này không ăn động vật chết.

Ngành chăn nuôi “gia súc sáu chân”, theo cách gọi của FAO, cũng ít gây hại cho môi trường hơn các loài gia súc “ít chân hơn”. Chẳng hạn, phải mất 2.900 lít nước, 25 ki lô gam thức ăn và một diện tích lớn để có thể sản xuất một cân thịt bò. Nhưng để làm ra một ki lô gam dế, chỉ mất một lít nước, 1 ki lô gam thức ăn và một cái hộp nhỏ.

Món ăn lạ

Nếu không tính đến vấn đề tâm lý và văn hóa mang tính định kiến, thì nhiều loài côn trùng thậm chí có hương vị rất thơm ngon. Phóng viên AP viết bài này đã thử và thấy ăn con dế có vị hấp dẫn giống như sự kết hợp giữa tôm và hạnh nhân. Món sâu tre rang ăn còn ngon hơn khoai tây chiên không muối. Món mọt cọ, giống như súp thịt xông khói, có vị dai và ngọt. Ấu trùng côn trùng ăn béo và ngậy.

Các chuyên gia cho biết, các nước phương Tây đang ngày càng quan tâm đến loại thực phẩm từ côn trùng. Chẳng hạn, nhiều loại kẹo thanh dinh dưỡng đã được sản xuất ở Mỹ. Trại nuôi dế đầu tiên cũng đã được mở ở Youngstown, bang Ohio, trong năm nay. Tại San Francisco, có quán Don Bugito Prehispanic Snackeria phục vụ ăn tối với côn trùng, trong đó có món kem sâu. Một số quán bar phục vụ các món côn trùng cũng đã xuất hiện ở Paris, London.

“Khi tôi lớn lên tại Hoa Kỳ, hầu hết mọi người chỉ biết đến sushi. Thói quen ăn uống của con người có thể thay đổi, ai mà biết được? Trong 10-15 năm tới, ăn côn trùng có thể sẽ phổ biến và được coi là tốt”, ông Durst một thực khách thích ăn dế ở Mỹ, nói. Ông gợi ý rằng, để tạo tiếng vang, có thể mời một đầu bếp nổi tiếng nấu các món côn trùng và mời một người nổi tiếng như Tom Hanks ăn, sau đó mọi người sẽ nói, Tom Hanks ăn được thì chúng tôi cũng ăn được.

Tại Thái Lan, côn trùng là món ăn khoái khẩu của nhiều người - không chỉ những người nghèo nông thôn. Có tới hơn 200 loài khác nhau được cung cấp. Nước này phải nhập khẩu số lượng lớn côn trùng từ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar. Trong nước, thực phẩm này được bán với giá cao hơn so với thịt gà, thịt bò hay thịt lợn.

Đây là tin tốt lành cho những người nông dân như Boontham. Cách đây bốn năm, anh khởi động công việc kinh doanh của mình với số vốn đầu tư khiêm tốn, chi phí tương đối thấp, để mua thức ăn cho dế và chủ yếu lấy công làm lãi. Hiện nay, anh đã có thu nhập hàng năm khoảng 3.000 USD.

Hàng xóm của Boontham, cô Chalong Prajitr, cho biết cô đã có tiền để cho con đi học đại học, nhờ khoản thu nhập 5.000 USD mỗi năm từ dế - một khoản tiền không nhỏ đối với người dân vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi thu nhập bình quân đầu người hàng năm ước tính khoảng 2.200 USD. “Trước đây chúng tôi phụ thuộc vào trồng lúa, nhưng lúa chỉ cho thu hoạch mỗi lần một năm. Còn dế có thể thu hoạch hai tháng một lần,” Boontham nói. "Chưa kể, nếu trồng lúa, hạn hán có thể cướp đi tất cả. Nhưng nuôi dế ít rủi ro hơn".

Để đẩy mạnh công việc kinh doanh, những người nông dân ở Thái Lan đã thành lập một hợp tác xã để chia sẻ thông tin và tiếp thị. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương và Đại học Khon Kaen, một trung tâm nghiên cứu về côn trùng ăn được.

Doanh nhân người Anh Graeme Lee Rose và cô vợ người Thái của ông đã xuất khẩu dế sang châu Âu, Mỹ và Úc. Công việc kinh doanh của họ đang phát triển trong những năm gần đây. “Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm và nhìn thấy rất nhiều tiềm năng”, Graeme nói. “Nhưng dù sao, côn trùng cũng không thể thay thế thịt nướng”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại