GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc giá điện liên tục tăng trong thời gian qua là do thị trường điện trong nước thiếu tính cạnh tranh và giữ thế độc quyền. Vì độc quyền nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) “thoải mái” và “tự ý” điều chỉnh giá bán điện trên thị trường.
“Từ trước đến nay, EVN luôn luôn giữ thế độc quyền thị trường điện trong nước, thị trường điện thiếu tính cạnh tranh lành mạnh. Độc quyền tất yếu dẫn đến sự “tùy tiện” trong việc nâng giá bán điện.
Về hình thức, giá bán điện do Chính phủ và Bộ Công thương xem xét và duyệt, nhưng chủ yếu vẫn xuất phát từ phía ngành điện”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Chúng ta đang trong lộ trình thị trường hóa giá bán điện, nghĩa là thị trường điện sẽ có tính cạnh tranh. Đây là việc làm cần thiết bởi nó sẽ xóa bỏ thế độc quyền hiện nay của EVN, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về giá, về chất lượng phục vụ, và dĩ nhiên sẽ đưa đến cho khách hàng những sự lựa chọn sao cho phù hợp.
Tăng giá điện phải xét đến yếu tố thu nhập của người dân, nghĩa là thu nhập của người dân có tương xứng hay không. Giá điện tăng cao mà thu nhập người dân vẫn không tăng, thậm chí còn giảm xuống thì dân chịu sao nổi. Là ngành kinh tế chủ lực, lại đang độc quyền về thị trường mà luôn kêu lỗ thì cần phải xem xét lại năng lực kinh doanh của ngành điện”.
“Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến giám sát và minh bạch hóa tài chính trong kinh doanh của Tập đoàn Điện lực nói riêng và các tập đoàn kinh tế nhà nước khác nói chung, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được.
Tập đoàn Điện lực làm ăn ra sao, thu chi thế nào, thậm chí lỗ lãi bao nhiêu người dân, thậm chí cả các cơ quan chức năng cũng không được biết chi tiết. Số liệu thua lỗ mà EVN đưa ra cũng là con số của họ, có ai giám sát, thống kê được đâu mà biết chính xác là bao nhiêu”, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Duy nhất một lần, cách đây đây mấy năm, vị Tổng giám đốc EVN có trả lời báo chí và có vẻ “hơi hớ” khi nói rằng cảm thấy buồn vì mức thu nhập bình quân của nhân viên ngành điện chỉ có 7 triệu đồng/tháng.
Đây cũng là lần đầu tiên dư luận được biết thu nhập của nhân viên Tập đoàn Điện lực do chính đại diện tập đoàn này phát ngôn. So với mặt bằng chung về thu nhập bình quân đầu người, mức 7 triệu đồng/tháng không hề thấp, nếu không muốn nói là cao.
Tuy nhiên, theo tôi cần phải xem xét rõ hơn sự thực đằng sau mức thu nhập có vẻ “khủng” ấy là gì, có ổn định và đồng đều không. Mức 7 triệu đồng/tháng có phải là mức thu nhập chung cho tất cả, hay ngay trong ngành điện lực vẫn có sự chênh lệch quá lớn về thu nhập, cụ thể mức thu nhập “khủng” chỉ có ở cấp trên, còn nhân viên ở dưới thì vẫn thu nhập ba cọc ba đồng”.
“Tôi biết có nhân viên ngành điện lực trực tiếp làm những công việc như kéo dây, dựng cột điện,… thu nhập mỗi tháng chỉ có 3 – 4 triệu đồng. Đó là mức thu nhập khá thấp trong khi công việc nói trên khá nặng nhọc và nguy hiểm”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm.