Đại gia trốn nợ, mặc bố mẹ già tủi nhục đón tết

Mang tiếng con rể làm giám đốc công ty BĐS trên Hà Nội nhưng cả năm nay ông bà Hải không thấy mặt con, những tháng cuối năm ông bà bấm bụng bỏ tiền tự mua quà gắn mác con rể tặng.

Cách đây hai năm, đám cưới con gái ông bà Hải với cậu giám đốc công ty BĐS trên Hà Nội được cho là linh đình nhất làng. Cái làng quê nghèo được một phen bàn tán xôn xao bởi danh tính cậu rể mới làm ăn khấm khá, mấy nhà biệt thự trên Hà Nội, đi xe hơi, tiêu tiền quyển.

Đây không chỉ là ước mơ của bao cô gái ở thôn quê cũng như không ít ông bố bà mẹ phải thèm thuồng. Con gái ông bà Hải lấy chồng ai cũng bảo như chuột sa chĩnh gạo. Ông bà Hải được nở mày nở mặt, ít ai có được cái vinh đự đó.

Ấy vậy mà trong lòng ông bà Hải đang phải ngậm cay đắng. Đám cưới tổ chức xong chưa được bao lâu, cô con gái đã nức nở gọi điện về báo tin chồng có nguy cơ vỡ nợ. Hai căn biệt thự thế chấp ngân hàng có nguy cơ bị thu hồi, còn lại mấy lô đất chưa kịp bán lại không có sổ đỏ.

 Trong lúc đang mang bầu, con gái ông bà Hải lúc nào cũng lo lắng vì có thể bị đuổi ra đường bất cứ lúc nào.Từ xe hơi nhà lầu, bỗng chốc, gia đình con rể đã trở về con số 0.

đại-gia, đại-gia, bất-động-sản, đại-gia-nhà-đất, vỡ-nợ, kinh-doanh, tết-bất-động-sản, buôn-đất
Không ít đại gia ngao ngán vì sắp Tết

Cái tin vỡ nợ khiến bà Hải nghẹn lòng, ông bà bàn nhau giữ kín bí mật này không chỉ giữ thể diện cho con mà cũng lo cho mình. Ở cái làng quê này, vỡ nợ vài chục triệu đã xôn xao khắp xóm, nay mà có tin vài chục tỷ đồng chắc chắn ông bà cũng muối mặt không dám ra đường.

Con gái sinh nở, bà lên trông cũng phải sống trong căn chung cư chật chội. Lắm lúc bà buồn rầu: “Con rể làm giám đốc nghe thì oai chứ giờ chẳng được nước non gì, lên chăm con còn phải mang đồ lên, rồi bỏ tiền lương ra mà nuôi cháu mình. Làm ăn có thời cũng không trách chúng nó được, bố mẹ nào mà không lo cho con cho cháu.”

Ông bà Hải mỗi tháng cũng trả nợ cho con vì vay mượn hơn bốn trăm triệu từ năm ngoái. Từ đó tới nay, ông bà Hải phải gồng sức mình vì phải lo thêm cho con. Thỉnh thoảng hàng xóm xung quanh vẫn thấy ông bà lên thủ đô vài ngày rồi về mang lỉnh kỉnh đồ đạc. Hàng xóm vẫn tin rằng, ông bà được nhờ con rể.

Tết không dám về quê

Tết đến ai cũng nghĩ về quê hương gia đình, nhưng đối với ông Trung đó lại là một nỗi ám ảnh. Lên Hà Nội lập nghiệp xa quê cũng chừng chục năm nhưng mấy năm gần đây ít thấy gia đình ông về.

Cuối năm 2011, tình hình kinh doanh bết bát, số tài sản hàng chục tỷ đồng của gia đình ông vơi dần, giờ chỉ còn cái nhà trên tận Hòa Lạc. Cũng vì vậy mà gia đình không dám về quê bởi mỗi lần như vậy cũng tốn tiền triệu.

Hồi làm ăn khấm khá, từ 27 Tết, chiếc xe BMW đã về làng mang theo đủ thứ, từ việc mua sắm đồ ăn, rượu ngoại chưa kể cây cảnh quất đào, rồi tiền biếu ông bà, lì xì cho con trẻ. Nhà ông lúc nào cũng ăn uống nhậu nhẹt hát hò linh đình từ đó cho tới qua Tết.

đại-gia, đại-gia, bất-động-sản, đại-gia-nhà-đất, vỡ-nợ, kinh-doanh, tết-bất-động-sản, buôn-đất
Bỏ cả lễ nghĩa vì không có tiền về quê

Kinh tế khó khăn, ông Trung bắt đầu cắt giảm những khoản lễ nghi, từ việc ít về giỗ, đám cưới họ hàng nay thì Tết cũng không. “Tết quê về lắm thủ tục, mỗi lần tốn cả vài chục triệu ấy chứ, giờ không phải là lúc tiêu hoang. Năm nay lại cáo lỗi ông bà ở quê vì không về được”, ông Trung tâm sự.

Theo chia sẻ của ông Trung, so với nhiều bạn bè làm ăn cùng thời, ông cũng còn may bởi vẫn còn có nhà, tiền thì đang còn ở đất. Không ít đối tác của ông giờ còn đang ở nhà thuê, đi xe mượn.

Cũng như ông Trung, vợ chồng chị Thảo kết hôn mấy năm nay cũng chưa một lần về quê ăn Tết. Quê Nam Định, chị vào TP HCM học rồi lấy chồng. Tới nay, chỉ có bố mẹ chị biết mặt con rể và hiểu được gia cảnh. Người làng vẫn đồn nhau, chị lấy được chồng giàu, mải làm ăn không có thời gian về ngoại.

Thị trường BĐS gặp khó khăn, vẫn mác giám đốc nhưng chồng chị nợ nần đủ kiểu, mấy mảnh đất bán rẻ cũng không ai mua. Chính vì thế, bảo về quê ra mắt họ hàng nhà ngoại quả là một điều khó khăn, tốn kém. Chị Thảo tính sơ sơ:  “Tiền vé máy bay cho ba người, rồi tiền quà cáp, chi tiêu cũng phải chục triệu, thôi đành không lễ nghĩa gì”.

Năm  ngoái, gia đình chị kiếm cớ trời lạnh con nhỏ không về được ăn Tết bắc, vợ chồng chị cũng chỉ gửi cho ông bà ngoại một triệu sắm Tết. Tết này cũng đang tìm cách trì hoãn để về quê ngoại.

Làm ăn khó khăn, chính vì thế mà Tết vui bỗng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Đâu đó, có đại gia lấy lý do bận đi công tác, con nhỏ,… đó là những cách để trốn quê, trốn nợ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại