Hệ thống "chặt chém" hoàn hảo
Có mặt quanh khu vực đầm sen Hồ Tây lúc 7h, chúng tôi đã thấy tấp nập người ra vào. Đa phần những người đến đây là các bạn trẻ, xúng xính áo quần để chụp ảnh, ngắm hoa. Thế nhưng hầu như tất cả những người đến đây đều không ngờ rằng, quanh khu vực bãi sen này là cả một cỗ máy “chặt chém” hoàn hảo. Những người đến đây chụp ảnh, ngắm hoa sẽ được đưa vào một quy trình bị móc hầu bao rất điệu nghệ.
Bước khởi đầu của quy trình này là việc gửi xe. Theo quan sát của PV, giá gửi xe máy dao động từ 20.000 đồng cho đến 30.000 đồng/xe. Giá gửi xe ô tô cao gấp đôi từ 40.000 đồng cho tới 60.000 đồng/xe.ư
Tuy nhiên những bãi gửi xe này thực chất là vỉa hè, lòng đường được các hộ kinh doanh chiếm dụng làm nơi trông giữ. Sau đó, nếu muốn chụp ảnh du khách phải mua vé. Giá vé vào lần lượt là 20.000 đồng/người. Nếu là chụp ảnh cưới thì sẽ tốn kém hơn vì phải chụp nhiều nơi và tốn nhiều diện tích sử dụng hơn. Giá chụp ảnh cưới thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba tùy vào sự "dễ tính" của chủ kinh doanh.
Những đầm sen này được trang bị rất sơ sài, người ta dựng những chiếc cầu (như cầu ao ở nông thôn) bằng bương, tre... vươn dài ra giữa hồ tạo thành những lối đi để mọi người có thể chụp ảnh. Ở đầu mỗi đầm đều có những lán bằng tre cho du khách ngồi nghỉ và uống nước, thưởng trà sen.
Bên cạnh đó chủ kinh doanh còn trang bị thêm những vật dụng khác như thuyền, lu nước... phục vụ cho nhu cầu của du khách chụp ảnh. Giá mỗi lần từ 10.000 - 20.000 đồng. Nhiều người do không biết đã hái lá sen hoặc bông sen lên để chụp ảnh đều bị phạt bằng tiền. Mức phạt dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/lá sen.
Bên cạnh việc cho thuê không gian chụp ảnh thì những chủ kinh doanh nơi đây còn kiếm lợi từ việc bán hoa sen. Sen Hồ Tây từ lâu đã nổi tiếng khắp Hà thành vì vẻ đẹp và mùi thơm tao nhã nên các chủ kinh doanh cũng không bỏ lỡ cơ hội để nâng giá.
Bạn Nguyễn Kiều Minh Trang (sinh viên năm cuối trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) cho biết: "Thông thường những chủ kinh doanh thường bán buôn hoa sen vào sáng sớm. Một bó hoa sen 10 bông được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng. Tuy nhiên với những ai có nhu cầu mua hoa chụp ảnh, họ sẵn sàng hét giá lên tới 50.000 - 60.000 đồng”.
Bên cạnh những bạn trẻ đến đây ngắm cảnh, chụp ảnh, nhiều người tìm đến để thưởng thức món trà sen đặc biệt. Ở đây người ta ướp trà theo phương pháp cổ truyền rất tao nhã. Vào các buổi chiều tối, khi sen bắt đầu khép lại, người ta chèo thuyền ra giữa hồ và bỏ một nhúm trà vào ướp trực tiếp trong búp sen đó.
Sau một đêm, trà đã ngấm hương sen nên tạo ra mùi hương vị rất đặc biệt. Mỗi một búp sen ướp trà như vậy được chủ kinh doanh bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/bông. Giá nước uống được bán trong chòi cũng rất cao, thường cao gấp ba bốn lần so với giá thực tế.
Những trò "đánh lận con đen"
Bên cạnh những chiêu làm giá, các hoạt động ăn theo ở xung quanh khu vực đầm sen Hồ Tây cũng hoạt động rất hiệu quả. Phương pháp chủ yếu được những người buôn sử dụng là tráo hàng. Giá một bó sen 10 bông được bán tại Hồ Tây có giá khoảng 50.000 đồng. Thế nhưng những quầy sen bên đường dọc đê Yên Phụ hay khu vực chợ Bưởi chỉ bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/bó.
Theo tìm hiểu của PV, đó không phải là sen mà là quỳ. Quỳ nhìn bề ngoài giống hệt sen, người ta gọi là sen quỳ (cùng loài với sen) nhưng không đẹp và thơm bằng sen. Anh Tr. chủ một đầm sen ven Hồ Tây cho biết: "Nhìn bằng mắt thường những người không có kinh nghiệm rất hay bị nhầm lẫn giữa sen và quỳ. Người ta trồng quỳ chủ yếu để lấy hạt, nụ quỳ nếu hái non sẽ rất nhanh tàn và không có mùi thơm. Nhưng vì nhu cầu tăng trong khi nguồn cung hạn chế nên các chủ hàng thường đánh tráo giữa sen và quỳ để bán cho người dân".
Cũng theo anh Tr. giá mỗi một bó quỳ 10 bông có giá chỉ khoảng 20.000 đồng. Thế nhưng chủ hàng thường gán cho loại hoa đó là sen Hồ Tây và bán cho dân với giá 40.000 đồng/bó. Không kể nếu gặp những người "gà mờ" còn bị hét giá lên tới 50.000 đồng/bó, tức là bằng với giá bán sen tại đầm nhà anh Tr..
Cũng theo tiết lộ của anh Tr. hiện nay sen không đủ cung cấp cho thị trường nên phần lớn mặt hàng được bán đều là hoa quỳ. Những người bán hàng sẽ trộn với tỷ lệ nhất định giữa sen và quỳ để người mua dễ mắc lừa hơn và tiền lãi thu về rất lớn.
Anh Lê Quốc Hiếu (phố chợ Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Nhân một lần đi chơi với bạn qua Hồ Tây, tôi thấy người ta bán sen đẹp nên ghé vào mua. Người bán hàng nói rằng đây là sen vừa mới hái từ đầm nên rất đẹp và thơm.
Vì vậy, tôi đã bỏ 60.000 đồng để mua một bó 10 bông. Nhưng khi về nhà, tôi cắm bó sen đó chưa được một hôm đã thấy cánh hoa héo rũ và tàn. Tôi hỏi người thân có kinh nghiệm mới biết đây là hoa quỳ chứ không phải sen. Tôi không ngờ ngay cạnh đầm sen mà người ta còn bán sen nhái".
Bên cạnh việc đánh tráo sen với quỳ, những hộ trông xe còn lập lờ giá để ép khách. Anh Lê Anh Đức, một khách tham quan đầm sen bức xúc: "Khi tôi hỏi giá gửi xe bao nhiêu, một nhân viên trông xe nói là 10.000 đồng/xe máy. Tôi tưởng thật nên cầm luôn vé đi vào mà không đọc. Lúc sau tôi ra lấy xe, người trông giữ đòi 30.000 đồng/xe máy. Tôi thắc mắc về sự chênh lệch giá lớn quá thì anh ta trả lời gọn lỏn: "Giá đã được ghi sẵn trong vé xe rồi". Tôi nhìn lại thì đúng là giá 30.000 đồng/xe máy".
Cần phân biệt giữa hoa sen và hoa quỳ
Theo anh Tr., để phân biệt giữa hoa sen và hoa quỳ không khó. Hình dáng bông sen bao giờ cũng tròn và múp, cánh sen mang màu hồng tươi trong khi cánh hoa quỳ có màu đỏ thẫm và vát dài.
Cánh sen rất dày nên có thể cảm nhận được, trong khi hoa quỳ ít cánh nên sờ vào sẽ thấy nụ hoa sẽ bị ọp nếu bóp nhẹ. Ngoài ra hoa sen có vị thơm rất đặc trưng còn hoa quỳ hầu như là không có mùi thơm, phải ngửi thật kỹ mới thấy vị thoang thoảng.