Cùng với đó, làn sóng các dự án nhà ở thương mại chuyển sang nhà xã hội cũng liên tục tăng. Theo thống kê, cả nước có khoảng 50 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 31.000 căn hộ, chủ yếu là Hà Nội và TP. HCM.
Tính chung cả nước đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai với quy mô 86.500 căn hộ. Trong đó có hàng loạt dự án có quy mô hàng ngàn căn loại hình này, như dự án nhà ở an sinh xã hội ở Bình Dương 64.000 căn, dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai với quy mô 20.000 căn…
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được tung ra thị trường với lãi suất chỉ 6%/năm, giúp người có thu nhập thấp mua nhà, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đang khiến làn sóng chuyển đổi sang dạng nhà ở này trở nên ồ ạt.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, ngoài việc chủ đầu tư nhà ở thương mại chuyển đổi sang mô hình nhà ở xã hội để dễ bán trong thời điểm hiện nay, việc đầu tư mô hình này doanh nghiệp sẽ được hàng loạt ưu đãi trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Như miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10%, thay vì 25% như hiện nay, thuế giá trị gia tăng cũng giảm từ 10% xuống 5%, được vay vốn lãi suất 6%/năm trong 5 năm,…do đó doanh nghiệp nào cũng hăng hái.
Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng nhà ở xã hội đang khiến mối lo phân khúc này lặp lại bài học của nhà cao cấp hiện nay là khủng hoảng nguồn cung. Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, nếu không có quy hoạch và kế hoạch cụ thể, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, nhà ở xã hội đến một lúc nào đó cũng lại rơi vào tình trạng dư thừa.
Ông Châu cho biết nguồn cung nhà ở xã hội đang có nguy cơ tăng lên rất nhanh. Một phần vì hàng tồn kho còn nhiều, trong khi dự án mới liên tục khởi công. Nhất là khi chính phủ tung gói hỗ trợ 30.000 tỷ ra thị trường, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội với mục tiêu tiếp cận với lãi suất thấp.
“Theo tôi, để trạnh việc lặp lại tình trạng thừa cung như đã xảy ra với nhà ở phân khúc cao cấp, trước mắt phải lo giải quyết nhà tồn, hạn chế khởi công mới các dự án, vì Bộ Xây dựng đã cho phép chuyển căn hộ thương mại, căn hộ lớn sang nhà ở xã hội rồi. Có sẵn nguồn này chúng ta làm, vừa nhanh hơn khởi công dự án mới, vừa để đẩy bớt hàng”, ông Châu nói.
Đây cũng là quan điểm của Giáo sư Đặng Hùng Võ. Ông Võ cho rằng, sự phát triển của hàng loạt các dự án nhà ở xã hội sẽ dẫn đến sự tăng mạnh về nguồn cung. Nếu không tính toán kỹ sẽ dẫn đến sự phát triển ồ ạt và dư thừa so với nguồn cầu.
Thực tế, không phải dự án nhà ở xã hội nào cũng được người có thu nhập thấp chào đón. Điển hình là thời gian qua đã có một số dự án tại Hà Nội, TP. HCM “ế”. Nguyên nhân là ở xa trung tâm, không thuận tiện đi lại, làm việc của người dân, chưa kể phần thủ tục rườm rà mà không phải người nào cũng có thể mua được.
Một cán bộ làm công tác quy hoạch tại quận Thủ Đức thì lo ngại, việc hoạch định xây dựng nhà ở xã hội hiện nay gần như chưa có, các giải pháp hiện tại chỉ là tình thế, chưa có chiến lược cụ thể và định hướng dài hạn. Điều này có thể phải trả đắt khi nhà diện tích nhỏ tăng, hạ tầng thiếu đồng bộ, mất mỹ quan thành phố.
Riêng với nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội , giám đốc một doanh nghiệp tại TP HCM lo ngại sẽ khó tránh khỏi việc chủ đầu tư giảm chất lượng để có giá bán thấp. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Thành, nhận định có thể chất lượng căn hộ sẽ thay đổi phần nội thất, như loại gạch, cửa cao cấp chuyển sang loại thường, thang máy, sơn nước giá rẻ hơn… để phù hợp giá thành mới.