Đại học nào sản sinh ra nhiều đại gia Việt nhất?

Kiều Oanh |

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đoàn Nguyên Thu, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Nga,… và nhiều đại gia khác đều xuất thân từ "lò" đại học kinh tế. Sẽ không ngoa nếu nói rằng: Đây chính là "cái nôi" sản sinh ra các đại gia Việt.

Mới đây, nhóm các ngân hàng Thụy Sĩ và một hãng tình báo tài chính có trụ sở ở Singapore đã công bố kết quả điều tra về 2.300 tỷ phú USD trên phạm vi toàn cầu. Kết quả cho thấy, 2/3 các tỷ phú USD toàn cầu có bằng đại học, 1/4 trong số đó có trình độ sau đại học và 1/10 có học vị tiến sĩ.

Tại Việt Nam, qua khảo sát chưa đầy đủ, ngoài một số đại gia không có bằng đại học nào trong tay nhưng bằng sự cơ trí và những điều học được trong trường đời, họ đã thành công và nắm giữ khối tài sản khổng lồ như bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch công ty thủy sản Hùng Vương (người từng được xướng tên trong danh sách “Người Việt siêu giàu" do Wealth-X và UBS bình chọn),... thì hầu hết các đại gia Việt khác đều lớn lên, trưởng thành từ các trường đại học danh tiếng.

Trong đó, bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đoàn Nguyên Thu (em trai của Đoàn Nguyên Đức), ông Vũ Văn Tiền (ông chủ của Geleximco), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), người phụ nữ quyền lực Nguyễn Thị Nga (Chủ tịch SeABank), ông Dương Công Minh (ông chủ Tập đoàn Him Lam)... và nhiều đại gia khác đều xuất thân từ "lò" đại học Kinh tế (Đại học kinh tế Tp.HCM, Đại học Kinh tế quốc dân). Có thể nói, đây chính là "cái nôi" sản sinh ra các đại gia Việt.

1. Bà Đặng Thị Hoàng Yến lọt top 10 người giàu có trên sàn chứng khoán Việt Nam

Bà Đặng Thị Hoàng Yến sinh năm 1959 tại Đông Hải, An Hải, Hải Phòng. Bà từng tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Tp.HCM năm 1980.

Sau khi tốt nghiệp, bà công tác tại cơ quan Nhà nước 13 năm. Năm 1993, bà quyết định tạo dựng con đường đi riêng cho mình khi thành lập Công ty TNHH Hoàng Yến, tiền thân của Tập đoàn Tân Tạo ngày nay.

Tập đoàn Tân Tạo đã phát triển trở thành doanh nghiệp phát triển hạ tầng và khu công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam và tạo ra hàng trăm ngàn việc làm trong nước. Hiện nay, Tập đoàn Tân Tạo có 21 công ty con hoạt động trên nhiều lĩnh vực như phát triển hạ tầng, xây dựng, năng lượng và truyền thông.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiêp Tân Tạo - ITACO, công ty con thuộc Tập đoàn Tân Tạo, đã trở thành một trong 9 cổ phiếu blue-chip được chọn gia nhập chỉ số chứng khoán Russell Global Index và là 1 trong 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn và tính thanh khoản tốt nhất Việt Nam hiện nay được lựa chọn tính toán trong chỉ số S&P Vietnam 10 Index.

Công ty Cổ phần phát triển Năng lượng Tân Tạo, công ty thành viên thuộc Tập đoàn, đang đầu tư xây dựng một trong những nhà máy điện lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD.

Năm 2013, bà Yến lọt top 10 người giàu có trên sàn chứng khoán Việt Nam, đứng ở vị trí thứ 7, với tổng tài sản giai đoạn đó là hơn 1.900 tỷ đồng.

2. Ông Đoàn Nguyên Thu – người quyền lực thứ 2 ở HAGL

Ông Đoàn Nguyên Thu là con thứ ba trong gia đình đông anh chị em. Ông là em trai của Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức.

Khác với anh trai lận đận đường học hành, ông Đoàn Nguyên Thu đã có trong tay tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, tấm bằng Cử nhân Kinh tế của trường đại học Kinh tế TP.HCM và tạo được thế đứng trong làng bất động sản.

Ông Đoàn Nguyên Thu.
Ông Đoàn Nguyên Thu.

Dù tất cả anh chị em trong gia đình bầu Đức đều giữ cổ phần tại HAGL, nhưng chỉ có ông Đức và ông Thu là nắm quyền điều hành trong tập đoàn này. Trong đó, ông Thu được xem là thành viên cốt cán thứ ba, sau bầu Đức và Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Sự. Năm 2013, ông Thu nhận tới 2,78 tỷ đồng lương thưởng và thù lao điều hành tại HAGL.

Với tấm bằng trên tay, cộng với 15 năm kinh nghiệm làm việc cho HAGL, ông Thu hiện là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của tập đoàn, phụ trách ngành kinh doanh đã từng làm nên thành công đầu tiên cho HAGL: ngành gỗ.

Theo chia sẻ trong báo cáo thường niên của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, ngành gỗ - mảng kinh doanh mà ông Thu đang điều hành - từng một thời là điểm tựa phát triển trọng tâm của HAGL trong suốt một thập kỷ, từ năm 1993 đến năm 2002.

Ngoài ra, ông Thu cũng có tên trong ban lãnh đạo của công ty thủy điện HAGL.

