Độc quyền dẫn đến “bóp méo” thị trường điện
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc khánh thành và đưa công trình nhà máy thủy điện Sơn La vào hòa lưới điện quốc gia là thành tựu đáng ghi nhận, là điều đáng mừng. Đây là bước đột phá của ngành điện và có thể làm giảm tình trạng thiếu điện để cung cấp cho thị trường trong nước trong những năm tới.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan, việc đưa nhà máy thủy điện Sơn La vào hoạt động cũng chỉ giải quyết được một phần nào đó những hạn chế lâu nay của ngành điện Việt Nam, vẫn chưa giải quyết được triệt để những nghịch lí vốn đang tồn tại lâu nay như về việc tăng giá liên tiếp, độc quyền kinh doanh nhưng vẫn kêu thua lỗ,…
Bà Phạm Chi Lan phân tích: “Hạn chế lớn nhất hiện nay của ngành điện nước ta mà ai cũng dễ nhận ra đó là sự độc quyền thị trường điện trong nước và thiếu minh bạch trong giá bán điện. Chính sự độc quyền và thiếu minh bạch này sẽ “bóp méo” thị trường điện. Kiểu như tôi là người cung cấp độc quyền thì tôi được tự ý quyết định giá bán, anh phải mua vì anh không có quyền lựa chọn.
Mà khi doanh nghiệp đã được tự ý quyết định giá bán thì dĩ nhiên bao giờ họ cũng sẽ tính toán làm sao đem lại lợi ích cho mình trước tiên, nên việc luôn luôn tăng giá bán điện hiện nay của EVN cũng là điều dễ hiểu”.
Theo bà Phạm Chi Lan, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường và theo đó, các nhà máy điện trong nước bắt đầu chào giá cạnh tranh trên thị trường kể từ ngày 1/7/2011.
Thực hiện lộ trình giá bán điện cạnh tranh, đưa việc kinh doanh ngành điện nước ta vận theo cơ chế thị trường là cần thiết và cũng là tất yếu của quy luật thị trường. Phải nhìn nhận một cách khách quan là chúng ta bắt buộc phải làm, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi.
Chậm trễ trong minh bạch hóa giá bán
Cũng theo bà Phạm Chi Lan, việc thực hiện giá bán điện cạnh tranh đi theo lộ trình là nên làm, bởi nó vừa đảm bảo được tính ổn định, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, tránh được những cú “sốc”, lại vừa có thể phát hiện và khắc phục được những vấn đề bất cập có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện, không làm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác.
“Nhưng hiện nay việc triển khai lộ trình này đang rất chậm. Trên thực tế, ngành điện vẫn đang giữ thế độc quyền và tự do điều chỉnh giá bán điện ở thị trường trong nước”, bà Lan khẳng định.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng: Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của ngành điện nước ta là vẫn chưa minh bạch hóa được giá bán điện. Giá bán điện ban hành qua các kỳ điều chỉnh chưa thuyết phục, không minh bạch, thiếu tính khoa học, không nhận được sự đồng thuận từ các nhà khoa học, quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, giá điện ở Việt Nam đã điều chỉnh rất nhiều lần và đều thể hiện sự bất hợp lý, không đúng thời điểm. Ngoài ra, những lần điều chỉnh về giá này chỉ có tăng nhưng không có giảm, mặc dù các yếu tố đầu vào thay đổi có tăng, có giảm.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển chậm thị trường điện cạnh tranh. Đến nay, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn là tổ chức duy nhất độc quyền kinh doanh điện toàn quốc.
“Ngành xăng dầu hiện nay đang trong lộ trình minh bạch hóa giá bán theo cơ chế thị trường. Nhà nước, Chính phủ cũng đã từng hứa sẽ tiến đến lộ trình minh bạch hóa giá bán điện. Nhưng đến nay, việc minh bạch hóa giá bán điện vẫn chưa thực hiện được thì nhà nước vẫn đang nợ dân lời hứa”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.