Doanh nhân Việt khẳng định vị thế trên "bản đồ đại gia"

Pha Lê |

Nhiều đại gia Việt đã không ngần ngại rút hầu bao mua lại một số lượng lớn cổ phiếu của công ty mà họ đang điều hành.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt có sự biến động, thăng trầm. Điều này tác động rất lớn đến các mã cổ phiếu, kể cả những mã thuộc top đầu.

Để cứu giá cổ phiếu đang trên đà tuột dốc, nhiều đại gia Việt đã không ngần ngại rút hầu bao mua lại một số lượng lớn cổ phiếu của công ty mà họ đang điều hành.

Gom hàng triệu cổ phiếu

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) là người “nổ phát súng đầu tiên” cho trào lưu gom cổ phiếu này.

Theo đó, bầu Đức đã đăng ký mua thành công 5 triệu cổ phiếu HAG trong thời gian từ 18/5 – 1/6/2015.

Trước khi thực hiện giao dịch, ông Đức nắm giữ 342.765.533 cổ phiếu HAG. Khi giao dịch thành công, số cổ phiếu này tăng lên mức 347.765.533 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 44,03% vốn điều lệ công ty.

Trong giai đoạn này, cổ phiếu HAG ở mức trung bình khoảng 17.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, để hoàn thành giao dịch, ông Đức phải chi một khoản tiền gần 90 tỷ đồng.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức)

Người nối tiếp trào lưu này là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.

Ông Quyết đã đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu FLC. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/6 đến 1/7/2015.

Hiện tại, giá cổ phiếu FLC giao dịch quanh mốc hơn 9.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ phải chi khoảng 220 tỷ đồng cho thương vụ này và nâng tỷ lệ sở hữu của ông tại công ty lên mức 15,12% vốn điều lệ, tương ứng với 56.673.040 cổ phiếu FLC.

Một nhân vật mới “ghi tên” trong danh sách gom cổ phiếu chính là ông Trần Đình Long (bầu Long) là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG).

Ông Long vừa đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu HPG nhằm mục đích tăng tỷ lệ sở hữu của ông tại Hòa Phát.

Nếu mua thành công, ông Long sẽ nâng số lượng cổ phiếu HPG nắm giữ từ hơn 174,3 triệu cổ phiếu lên hơn 184,3 triệu cổ phiếu.

Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 đến 14/7/2015.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Hòa Phát đã mất gần 30% giá trị, từ hơn 36.000 đồng/cổ phiếu đã giảm xuống còn 27.000 đồng/cổ phiếu.

Ở mức giá này, để mua thành công 10 triệu cổ phiếu, ông Long sẽ phải chi ra khoảng 270 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long

Vị thế trong “bản đồ đại gia”

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2014, bầu Đức đang đứng ở vị trí thứ 2, sau ông Phạm Nhật Vượng.

Tính hết ngày 31/12/2014, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bầu Đức là 7.575,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc mua thêm cổ phiếu cũng không làm cho tài sản trên sàn của ông tăng lên mà ngược lại, vẫn bị giảm.

Nguyên nhân là do cổ phiếu HAG thời gian qua giảm khá mạnh. 6.259,8 tỷ đồng là con số tài sản tính đến hết ngày 1/6/2015 mà ông Đức đang có.

Đứng ngay sau ông Đức là bầu Long. Tính đến hết năm 2014, ông Long có 6.159 tỷ đồng tiền cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Việc gom 10 triệu cổ phiếu của ông Long nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu của ông từ 23,78% lên mức tương đương với 25,15% tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành.

Nếu tính theo giá chốt phiên giao dịch ngày 10/6, HPG ở mức 28.300 đồng/cổ phiếu thì hơn 184 triệu cổ phiếu của ông Long có giá trị khoảng 5.210 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với con số được công bố cuối năm 2014.

Ông Trịnh Văn Quyết

Nếu như 2 vị trí của ông Đức và ông Long không bị “lung lay” thì đối với ông Quyết FLC, gom cổ phiếu đồng nghĩa với việc ông sẽ “thăng hạng” trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.

Năm 2014, ông Quyết đang đứng ở vị trí thứ 46 với tài sản tương đương gần 400 tỷ đồng.

Nếu giao dịch của ông thành công, khối tài sản của ông trên sàn chứng khoán tăng khá mạnh. Và rất có thể, ông sẽ lọt vào top 30.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại