Đại gia đổ bạc tỷ vào nông nghiệp: Người tới, kẻ lui

Kiều Linh |

Giữa làn sóng các tập đoàn lớn ồ ạt đầu tư, rót vốn "khủng" vào nông nghiệp thì một số doanh nghiệp lại lặng lẽ “rút lui”.

Hàng loạt doanh nghiệp thoái vốn khỏi nông nghiệp

Mấy năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam "chuyển mình", lấn sân sang làm nông nghiệp, rót vốn "khủng" vào mía đường, cà phê, cao su, cây "tỉ đô" mắc ca...

Nếu như, Tập đoàn Vingroup gia nhập lĩnh vực trồng trọt, cung cấp rau sạch với thương hiệu VinEco thì Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại "mải mê" với trồng cao su, mía, cọ dầu, ngô và nuôi bò.

Ông chủ của Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long mới đây cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi lợn là lĩnh vực tập đoàn này dự định rót vốn.

Trong khi cuộc chạy đua của các ông lớn vừa mới rục rịch bắt đầu thì một số doanh nghiệp khác lại có xu hướng "rút lui".

Gần đây nhất, sự thoái vốn của Công ty Cổ phần Gemadept trong nông nghiệp khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Còn nhớ, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept từng “hùng hồn” tuyên bố với báo giới rằng, trồng cao su là cách để giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2013, Gemadept được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000ha và công ty cũng đã trồng được gần 8.000ha cao su. Ngoài ra, Gemadept cũng đã khai hoang được khoảng 10.000ha.

Cho đến đầu năm 2015, HĐQT Gemadept đã họp và ra quyết định đầu tư dự án trồng cao su tại Campuchia với tổng diện tích dự án: 9.773 ha. Vốn đầu tư vào dự án này là 27 triệu USD. (*)

Tuy nhiên, trong ngày đại hội cổ đông vừa rồi, Gemadept lại quyết tâm rút lui khỏi lĩnh vực này.

Nguyên nhân được cho là đầu tư vào nông nghiệp không đạt được hiệu quả bằng việc chuyên tâm vào các ngành cốt lõi như cảng biển và logistics.

Một lãnh đạo tại Gemadept đề nghị được giấu tên thừa nhận, công ty này thoái vốn trong nông nghiệp là do lĩnh vực này có tiềm năng, bền vững nhưng đòi hỏi mức độ đầu tư lâu dài và phải trường vốn.

Đặc biệt, đối với những đơn vị không coi nông nghiệp là ngành chủ lực như Gemadept, đầu tư vào nông nghiệp đôi khi không đạt hiệu quả bằng việc chuyên tâm vào các ngành cốt lõi.

Hình minh họa

Cách đây chưa đầy một năm, CTCP Liên doanh đầu tư Quốc tế KLF ký hợp đồng tác chiến với CTCP Nông dược H.A.I, qua đó, KLF chính thức tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thế nhưng, KLF cũng vừa hoàn tất bán toàn bộ 8,526 triệu cổ phiếu H.A.I, thoái hết 24,5% cổ phần tại công ty này.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng thoái 49,96% cổ phần tại H.A.I.

SCIC đồng thời cũng đã rút lui khỏi khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như: Giống cây trồng Trung ương (NSC), Bao bì và in nông nghiệp (INN), Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC)…

Đầu tư không có lãi, doanh nghiệp rút vốn là đương nhiên

Nhận xét về tình hình trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng xu hướng doanh nghiệp thoái vốn khỏi nông nghiệp do tình trạng nông sản thời gian vừa qua ùn ứ, thiếu kênh tiêu thụ.

Đặc biệt, thị trường cao su đang gặp nhiều khó khăn, giá cao su chạm đáy thấp nhất trong 5 năm trở lại đây khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư vào cao su lo ngại.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro khó lường như rủi ro mùa vụ, dịch bệnh, biến đổi thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết cũng như rủi ro từ môi trường, các vấn đề an sinh-xã hội...

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định, "khi doanh nghiệp mở rộng sản xuất, họ kỳ vọng vào mấy vấn đề là mở rộng thị phần và tỷ suất lợi nhuận trên vốn sau 3-5 năm cao hơn mức chi phí về vốn.

Tuy nhiên, khi doanh nghiệp thấy động cơ đầu tư mở rộng sản xuất không có lợi gì lại chịu nhiều áp lực và rủi ro về thể chế, họ rút vốn là điều đương nhiên".

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích xu hướng doanh nghiệp thoái vốn từ nông nghiệp

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Ông Bùi Trinh cho hay nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp trước đây có mức lan tỏa đến nền kinh tế, nhưng từ khi hội nhập thì mức độ của nó đã có phần suy giảm.

“Chẳng hạn như việc ai cũng nói cần hỗ trợ nông dân nhưng các chính sách cần thiết cho đầu vào của nông nghiệp như giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... đều giảm.

Đầu vào của những ngành này lại cơ bản nhập khẩu dẫn đến giá thành không thể hạ thậm chí còn tăng lên.

Trong khi đó các doanh nghiệp FDI cơ bản sản xuất gia công xuất khẩu thì được hưởng mức thuế suất bằng 0 (tức là vẫn được khấu trừ VAT đầu vào). Như vậy những người làm nông nghiệp đâu được hưởng ưu đãi gì”, vị chuyên gia này phân tích.

Bàn về hướng đi cho các tập đoàn lớn, nhà Nông học hàng đầu Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân cho rằng, để đầu tư vào nông nghiệp đạt hiệu quả cao, các đại gia nên liên kết chặt chẽ với người nông dân để cùng phát triển.

Bởi theo GS Xuân, các đại gia đầu tư vào nông nghiệp có được sự thuận lợi nhiều mặt nên việc liên kết với nông dân để mang đến những lợi ích mà các nông dân sản xuất manh mún không làm được.

Các doanh nghiệp cũng nên ưu tiên sử dụng người địa phương cho các dự án của mình, thuê người nông dân sản xuất cũng mang lại cho họ một nguồn thu đáng kể.

"Mỗi giai đoạn mỗi khác nhau, khi khoa học phát triển, kinh tế có sự hội nhập thì đương nhiên việc canh tác nông nghiệp cũng không thể đơn thuần dùng sức người, kinh nghiệm nữa.

Phải được áp dụng cơ giới hóa và kiến thức khoa học kĩ thuật thì mới thu được lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo một vòng tròn khép kín, ổn định và cùng có lợi.

Các chính sách phải hài hòa, làm sao cho cả doanh nghiệp và cả người nông dân đều có lợi", GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế
Huy Nam
Tôi tin nông nghiệp vẫn sẽ là kênh hấp dẫn, bởi lẽ, minh chứng rõ nét nhất là vẫn khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm nông nghiệp và thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, để đầu tư nông nghiệp hiệu quả, ngoài việc học cách làm bài bản như các nước trên thế giới, doanh nghiệp cần nghiên cứu tìm đầu ra, dự báo nhu cầu thị trường để tránh gặp phải tình trạng cầu ít mà cung nhiều.

(*): Nguồn: Chứng khoán ngân hàng Đông Á

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại