Thông tin trái lê Trung Quốc để năm tháng không hư khiến nhiều bà nội trợ giật mình. Ghi nhận tại chợ đầu mối và chợ lẻ cho thấy hàng trăm tấn trái cây Trung Quốc về mỗi ngày đã bị “biến” thành hàng trong nước, hàng Mỹ...
Những mặt hàng này không cần qua các thao tác phức tạp gì, chỉ cần xé lẻ phân phối là đã xóa sạch dấu vết của hàng Trung Quốc.
Vài trăm tấn mỗi đêm
Táo, lựu, hồng Trung Quốc được bày bán tại một sạp trái cây ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP.HCM
Hơn 8g tối một ngày đầu tháng 9/2014, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối trái cây, rau củ lớn nhất tại TP.HCM.
Mới đầu phiên chợ nhưng khung cảnh đập vào mắt người đi mua sắm là vài chục xe tải lớn xếp đều đặn ngay ngắn, các thùng xe được mở sẵn. Bên trong các xe là ngồn ngộn những trái cây đựng trong các loại thùng xốp, cactông hay bịch nilon chi chít tiếng Trung Quốc đang được các công nhân bốc xếp hối hả đưa ra khỏi xe để đưa đi khắp nơi.
Tại khu vực phía trước chợ là nơi tập kết hàng từ miền Bắc vận chuyển vào (hầu hết là hàng trái cây Trung Quốc), không khí hối hả, ồn ào vang cả một góc. Mỗi “chành” (vựa) được phép đậu hai xe container để chào và bán hàng. “Hết chiếc này thì chiếc khác ghé vào, mỗi “chành” hằng đêm cũng phải bán từ 8-10 xe”, chủ một “chành” tên Bé cho hay.
Lướt một vòng quanh các “chành”, điều dễ nhận thấy là táo, lê, cam, nho, lựu... chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đang vào vụ nên hầu như “chành” nào cũng bán táo, lê...
Những mặt hàng này được trưng trên một chiếc thùng xốp lớn chủ yếu để chào hàng cho người mua sỉ. Phía sau những chiếc thùng xốp này là hàng chục công nhân bốc xếp đang hối hả đưa những thùng hàng vẫn còn nguyên kiện in dày đặc chữ Trung Quốc ra khỏi xe.
Quan sát chỉ hơn một giờ có thể thấy hầu như tất cả các thùng hàng trái cây được đưa từ các “chành” vào chợ hoặc ra xe chuyển đến chợ đầu mối khác đều có in chữ Trung Quốc. Bên trong các sạp trái cây ngoại của chợ này, quan sát sơ bộ cũng chỉ chưa đến 10 sạp bán táo Mỹ, New Zealand...còn lại hầu hết đều bán hàng Trung Quốc.
Theo chủ “chành” tên Phượng, mỗi xe container chứa khoảng 3.500-4.000 thùng trái cây loại 14kg, tương đương con số gần 40 tấn hàng/xe. Nếu mỗi “chành” tiêu thụ 5-6 xe, sơ sơ tại khu vực chợ này có khoảng vài chục “chành” thì lượng trái cây Trung Quốc tuôn đi khắp nơi lên tới vài trăm tấn mỗi đêm.
“Giờ khó khăn lắm, buôn bán hên xui, mỗi chành bán được vài xe một đêm chứ trước đây bán được cả chục xe, hàng cứ xếp đầy quốc lộ”, bà chủ “chành” này nói.
“Hàng này được đưa vào sạp, cho sạp nào cần lấy thêm hàng, hoặc đưa thẳng ra các xe phân phối cho chợ Hóc Môn, Bình Điền (các chợ đầu mối lớn khác) và đi tỉnh phía bên kia nè”, chủ sạp tên Bé vừa chỉ tay về phía vài chục chiếc xe tải cỡ nhỏ đang đua nhau chất hàng lên nói.
Cũng theo ông Bé, thùng xốp, thùng giấy, bịch nilon đa dạng các loại đóng gói từ 8-14kg loại nào cũng có, tùy vào nhu cầu của người mua.
Tem gì cũng có
Mất nhiều đêm liên tục có mặt tại khu vực chợ chính chợ đầu mối Thủ Đức, chúng tôi mới tìm hiểu được chiêu “phù phép” trái cây Trung Quốc trước khi đưa ra thị trường.
Theo quy trình, hàng trái cây Trung Quốc sau khi được dỡ khỏi những xe container lớn sẽ chia nhỏ ra các xe tải cỡ nhỏ phân phối cho các chủ sạp ngay trong chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đưa đi các chợ đầu mối khác, hoặc về các tỉnh. Từ đây, hàng hóa bắt đầu được các chủ sạp, chủ xe xé lẻ và đưa ra chợ, điểm bán để bán cho người tiêu dùng.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, các thùng táo, lê, cam của Trung Quốc sau khi được bốc dỡ khỏi xe, chúng tôi quan sát thấy xuất hiện hai loại: một loại thùng bên trong đã được dán tem sẵn trên bề mặt từng trái với dòng chữ nổi bật là “two-cape” và một loại thùng bên trong không hề được dán nhãn sẵn.
