Đại phẫu ngân hàng, anh hùng lộ diện – Kỳ 2: Vàng 'hóa' ngân hàng

Lưu Văn |

Từ kỹ sư vô tuyến điện, ông Đỗ Minh Phú thành “đại gia” với vàng, nhà hàng và ngân hàng.

 

Tạo dựng tên tuổi từ vàng

Tuổi Nhâm Thìn, 1952, ông Đỗ Minh Phú hiện được coi là doanh nhân kỳ cựu trong lĩnh vực kinh doanh lấp lánh mà nhiều rủi ro: vàng.

Mặc dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, dòng máu doanh nhân luôn sục sôi trong huyết quản nhưng Đỗ Minh Phú ngay từ đầu, lại không chọn kinh doanh làm con đường tiến thân cho mình.

Nghiệp kinh doanh của một “ông lớn” trong giới buôn vàng của Việt Nam, có thể nói, đầy những định mệnh.

Nhờ thành tích học tập tốt, Đỗ Minh Phú được cử đi học nước ngoài, song do có sai sót trong khâu hành chính nên ông vào học tại khoa vô tuyến điện trường đại học Bách Khoa.

Nghề chọn người, ra trường, với khả năng ngoại ngữ, Đỗ Minh Phú được cử làm quản lý công ty nước ngoài về đá quý.

Sau công ty chuyển mô hình liên doanh, Đỗ Minh Phú tiếp tục được tín nhiệm giữ chức danh giám đốc với mức lương khá cao lúc bấy giờ là 300 USD.

Có thể nói, những năm tháng nắm giữ chức vụ tại công ty kinh doanh đá quý đã tạo cho Đỗ Minh Phú một bề dày kinh nghiệm cùng những hiểu biết sâu rộng về lĩnh vực này.

Vốn có máu kinh doanh, được đào tạo bài bản lại nhạy cảm với thị trường, năm 1994 Đỗ Minh Phú quyết ra “ở riêng.”

Thành công không đến ngay với Đỗ Minh Phú. Khoảng thời gian 10 năm sau đó, Đỗ Minh Phú âm thầm tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc để xây dựng nền móng vững chắc cho mình.

Khoảng 2007, nhận thấy thời cơ đã đến, Đỗ Minh Phú dồn toàn lực xây dựng trung tâm thương mại Ruby Plaza.

Quyết định xây Ruby Plaza là một bước đột phá trong sự nghiệp kinh doanh vàng của Đỗ Minh Phú, đưa ông lên hàng “đại gia” với doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Ngay khi Đỗ Minh Phú đang thành công vang dội với vàng thì khủng hoảng kinh tế khu vực bùng nổ.

Giữa cơn quay cuồng của tài chính thế giới, bản lĩnh của doanh nhân kỳ cựu đã khiến Đỗ Minh Phú nhận ra cơ hội và quyết đoán thâu tóm nhiều doanh nghiệp nhỏ lẻ chuyên về vàng.

Nắm trong tay SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái Đỗ Minh Phú mạnh dạn tái cấu trúc, phân chia công ty thành viên, xây dựng và áp dụng chiến lược kinh doanh phù hợp với tiềm lực của mình.

Kết quả, chỉ trong 5 năm, doanh thu của tập đoàn Doji tăng gấp 30 lần, đạt trên 28.000 tỷ năm 2011.

Không chọn vàng là con đường kinh doanh từ đầu nhưng vàng đã chọn là “nghiệp” của Đỗ Minh Phú.

Tên tuổi Đỗ Minh Phú giờ không bó hẹp trong giới “buôn vàng”, Đỗ Minh Phú hiện là ông chủ của “hai ghế”: vàng và ngân hàng.

 - Ảnh 2
Ông Đỗ Minh Phú có đem đến thành công cho TPBank như đã từng làm với Doji. Ảnh Anh Quân

Thò tay vào ngân hàng

Đỗ Minh Phú, sau khi thành công với vàng, đã quyết định đổ vốn vào kinh doanh nhà hàng và sản xuất băng vệ sinh phụ nữ.

Tinh thần doanh nhân mạnh mẽ cộng ý tưởng kinh doanh độc đáo đã biến thành cơ hội. Đỗ Minh Phú lại thêm một lần thành công.

Thương hiệu Diana sau khi bán cho một tập đoàn Nhật Bản đem về cho Đỗ Minh Phú khoản tiền lời hàng trăm triệu USD.

Với một doanh nhân kỳ cựu giàu lên vì vàng, đạt đỉnh với vàng, việc làm ngân hàng là tất yếu. Ngay khi bán Diana, Đỗ Minh Phú quyết định đầu tư mua cổ phần Tienphong Bank.

Việc đầu tiên khi vào Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Đỗ Minh Phú bơm vốn để cải thiện khả năng thanh toán và xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng này.

Trong thâm tâm, ông Phú biết, kinh nghiệm “làm vàng” của mình sẽ đắc lợi trong việc hỗ trợ các hoạt động phái sinh của ngân hàng Tiên phong , cũng như giúp quản lý rủi ro tại ngân hàng này.

Tuy nhiên, quyết định đầu tư vào TPBank của ông Đỗ Minh Phú không chỉ hoàn toàn nhận những tán đồng.

Nhiều ý kến thận trọng nhận xét rằng ông Phú cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi TPBank đang là một trong 9 ngân hàng yếu kém, non trẻ nhất đang cần tái cơ cấu.

Con mắt nhà nghề của ông Phú lại khiến ông suy nghĩ rằng, ngân hàng Tiên phong non trẻ lại càng dễ uốn nắn. Tái cấu trúc, vì thế, dễ thành công hơn.

Quá trình tái cấu trúc ngân hàng Tiên phong được tiến hành triệt để, ngân hàng đổi tên, đổi bộ nhận diện, đổi logo thành TPBank và áp dụng chiến lược tứ trụ trong điều hành.

TPBank tập trung vào 4 mũi nhọn: công nghệ cao và công nghệ thông tin; vàng; công nghiệp phụ trợ; ngân hàng điện tử và ngân hàng ưu tiên.

Nhờ có Doji, TPBank được tham gia thị trường vàng, một hướng đi rất mới ở ngân hàng này.

Chỉ trong thời gian ngắn, TPBank đã gặt hái được nhiều thành công ấn tượng, gần đây nhất, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank đã tăng trưởng và vượt kế hoạch đề ra như: tổng tài sản đạt gần 52,000 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 và dư nợ cho vay tổ chức và cá nhân đều tăng trên 10% so với năm trước, kết quả lợi nhuận 6 tháng đạt 342 tỷ đồng, vượt 112% kế hoạch 6 tháng và đạt 55% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0.96%.

Trong năm nay, TPBank cũng được NHNN chấp thuận mở thêm 5 chi nhánh và đã khai trương chi nhánh mới tại Nghệ An vào ngày 1/7 vừa qua, trước đó là các chi nhánh mới tại Quảng Ninh và TPHCM, sắp tới là chi nhánh tại Đaklak… kết quả này đánh dấu mốc quan trọng cho việc hoàn tất quá trình tái cơ cấu của TPBank với việc chỉ trong 3 năm, TPBank đã hoạt động an toàn, hiệu quả, tạo ra hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận, bù đắp được toàn bộ số lỗ lũy kế trong quá khứ và đã có lợi nhuận thực dương, sớm hơn 1 năm so với dự kiến.

Gánh trên mình hai vai, ngồi trên hai ghế, ông Đỗ Minh Phú giờ đây vẫn bận rộn với các dự án tiền tỷ. Ý chí, khát khao của Đỗ Minh Phú đã làm nên thương hiệu Doji nổi tiếng. Liệu điều đó có lặp lại với TP Bank?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại