Sau một thời gian rộ lên việc thương lái thu gom lá điều, rễ cây tiêu, cây kim cương..., hiện ở Tây Nguyên, nhiều người lại đổ xô tìm mua cây si cảnh loại có nhựa màu đỏ để xuất sang Trung Quốc.
Bỏ cả việc vì cây si
Anh Nguyễn Dương Công - bảo vệ một quán cà phê ở TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - một lần vô tình nghe được câu chuyện của 2 vị khách về việc thu mua cây si đỏ nên lân la hỏi chuyện. Một vị khách giới thiệu tên Khánh (ở Hà Nội), đang đi thu mua cây si đỏ với giá 10 triệu đồng/kg. Thấy khả quan, anh Công bỏ việc chuyển sang đi lùng loài cây này. “Chỉ tính riêng ở Đắk Lắk, tôi biết có hơn 10 nhóm chuyên săn lùng cây si đỏ để bán cho các đầu nậu” - anh Công khẳng định.
Sau 2 tháng bỏ việc đi săn lùng cây si đỏ, anh Công tìm được 1 cây nặng khoảng 20 kg ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Anh Công chụp ảnh lá, thân, lấy nhựa cây gửi cho người đàn ông tên Khánh và được anh ta hứa sẽ vào mua.
“Theo chủ cây, mấy ngày trước đã có một người tới trả giá 20 triệu đồng. Sợ bị mua trước, tôi hứa lấy cây si này với giá 30 triệu đồng và vay mượn đặt cọc 10 triệu đồng. Không hiểu sao mấy ngày gần đây, tôi gọi điện thì ông Khánh tỏ ra khó chịu, lúc thì nói đang họp, lúc thì bảo cứ chờ vì hàng tồn còn nhiều” - anh Công lo lắng.
Anh Trần Văn Nhã - ngụ tại xã An Trung, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai - cho biết cách đây khoảng 10 ngày, một thương lái cũng nhờ anh mua cây si đỏ về làm dược liệu với giá rất cao. Sực nhớ ở con suối thuộc thôn 5, xã An Trung có một cây si giống như thương lái mô tả, anh Nhà bèn rủ 3 người bạn ra kiểm tra.
Chỉ có vậy mà tin này lan truyền khắp nơi, thu hút hàng trăm người kéo đến săn lùng. “Cách đây 4 ngày, một nhóm người lạ mặt tới canh giữ cây si nhưng có lẽ không phải là loài si đỏ nên họ đã bỏ đi” - anh Nhã cho hay.
Giá cao ngất ngưởng
Trong vai một người cần bán cây si đỏ, chúng tôi đã tìm gặp một người đàn ông tên Bình ở TP Buôn Ma Thuột. Vừa gặp, ông Bình đưa ra một túi chất màu đỏ và hỏi: “Nhựa cây đó có giống thế này không?”.
Theo ông Bình, si đỏ có 2 loại và cả 2 đều có nhựa đỏ như máu nhưng lá và thân cây thì khác nhau. Ngay cả ông Bình, một người chuyên săn các loại cây quý hiếm, cũng không phân biệt được mà chỉ có ông chủ ở Hà Nội mới biết. Riêng chất màu đỏ trong chiếc túi, ông Bình cho biết là “máu” của một cây si đỏ mà ông thuê một nhóm người tìm kiếm được trong rừng, giá khoảng 4 tỷ đồng.
“Khi ông chủ ngoài Hà Nội vào xem, tôi mới biết đây là cây si loại ít quý hiếm hơn. Ông ấy không mua nên tôi đang tìm đầu nậu khác. Dù cây lớn hay nhỏ, anh phải có giấy xác nhận của UBND xã đồng ý bán cây si cho hội cây cảnh thì chúng tôi mới mua” - ông Bình căn dặn.
Không chỉ thương lái trực tiếp đi săn lùng, hiện rất nhiều trang web cũng đăng tải thông tin thu mua cây si đỏ. Cụ thể, trang duocmi...com.vn của một công ty TNHH Nông dược ở Lào Cai đăng tải thông tin cần mua cây si nhựa đỏ và hướng dẫn rất chi tiết các bước để xác minh loại cây, cách thức mua bán... Từ số điện thoại trên trang web, chúng tôi đã liên hệ với một người tự giới thiệu là bác sĩ Minh và được thông báo sẽ mua với giá 10 triệu đồng/kg.
Tương tự, phần rao vặt của trang web agri...com cũng đăng tải thông tin cần mua một số cây si ngọn đỏ, có nhựa màu đỏ với giá từ 13 triệu đồng/kg trở lên...
Chữa được ung thư?
Theo ông Bình, sau khi mua si đỏ, ông chủ ở Hà Nội sẽ tự thuê người đào rồi dùng dây cao su quấn toàn bộ cây để chuyển sang Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Ông Bình cho rằng nhựa cây này dùng để chiết xuất thuốc chữa bệnh ung thư. Riêng ung thư máu thì chỉ cần lấy “máu cây” tiêm vào cơ thể, nó sẽ dần thay thế máu người và hết bệnh!
Ông Đoàn Anh Tài, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk, cho biết nhựa cây si chỉ có thể chữa ứ huyết do bị chấn thương và cắt cơn hen chứ không có công dụng chữa bệnh ung thư. Theo ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, trước thông tin đồn thổi cây si đỏ có thể chữa bệnh ung thư, một số gia đình có người mắc bệnh nan y này đã tìm mua về sắc uống. “Điều đó rất nguy hiểm, coi chừng tiền mất tật mang” - ông Long lo ngại.
Thứ gì cũng mua!
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên liên tục rộ lên việc thương lái Trung Quốc thu mua lá điều, rễ cây tiêu, lá chanh dây, cây kim cương... Đầu năm 2013, hàng trăm người dân ở các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông (tỉnh Kon Tum) và K’Bang (tỉnh Gia Lai) đã đổ xô lên rừng tìm cây kim cương về bán cho các thương lái với giá hơn 1 triệu đồng/kg. Do cây này là loài thực vật quý hiếm nên chính quyền địa phương, Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn người dân khai thác.
Tuy nhiên, do thương lái tới tận nhà thu mua với giá cao, nhiều người vẫn đổ xô lên rừng tìm cây kim cương về bán nên hiện loài cây này dường như đã biến mất.
Đầu năm 2014, tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai xuất hiện một số thương lái thu mua gốc, rễ hồ tiêu tươi để bán lại cho thương lái Trung Quốc với giá khoảng 45.000đồng/kg. Thấy vậy, nhiều người dân đã đào tiêu đang thu hoạch lấy gốc, rễ bán kiếm tiền khiến nhiều diện tích tiêu ở đây bị chặt phá. Chính quyền địa phương phải tới từng hộ gia đình vận động, giải thích, tình hình mới lắng xuống.