Một số chủ vựa ở đây cho biết, để bán được hàng với giá cao, qua mặt người tiêu dùng, những loại trái cây này phải được dán các loại tem, nhãn ghi xuất xứ từ Mỹ trước khi ra chợ lẻ.
Để tìm hiểu nguồn gốc các loại tem nhãn ghi trên trái cây Trung Quốc, chúng tôi ghé vào một sạp trái cây bán sỉ trong chợ hỏi mua các loại táo. Bà chủ sạp mời chào đon đả: “Táo Trung Quốc đây, thùng lớn từ 10-12kg”.
Sau khi xem hàng, với lý do hàng không có tem dán trên trái rất khó bán tại chợ lẻ, chúng tôi đặt vấn đề cung cấp tem để về dán lên trái cây dễ bán hơn. Bà chủ sạp chống chế: “Tem người ta dán sẵn luôn bên Trung Quốc rồi đó”.
Sau một lúc lưỡng lự, chủ sạp cũng đưa ra một dây tem với hình trái táo đỏ và dòng chữ “two-cape”. “Đây là tem dán trên trái táo”, bà chủ sạp cho biết. Tiếp tục thắc mắc liệu có tem dán ghi xuất xứ từ Mỹ hay không, bà chủ sạp quay trở vào sạp tìm và đưa cho chúng tôi một dây tem tương tự có hình trái táo đỏ nhưng bên dưới lại ghi chữ “Washington”.
Bà chủ sạp này cho biết, nếu mua trái cây thì cho tem luôn chứ không bán. Khi thắc mắc về nguồn gốc các loại tem này, bà trả lời ngắn gọn: “Anh có thể đặt mua tại các điểm in lụa, có hết”.
Tại một sạp khác, sau khi cẩn thận hỏi giá một thùng táo lên tới 320.000 đồng/10kg, bà chủ sạp cũng đem ra một dây dài tem hình trái táo, có in đủ loại từ “two-cape” cho đến “Washington”, “Fuji” và nói nhanh gọn: “Muốn lấy loại nào cứ lựa hàng đi, có cả đây”.
Tại một sạp kế tiếp, chúng tôi cũng yêu cầu muốn mua táo Trung Quốc phải có tem, chị bán hàng cho biết: “Tem hả, hết rồi, nhưng có mua hàng không? Nếu mua thì tui đi xin cho một ít”.
“Hô biến” thành hàng Mỹ, hàng Việt
Ngoài việc bán theo thùng, tại chợ đầu mối, tiểu thương vẫn có thể mua lẻ vào cuối chợ từ 5-10kg tùy sức bán. Đây chính là thời điểm hàng Trung Quốc bị xóa dấu vết, khiến hàng ngoài thị trường không còn bất kỳ dấu vết, tem nhãn nào thể hiện được nguồn gốc hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Với rất nhiều lý do, trái táo, nho, lê, cam Trung Quốc khi ra đến chợ lẻ bỏ thùng bao bì bên ngoài đã “biến” thành hàng Mỹ, New Zealand, hàng trong nước... một cách dễ dàng.
Theo chân một tiểu thương nhập hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức, sau một chặng đường khá dài, xe ba gác của bà này về đến chợ An Phú B (P.An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương).
Với lỉnh kỉnh hơn 10 thùng nho, táo, lê Trung Quốc trên xe, bà tiểu thương này lần lượt chia nhỏ cho các sạp khác cùng chợ để bán. Ngay lập tức nhiều sạp bán lẻ trái cây tại đây đã xé lẻ từng thùng táo, nho... trưng bày lên kệ nhưng không hề để nguồn gốc hàng từ Trung Quốc.
Ghé vào một sạp ở đây, một chủ sạp đon đả giới thiệu: “Bom (táo) 55.000 đồng/ký, lê 50.000 đồng/ký, riêng nho chỉ 40.000 đồng/ký thôi”. Khi chúng tôi thắc mắc vì sao táo, lê, nho lại có giá rẻ bất ngờ đến như vậy, có phải xuất xứ từ Trung Quốc thì chủ sạp này chối bay: “Không phải. Hàng Mỹ về đợt này nhiều lắm”.
Không chỉ về các vùng ven, hàng còn được chở thẳng về một số chợ trong thành phố. Đi theo một xe táo của tiểu thương bán hàng về chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), tại đây những thùng táo còn nguyên được người bán nhanh chóng bày ra đường.
Giống như nhiều chợ khác, sau khi chở từ chợ đầu mối về, táo đã được xé lẻ ra rồi bán với mức giá 50.000 đồng/kg. Khi chúng tôi hỏi nguồn gốc trái cây, bà tiểu thương này nói ngay: “Táo Mỹ chứ làm gì còn ai bán táo Trung Quốc nữa”.
Không chỉ táo Trung Quốc biến thành táo Mỹ, nho Trung Quốc cũng bị biến thành nho Ninh Thuận.
Tiếp tục theo chân một tiểu thương khác xuất phát từ chợ đầu mối, xe táo, nho chất đầy của bà này được đưa tới điểm bán dân sinh tại ấp Bình Phước B, xã Bình Chuẩn (thị xã Thuận An, Bình Dương), cũng giống như nhiều người bán khác. Bà này cũng chia cho các hộ bán rong, bán nhỏ lẻ tại chợ để bán tới người dân, công nhân tại đây.
“Nho Ninh Thuận đó em ơi, nho này là dân mình trồng, giá phải chăng mà ăn ngọt lắm”, bà này khoe. Với mức giá 45.000 đồng/kg loại lớn và chỉ từ 25.000-30.000 đồng/kg loại nhỏ, nho Trung Quốc đã “biến” thành nho Ninh Thuận rất nhanh chóng.
50 - 75% táo, nho, cam nhập từ Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2013, táo là mặt hàng trái cây ngoại được nhập về có số lượng lớn nhất, với hơn 72.000 tấn, tổng trị giá 23,8 triệu USD. Trong đó, có tới 53.000 tấn (chiếm 75% lượng táo nhập vào VN) là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Còn trong tám tháng đầu năm 2014, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 57% tổng lượng táo nhập khẩu. Mặt hàng cam có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới 88% tổng lượng cam nhập về trong năm 2013.
Mặc dù nho Trung Quốc nhập vào thị trường nội địa có thấp hơn cam và táo nhưng cũng xấp xỉ 50% lượng nho được nhập khẩu.
Ông Phan Sinh, phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết đây chỉ là thống kê nhập khẩu chính ngạch. Còn trên thực tế, lượng trái cây nhập về thị trường nội địa sẽ lớn hơn rất nhiều khi đi qua đường tiểu ngạch.
Một trong những nguyên nhân chính khiến lượng hoa quả từ Trung Quốc nhập khẩu vào VN áp đảo các thị trường khác, theo ông Sinh nhận định là do thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này đã về 0% từ năm 2012.
Ghi nhận tại chợ Long Biên (Hà Nội) suốt một ngày, chúng tôi thấy các thùng hàng cam, táo, mận... toàn in chữ Trung Quốc. Thế nhưng, khi bán lẻ nhiều tiểu thương lại “quảng cáo” táo, nho của Mỹ, New Zealand, Úc giá chỉ từ 50.000-80.000 đồng/kg. Riêng cam nhập khẩu giá rất rẻ, có nơi bày bán 40.000-50.000 đồng/kg.
Các loại hoa quả này đều không dán bất cứ một nhãn mác nào để cho người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao cam nhập khẩu từ Nam Phi mà không có mác, một người phụ nữ kinh doanh lâu năm ở chợ Long Biên cho biết khi nào phân phối tới các địa điểm bán lẻ mới dán nhãn để cho “mới”.
Mất dấu hàng Trung Quốc
Mặc dù hàng Trung Quốc xuất hiện nhiều tại các chợ đầu mối, thế nhưng khảo sát ngoài thị trường gần như không tìm thấy địa chỉ nào xác nhận có bán hàng Trung Quốc.
Tại các siêu thị như Co.op Mart, Big C, Lotte... mặt hàng táo hiện nay đều được các đơn vị khẳng định là không có hàng Trung Quốc.
Ghi nhận tại các siêu thị này cũng cho thấy các loại táo Mỹ, táo Úc, New Zealand xuất hiện đa dạng trên các quầy kệ với mức giá từ hơn 60.000 đồng tới 90.000 đồng/kg.
Không chỉ có vậy, nhiều điểm bán trái cây lớn, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng trên đường Khánh Hội, Q.4, một số cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.1), hầu hết các loại trái cây đều ghi xuất xứ từ Mỹ, New Zealand, Chile... Tuyệt nhiên không thấy xuất hiện mặt hàng nào được ghi có nguồn gốc Trung Quốc.
Chủ sạp trái cây Thu Nga, chợ Hóc Môn, cho biết tâm lý sợ hàng Trung Quốc đang khiến nhiều nơi bán hàng tìm cách “lách” bằng cách dán tem, nhãn của châu Âu, Mỹ nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc ham rẻ cũng khiến nhiều người tiêu dùng mắc bẫy” - bà Nga nói.