Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài chuyển về ngày một tăng.
Tính hết năm 2013, đã có khoảng 1 tỷ USD lợi nhuận chuyển về Việt Nam. Số vốn thực tế đã chuyển ra ngoài để thực hiện dự án đã đạt con số 5 tỷ USD. Như vậy, tỷ suất lợi nhuận, so sánh giữa vốn chuyển về và vốn chuyển ra đạt tỷ lệ 20%.
Nhiều đại gia Việt đã thắng lớn ở nước ngoài. Có thể kể đến những cái tên: FPT đạt doanh thu 122 triệu USD khi đã đặt chân ở 17 quốc gia, Viettel cũng kiếm được khoảng 150 triệu USD lợi nhuận ở 7 thị trường viễn thông...
Trong khi đó, chỉ mới cách đây 3 năm, cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài lợi nhuận chuyển về nước của các nhà đầu tư Việt còn rất thấp. Giai đoạn 1989-2010, tổng vốn đầu tư ra đăng ký là 8,3 tỷ USD, số tiền đã chuyển ra là 1,93 tỷ USD và số lợi nhuận chuyển về nước mới chỉ ở có 39,05 triệu USD. Tỷ suất lợi nhuận khi đó mới đạt 2,02%, rất thấp.
Tại thời điểm này, tỷ lệ vốn thực hiện mới đạt 23,01%.
Đến nay, sau 3 năm, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài đã chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều dự án sau khi cấp phép đã đi vào hoạt động, đạt hiệu quả kinh tế.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký vốn đầu tư ra nước ngoài lên tới 18,03 tỷ USD với 815 dự án. Riêng năm 2013, số vốn đăng ký là 4,4 tỷ USD, lớn nhất cho một năm. Cùng đó, với 5 tỷ USD đã chuyển ra thực hiện dự án,tỷ lệ vốn thực hiện đã tăng lên 27%.
Có mặt ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, điểm đến mà Việt Nam đầu tư lớn nhất là Lào với 4,6 tỷ USD, kế đến là Campuchia với 3,1 tỷ USD, Liên bang Nga là 2,4 tỷ USD, Venezuela là 1,8 tỷ USD.
Tính theo lĩnh vực, các nhà đầu tư Việt Nam đăng ký mạnh ở ngành khai khoáng, lâm nông nghiệp và điện. Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng dự án thì các nhà đầu tư Việt Nam đang hiện diện lớn ở lĩnh vực khai khoáng và bán buôn, bán lẻ.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số liệu trên dựa theo báo cáo của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tới bộ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác đang làm ăn, đầu tư kinh doanh ở nước ngoài không báo cáo đầy đủ hoặc thậm chí, không đăng ký giấy chứng nhận với Bộ KH-ĐT. Chẳng hạn như công ty của ông “thị trưởng” Phạm Đình Nguyên - đại gia nổi như cồn thời gian qua khi mua thị trấn Buford với giá 900.000 USD ở Mỹ. Dù trở thành thị trưởng ở Mỹ đã lâu, đã xúc tiến kinh doanh café tại đây song doanh nghiệp này hiện vẫn chưa đăng ký đầu tư ra nước ngoài tới Bộ KH-ĐT.