Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng những “ông lớn” sành chơi đào đã rục rịch đổ về các vườn đào thất thốn ở Nhật Tân để "săn" cho được những gốc đào mà mình ưa thích. Để sở hữu những gốc đào cổ thụ, có thế đẹp và hoa to, nhiều "đại gia" đã bỏ ra cả lượng vàng để mua bằng được.
Đào thất thốn - nghe đến cái tên cũng đã thấy có nhiều điều tò mò thú vị. Không có một định nghĩa cụ thể cho giống đào đặc biệt này, những người sành chơi đào và có nhiều kinh nghiệm chỉ bảo nhau rằng: đây là một giống đào quý, gốc to và xù xì hơn thường, cánh hoa thắm đỏ, nhuỵ vàng rực, và đặc biệt là thường có hoa kép, nên số cánh hoa thường gấp đôi ba lần so với hoa đào thường.
Một đặc tính nữa của đào thất thốn là hoa thường nở vào độ sau Tết, nên muốn có được một gốc đào đẹp với sắc màu đỏ rực vào đúng dịp Tết, đòi hỏi người chơi đào phải thực sự kiên nhẫn, có nhiều kinh nghiệm, cũng như kĩ năng chăm sóc mới có được.
Chính vì độ quý cũng như sự cầu kì, tốn công trong việc chăm sóc nó, mà đào thất thốn ngày càng hiếm, chính vì thế mà giá của một gốc đào thực sự đẹp mắt cũng lên đến cả lượng vàng.
Anh Phạm Văn Trường (Hải Dương) chơi đào thất thốn cũng được ngót nghét 6-7 năm. Anh “phải lòng” loài đào này ở chỗ gốc cây cổ thụ xù xì lạ mắt, hoa kép, màu đẹp, lá xanh ngắt và to. Năm trước, anh có mua một cây đào thất thốn mang về quê chơi Tết, bạn bè khách khứa đến nhà ai cũng khen anh có cây đào độc, hỏi han xem mua ở đâu vì không thấy ngoài chợ bán loại đào này. Năm nay, theo thông lệ anh lại đến vườn đào thất thốn để quan sát, ngắm nghía.
Anh Trường cũng cho biết: “Để chậu đào trong nhà thấy căn nhà sang trọng hẳn, khách đến nhà tôi nhiều người thích lắm, cứ bảo trông vừa độc lại rất đẹp mắt, ai cũng thi nhau chụp ảnh từng bông hoa. Nhất là năm ngoái, đào thất thốn được mùa, nở rộ đúng vào dịp Tết nên trông không thể chê vào đâu được”.
Sau khi đi mấy vòng quanh các gốc đào, anh Trường có vẻ khá hài lòng với một chậu đào có thân dáng trực mà theo anh dáng đó toát lên khí chất ngay thẳng của người quân tử, đồng thời tay tán của cây đào này lại vươn ra rất mềm mại, sự kết hợp cương - nhu này khiến anh rất thích thú.
Là người “trung thành” với đào thất thốn, chủ vườn đào ở Nhật Tân, anh Lê Hàm cho hay: "Duyên số thế nào đưa tôi gắn với loại đào “đỏng đảnh”, “khó tính” này cũng ngót nghét được hơn 20 năm rồi. Nhưng phải đến mấy năm gần đây, tôi mới phát hiện và có nhiều kinh nghiệm cho việc chăm sóc loại đào với sắc đỏ làm say lòng người này”.
Thời gian trước, đào thất thốn trong vườn nhà anh Hàm thường mấy năm mới có hoa một lần, hoa lại hay nở “chệch” rất nhiều so với thời điểm Tết. Từ năm 2006 trở đi, đào thất thốn của anh mới bắt đầu ra hoa thường xuyên và anh cũng ép sao cho khéo để hoa nở đúng vào Tết.
Hiện nay, vườn đào thất thốn của anh Hàm có khoảng vài chục gốc với nhiều dáng thế khác nhau. Gốc cổ thụ nhất là hơn 30 năm, gốc trẻ nhất là 10 năm. Giá cả của đào thất thốn dao động từ 10 - 30 triệu đồng/cây, với những cây có dáng đặc biệt, giá có thể lên đến hơn 50 triệu đồng/cây.
Anh Hàm còn cho biết, đào thất thốn khó chơi và kén người chơi nhưng hễ ai đã trót thích rồi thì “say” lắm, không còn thích chơi mấy giống đào khác nữa. Còn cách Tết khá xa nhưng vườn đào của anh đã đón khá nhiều vị khách gần xa tới đánh dấu cây hoặc “xí phần”.