3. Ông Vũ Văn Tiền: Đại gia nghìn tỷ

Sinh năm 1959 và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Tiền Hải, Thái Bình, năm 1978, khi đang học năm thứ nhất, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Tiền được tổng động viên vào quân ngũ. Trong môi trường này, nhiều người nhận thấy ông đã phát huy được năng lực của mình nên điều chuyển ông vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, phân hiệu II TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Đại học Quân sự, ông xin xuất ngũ rồi trở về học tiếp Đại học Kinh tế.

Với tư duy kinh tế nhạy bén, một cái nhìn mới về cuộc đời và ước mơ lập nghiệp, sau gần chục năm đầu quân cho Tổng công ty vật tư nông nghiệp, năm 1992, ông Vũ Văn Tiền xin ra ngoài để thành lập công ty tư nhân.

Ông Vũ Văn Tiền.
Ông Vũ Văn Tiền.

Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Tập đoàn Geleximco của ông Tiền trở thành doanh nghiệp lớn mạnh ở Việt Nam với những dự án hàng chục nghìn tỷ đồng.

Có thể kể đến một số dự án như Dự án Khu đô thị mới dầu khí - Geleximco. Đây là dự án do Geleximco và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 10.322 tỷ đồng. Khu đô thị mới Dầu khí – Geleximco có quy mô diện tích 192,37 ha, thuộc hai xã Đông La và La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 và dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 4/2011 đến đầu năm 2020.

Hay dự án Cống hóa Mương Cổ Nhuế và Khu nhà ở thấp tầng với vốn đầu tư 1.016 tỷ đồng hay Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại huyện Hoài Đức và hai bên đường Lê Trọng Tấn, thành phố Hà Đông (Hà Nội) với diện tích 135 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng…

Là người giàu có, nhưng doanh nhân Vũ Văn Tiền được giới doanh nhân đánh giá là có cuộc sống giản dị, không siêu xe, không những bữa tiệc đình đám, hàng ngày, ông đến trụ sở bằng chiếc xe Toyota Yaris giá khoảng 700 triệu đồng.

4. Ông Trần Đình Long – người giàu có nhất ngành thép

Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương đồng thời là chủ Hòa Phát Group. Ông tốt nghiệp và nhận tấm bằng Cử nhân Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1996.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát từ lâu đã luôn được biết đến với danh hiệu là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép. Ông hiện là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sau bầu Đức thì ông Trần Đình Long là vị đại gia thứ hai tại Việt Nam chơi “vượt tầm” khi vung hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng.

Ông Trần Đình Long.
Ông Trần Đình Long.

Được biết trong năm 2010, ông Long đã chi 5 triệu đô la để sở hữu chiếc máy bay trực thăng riêng. Không chỉ dừng lại tại đó, mỗi tháng, ông Long còn phải bỏ ra hàng tỷ đồng để “nuôi” khối tài sản triệu đô này.

Theo thông tin nhận được chỉ trong vòng vài tháng đầu năm 2014, vị đại gia này nghiễm nhiên bỏ túi hàng trăm tỷ đồng nhờ việc tăng giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát.

5. Bà Nguyễn Thị Nga – nữ doanh nhân quyền lực được Forbes vinh danh

Bà Nga là người Hà Nội, sinh năm 1955, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) và đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thổng Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.

Theo công bố của Tạp chí Forbes về danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014”, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đông Nam Á (SeABank) đứng vị trí số 29, và là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam với số cổ phần lớn nhất trong ngân hàng - bất động sản - khu du lịch nghỉ dưỡng - bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Nga.
Bà Nguyễn Thị Nga.

Hiện bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Societe General có 20% cổ phần.

Ngoài ra, bà thành lập BRG điều hành nhiều công ty và các dự án khác ở Việt Nam đặc biệt là Island Golf Resort Kings và Đồ Sơn Seaside Gold Resort. Đồng thời bà còn sở hữu 2 khách sạn lớn tại Hà Nội dưới sự quản lý của Hilton Wordwde và nằm cổ phần tại Intime. Năm 2013 những doanh nghiệp đó đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 USD.

Là một người phụ nữ nhưng bà Nga lại đứng trên rất nhiều người và trở thành người được tôn trọng, ngưỡng mộ. Tuy nằm trong tay khối lượng tài sản không nhỏ và vị thế trong giới doanh nhân cao nhưng bà Nga luôn biết cách “ẩn mình”.

Rất ít khi thấy bà xuất hiện trên thương trường, có chăng là những sự kiện liên quan đến các dự án sân golf với tiêu chuẩn thế giới, trong vụ mua lại khách sạn 5 sao Hilton Hà Nội, trong chức vụ Chủ tịch HĐQT của SeABank và Techcombank.

6. Ông Dương Công Minh - ông chủ Tập đoàn Him Lam

Ông Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).

Ông Dương Công Minh được biết đến với vai trò là ông chủ của CTCP Him Lam - một công ty bất động lớn tại Việt Nam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ông là con người khá bí hiểm, hầu như không xuất hiện trước báo chí.

Ông Dương Công Minh.
Ông Dương Công Minh.

Ông Minh cho biết, Him Lam là một tay ông làm nên, từ tiền túi vay nặng lãi, từ cái đầu của ông, từ tính cách của ông. Mỗi sản phẩm Him Lam - từng căn nhà chung cư - là do chính tay ông xem bản vẽ, thi công. Chính vì vậy mà giá trị cốt lõi của Him Lam chính là Dương Công Minh.

CTCP Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, mà theo như lời kể của mình thì ông Minh nắm tới 99%.

Với chiến lược kinh doanh và quản trị của ông chủ Tập đoàn Him Lam được doanh nhân Dương Công Minh gói gọn trong 3 điểm: biết cách sử dụng chính sách, nhạy bén với thị trường và độc trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại