Sim số đẹp hết thời, anh Dương gom góp vốn chuyển sang mở đại lý vé máy bay. Sau khi hạ giá, thanh lý, anh chỉ còn tồn gần 30 số nên không đến mức bị nguy cơ phá sản như nhiều dân buôn khác.
Mới đây, cô em họ mua vội một số năm sinh với giá 1,75 triệu đồng chỉ vì “em không mua, người khác lấy mất, kiếm đâu ra” khiến anh bật cười.
Anh Dương cho biết, giá trị của sim số đẹp thực chất dựa trên tâm lý của người dùng. Do đó, dân buôn thường có rất nhiều “chiêu” để kích khách mua nhanh hơn, biến sim thường trở nên sang trọng, thổi giá sim đẹp đến mức khó tin.
“Bạn gọi điện hỏi sim rồi đến gặp người bán, thấy dồn dập 2-3 cuộc điện thoại cùng hỏi về số bạn thích thì đừng vội nghĩ ‘mua nhanh kẻo hết’, đó có thể chỉ là chiêu thổi giá”, anh Dương nói.
Cách này thường được áp dụng với những sim ngày tháng năm sinh, không quá VIP nhưng khó tìm được số trùng ngày sinh nên khách dễ tiếc rẻ, mua vội, dẫn đến hớ.
Những chiếc sim đẹp thực sự như đuôi lộc phát, gánh đào, tam quý, tứ quý… thường lại không thể áp dụng cách đó vì quý nhưng không hiếm. Khách chọn số loại này cần sự sang trọng theo tâm lý số đông, không “đóng đinh” đuôi sim nhất định.
Bởi vậy, “bạn đừng ngạc nhiên khi thấy trong các bảng rao sim 68, tứ quý, comment hỏi mua sim dày đặc, nhưng bao nhiêu trong đó là lượng khách thực thì rất khó nói”, anh Dương nói.
Ngoài việc tạo cơn “sốt” ảo để kích khách hàng mua nhanh và đua nhau mua, những người buôn sim còn rất sáng tạo ý nghĩa các con số, khiến nhiều thuê bao “mê mẩn”.
Số đẹp ban đầu chỉ hạn hẹp với 68 – lộc phát, 99 – trường cửu, tam hoa, tứ quý, ngũ quý, sau đó dần mở rộng pham vi, sim dễ nhớ - gánh đào, lặp kép, sim năm sinh cũng được liệt kê vào danh sách này, giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Bằng sự sáng tạo, thậm chí “chế” ý nghĩa, dân buôn số VIP đã cùng nhau “hô biến” sim thưởng trở thành siêu đẹp. Đơn cử, sim đuôi 3456, 6789 không chỉ có giá vì là số tiến mà còn nhờ ý nghĩa ghép từ các chữ cái đầu tiên của số – bạn bè nể sợ (3456), san bằng tất cả (6789).
Thậm chí, một số sim rất bình thường, không đẹp, không dễ nhớ cũng trở nên siêu đặc biệt nhờ những cách suy luận đó. “Sim đuôi 154078, nghe qua chẳng ấn tượng đúng không, nhưng được rao là ‘một năm bốn mùa không thất bát’, khách nhảy vào mua rào rào, giá 3-5 triệu đồng tùy đầu số”, anh Dương kể.
Không riêng người tiêu dùng, dân kinh doanh sim đẹp còn dùng chiêu “thổi giá” với chính đồng nghiệp trong nghề.
Anh Trần Xuân Sơn, từng kinh doanh sim online 5 năm, tiết lộ điều đó. Anh cho biết, những người buôn số VIP có 2 nguồn chính để đẩy hàng: bán cho khách lẻ thì số lượng ít nhưng lãi nhiều, bán cho dân buôn thì số lượng lớn nhưng lãi ít. Do đó, bên cạnh việc kích người tiêu dùng mua, giá càng cao càng tốt, dân buôn vẫn phải “làm giá” để bán buôn cho đồng nghiệp.
“Tạo nên cơn sốt ảo về một dòng sim, sau đó tỏ ra khan hiếm để đẩy giá là mẹo khá phổ biến của người trong nghề. Bởi mỗi dân buôn chỉ có một số mối nhập nhất định, mỗi mối lại chia theo khu vực với đầu số và đuôi số trong phạm vi.
Vì vậy, để đa dạng mặt hàng, họ phải nhập của nhau, ai đoán được xu hướng thị trường, nhập sớm thì trúng to, còn rơi vào bẫy sốt ảo thì lỗ nặng, đọng vốn”, anh Sơn cho biết. Những tin đồn sáp nhập mạng nhỏ với mạng lớn trước đây cũng khiến nhiều người buôn số VIP chao đảo vì lý dó đó.
Vẫn cho rằng sim đẹp rất có giá trị, nhất là trong việc dễ nhớ và khẳng định đẳng cấp người dùng song chính những người buôn số VIP cũng thừa nhận giá thực chất không thể cao như thời điểm “sốt” cách đây 2 năm.
“Đó là kết quả của rất nhiều chiêu thổi giá mà tâm lý khách hàng cũng góp phần vào đó. Suy cho cùng, ai buôn mà không phải dùng mẹo, ngành nào chẳng vậy”, anh Sơn chia sẻ. Còn theo anh Trần Văn Dương, người tiêu dùng vẫn có thể mua những chiếc sim yêu thích nhưng cần cân nhắc kỹ, so sánh nhiều nơi để mua đúng số mình cần với mức giá hợp lý, tránh bị đánh lạc hướng tâm lý.