Để kiểm soát thị trường hàng Tết, Chi cục QLTT đã tăng cường triển khai lực lượng “đột kích” vào những nơi chuyên kinh doanh hàng thời trang như: Trung tâm thương mại An Đông Plaza, chợ Tân Bình, chợ Bình Tây, chợ đêm Phan Chu Trinh - quận 1, các cửa hàng trên đường phố...
Từ đầu tháng 11-2015 đến nay, các đội QLTT đã kiểm tra phát hiện 91 vụ vi phạm, tạm giữ 6.700 sản phẩm hàng thời trang các loại gồm đồng hồ đeo tay, túi xách, giày dép, quần áo, mắt kính, điện thoại, nước hoa... giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài như Gucci, Lacoste, LV, Nike, Tommy, Adidas, Puma, Hard Rock, North Face...
Trong số đó, phần lớn là hàng giả được các đối tượng đặt làm từ Trung Quốc, sau đó nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.
Riêng mặt hàng quần áo, túi xách, giày dép, ngoài nhập lậu từ Trung Quốc, các tiểu thương còn đặt gia công hoặc lấy mối lại từ các cơ sở sản xuất hàng giả trong nước.
Mới đây nhất, ngày 30-12-2015, Đội QLTT 12B kiểm tra cơ sở sản xuất gia công hàng may mặc của bà Trần Thị Ngọc Hà (tại khu phố 4, phường Đông Hưng Thuận, quận 12), phát hiện cơ sở đang gia công sản phẩm may mặc mang nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Thời điểm kiểm tra, xưởng có hơn 30 nhân công đang may và kết nhãn mác lên áo các hiệu như: Tommy, Polo, Calvin Klein, Versace, Nike…
Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn, chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên.
Lực lượng kiểm tra tạm giữ hơn 50.000 sản phẩm may mặc giả các thương hiệu cùng số lượng lớn nguyên phụ liệu để sản xuất hàng giả.
Về mặt hàng túi xách, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 cũng phát hiện một cơ sở sản xuất túi xách giả nhãn hiệu Kipling tại khu phố 6, phường Tân Thuận, quận 12) do Nguyễn Thái Hà làm chủ.
Để sản xuất sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng này, Hà mua nguyên liệu tại chợ Nhật Tảo mang về cơ sở để may gia công.
Lực lượng kiểm tra đã thu giữ 913 túi xách giả thành phẩm, 265 túi xách bán thành phẩm và nhiều nguyên phụ liệu.
Sản phẩm Kipling giả sau khi xuất xưởng, được tiêu thụ chủ yếu tại chợ An Đông và Trung tâm thương mại SaiGonSquare...
Bà Đỗ Thị Minh Thủy - Trưởng phòng Thanh tra 1, Thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ cho rằng:
“Khi nhu cầu tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, còn cao thì các cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng giả vẫn còn tồn tại để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đa số người tiêu dùng vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng họ không biết là mình đã vi phạm.
Chính vì điều này góp phần tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái phát triển”.
Chẳng hạn, túi xách hiệu Kipling có giá khoảng 4 triệu đồng/sản phẩm, nhưng với sản phẩm hiệu này bán tại chợ An Đông, Trung tâm thương mại SaiGonSquare, giá chỉ có 300 - 350.000đ/sản phẩm thì chắc chắn là hàng giả.
Tương tự, áo thun hiệu Lacoste giá hơn 2 triệu đồng/chiếc, nhưng tại các cửa hàng, giá bán chỉ 40-50.000đ/sản phẩm, thì không thể nào là hàng chính hiệu.
Với các đối tượng sản xuất, dù biết rất rõ việc sản xuất kinh doanh hàng giả, nếu bị cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị xử lý rất nặng, nhưng do lợi nhuận thu được từ việc sản xuất kinh doanh hàng giả quá lớn nên các đối tượng bất chấp, vi phạm pháp luật.
Điển hình, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH may Hân Hạnh (phường 12, quận Gò Vấp) do vợ chồng Ngô Thị Thúy Phượng và Nguyễn Ngọc Hân (ở Bình Định) làm chủ, thu giữ 13.240 áo thun nữ và 2.010 áo thun nam giả nhãn hiệu Lacoste.
Tổng giá trị số hàng giả này nếu tính theo giá của hàng thật là gần 25,5 tỷ đồng.
Trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện, hai đối tượng này cũng đã tuồn ra thị trường khoảng 5.000 chiếc áo thun giả hiệu Lacoste, với giá bán chỉ bằng 1/50 so với hàng thật và được thị trường tiêu thụ rất mạnh; Cơ sở sản xuất túi xách giả nhãn hiệu Kipling (quận 12) do Nguyễn Thái Hà làm chủ, lực lượng kiểm tra thu giữ tang vật gồm 1.178 chiếc thành phẩm và bán thành phẩm, nếu tính theo giá hàng thật thì số hàng này hơn 4 tỷ đồng...
Thực trạng trên cho thấy, vấn nạn hàng giả vẫn chưa ngăn chặn được là do nhiều yếu tố: Người tiêu dùng vẫn còn thích xài hàng giả, nhà sản xuất thì bất chấp, vi phạm pháp luật vì món lợi nhuận khổng lồ.
Trong khi đó, về phía cơ quan thực thi, ông Trần Văn Khuê - đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng còn quá ít.