Đối với nhiều người lúc này chỉ cần giá rẻ và "coi được là được", chất lượng, mẫu mã, xuất xứ trở thành yếu tố lựa chọn cuối cùng, hoặc biết mà cũng cho qua.
Những ngày giáp Tết này, dạo khắp các con đường từ Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám đến những khu chợ dân sinh như Hạnh Thông Tây, Phạm Văn Hai… ở TP.HCM đâu đâu cũng ngập tràn những gian hàng, cửa hàng bán quần áo, giày dép, túi xách... với giá rất rẻ.
Thậm chí, nhiều người còn tận dụng cả các chốt đèn giao thông, nơi người đi đường có thời gian dừng lại ít phút quan sát, để bày bán hàng.
Và hầu như tất cả đều treo bảng "sale off", nếu không thì không thể hút khách.
Anh M.N, chủ một của hàng tại chợ Phạm Văn Hai cho biết: “Gần Tết phải biết tâm lý và túi tiền của khách hàng mình. Cứ có sale off thì chắc chắn khách sẽ ghé xem. Xem rồi thì mình phải biết cách bung hàng cho họ thấy họ thích và họ sẽ mua. Những "chiêu" để giảm giá như 39.000 đồng, 49.000 đồng là không thể thiếu trong buôn bán”.
Tại chợ Hạnh Thông Tây, nhiều “loa di động” cũng thường xuyên rao những câu như “tất cả đồng giá mười ngàn (10.000 đồng)”, “hàng Mỹ xách tay, nhanh tay là hết, 80.000 đồng, 80.000 đồng”.
Chính cách này đã hút được lượng khách vào xem không hề ít. Tuy nhiên, khi vào xem rồi thì những mẫu hàng có giá đã rao thường được xếp một góc, hoặc chia nhóm. Sản phẩm khách ưng mắt thương không có giá rẻ bèo như đã rao. Nhưng giờ khách đã thích rồi thì giá có cao cũng mua.
Năm bắt tâm lý của người dân, nhất là đối tượng công nhân, học sinh sinh viên vào cận tết đều có nhu cầu mua sắm, các sản phẩm càng rẻ bao nhiêu thì càng đắt khách bấy nhiêu. Được mấy khách hàng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nhà sản xuất. Nếu để ý, các sản phẩm giá rẻ hầu như không có xuất xứ, còn nếu có thì để rõ là hàng Trung Quốc.
Chị L.T, chủ shop quần áo tại chợ Hạnh Thông Tây bảo: "Bán giá rẻ có khi lời gấp 2 gấp 3 lần đó em. Bán hàng hiệu, hàng có xuất xứ thì lời được bao nhiêu. Mua sỉ mà bán lẻ thì không lo lỗ đâu, cái áo chị bán 65.000 nhưng thực chất giá mua vào có 20.000 đồng thôi!”.
Lê Thảo, sinh viên năm 3 Trường Đại học Công nghiệp cho biết cũng thường hay ghé chợ Hạnh Thông Tây để mua đồ. “Giá cả ở đây rất rẻ, hợp túi tiền sinh viên mà hàng lại luôn mới. Dù chất lượng thì dĩ nhiên không thể nào sánh được với những mặt hàng trong các shop, cửa hiệu. Như đôi giày em mua ở chợ chỉ có giá 50.000 đồng thì chỉ đi được thời gian ngắn, được cái mẫu mã mới, đẹp. Tụi em chấp nhận!”.
Nhiều khách hàng đi mua đồ giá rẻ cũng đều đã biết được chất lượng mà sản phẩm mình mua, nhưng do kinh tế khó khăn nên lựa chọn mua được nhiều món đồ giá rẻ vẫn hơn là chỉ mua được một món duy nhất trong các cửa hàng.
Tại chợ Hạnh Thông Tây, các sản phẩm đa số có giá thấp. Giày dép chỉ có giá 50.000-60.000 đồng/đôi. Quần áo có đủ kiểu đủ giá nhưng trung bình thì chỉ từ 35.000-150.000 đồng/món.
Trong các cửa hàng đều phân loại nhiều mặt hàng theo nhiều giá tiền. Hàng Trung Quốc luôn có giá rẻ nhất có khi một chiếc quàn jean chỉ có giá 65.000 đồng, hàng Thái Lan thì ở mức giá trung bình từ 90.000-150.000 đồng, hàng Việt Nam xuất hiện rất hiếm ở các khu chợ này.
Tại một của hàng bán giày chợ Hạnh Thông Tây, nhãn hiệu “made in Vietnam” được sử dụng một cách vô cùng thoải mái. Nhưng với giá 50.000 đồng một đôi giầy liệu có hãng sản xuất giầy Việt Nam nào làm nổi?