Điểm danh gương mặt mới
Đại diện CTCP Alphanam (ALP), ông Nguyễn Tuấn Hải, một doanh nhân thuộc tốp giàu có nhưng đã rút khỏi TTCK từ cuối 2014 do Alphanam liên tục thua lỗ, đã bất ngờ tham gia HĐQT của Ngân hàng Quốc Dân.
Ông Nguyễn Tuấn Hải sinh năm 1965, là thạc sỹ quản trị kinh doanh quốc tế Stack Hoa Kỳ, cử nhân Anh ngữ Đại học Ngoại ngữ.
Ông là chủ tịch Alphanam và nhiều công ty ở phía Bắc, đồng thời là phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp TP. Hà Nội.
Việc ông tham gia lĩnh vực NH là thông tin khá bất ngờ với nhiều NĐT, bởi trước đó, ông Hải đã tỏ ra rất chán nản với cổ phần cổ phiếu, không muốn để ALP niêm yết trên Sàn Chứng khoán TP.HCM.
Áp lực về công bố thông tin, về đòi hỏi của các cổ đông và sự sụt giảm giá cổ phiếu đã khiến ông rút về “ở ẩn”, về mô hình gia đình trị.
Tuy nhiên, dõi theo chiến lược phát triển của ALP đã được công bố thì bước đi của ông Hải có lẽ không có gì mâu thuẫn.
Vài năm gần đây, Alphanam khá kiên định với con đường mua bán thâu tóm (M&A). Thâm nhập vào Ngân hàng Quốc Dân có lẽ cũng là một cách đầu tư.
Ngân hàng Quốc Dân có thể sẽ sớm phải niêm yết cổ phiếu, nhưng, với sự đa dạng về cơ cấu cổ đông, áp lực đè lên vai ông Hải có thể không nhiều.
Trong khi đó, kỳ vọng về lợi ích mang lại cũng không nhỏ. Đó là sự phục hồi của cổ phiếu NH, của ngành NH, cũng như những lợi ích mà lĩnh vực NH có thể mang lại cho một doanh nhân.
Cũng tại NVB, một chuyên gia - doanh nhân khác là ông Lê Xuân Nghĩa đã được bầu cử làm thành viên HĐQT độc lập tham gia tư vấn hoạt động quản trị, xây dựng chiến lược cho NH.
Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ này gần đây dấn thân mạnh mẽ vào lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, ông Vũ Hồng Nam, nguyên là phó chủ tịch Gami Group, cũng là chủ tịch của ngân hàng này.
Như vậy, sự rút lui của đại gia Đặng Thành Tâm tại Navibank và Western Bank đã tạo điều kiện để một số cổ đông mới xuất hiện, trong đó nổi bật là 2 nhóm đến từ Tập đoàn Gami và Alphanam.
Trước đó, hồi cuối năm 2013, ba cá nhân bí ẩn thông qua đấu giá trên HNX đã mua lại 24 triệu cổ phần Techcombank do Vietnam Airlines thoái vốn ngoài ngành.
Danh tính các cổ đông này không được nhà băng công khai bởi số tiền chuyển nhượng khá lớn nhưng tỷ lệ lại chưa đến mức phải công bố. Hơn thế, số cổ phiếu lại chia ra cho nhiều cá nhân.
Miếng bánh vẫn rất hấp dẫn
2014 là năm đầu tiên HDBank hoạt động trên nền tảng vừa sáp nhập thành công DaiABank vào ngân hàng này và mua lại 100% vốn Công ty Tài chính Việt (SGVF).
Bộ máy tổ chức đã được ổn định. HDBank đã đạt kết quả kinh doanh khả quan và nằm trong số ít các NH có thể chia cổ tức, nợ xấu ở mức thấp.
Cú sáp nhập thành công cũng đánh dấu sự thâm nhập mạnh mẽ và vươn lên tốp đầu của vợ chồng đại gia Nguyễn Thanh Hùng - Nguyễn Thị Phương Thảo vào lĩnh vực NH.
DaiABank đã về với HDBank và tạo thành một TCTD có quy mô lớn trên thị trường, đứng thứ 5/14 trong số các NHTMCP có hội sở tại TP.HCM.
Không trực tiếp xuất hiện tại HDBank nhưng ông Hùng có vị thế rất lớn tại HDBank. Vợ ông Hùng là bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT.
Ông Lưu Đức Khánh, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cũng là thành viên Sovico Holdings - một tập đoàn nghìn tỷ của vợ chồng ông Hùng bà Thảo.
Sovico khởi nghiệp từ Nga và hiện gắn với nhiều cái tên như HDBank, Chứng khoán Phú Gia, VietJet Air,...
Tại ĐHCĐ, bà Phương Thảo cho biết, HDBank có nhiều cơ hội phát triển. Nhiều đối tác lớn nước ngoài đã thấy được điều này và đặt vấn đề trở thành đối tác chiến lược.
Câu chuyện tấn công vào TienPhongBank, giờ là TPBank, của anh em doanh nhân Đỗ Minh Phú - Đỗ Anh Tú cũng là một cuộc dấn thân vào làm chủ trong lĩnh vực NH.
Vị chủ tịch đi lên từ lĩnh vực vàng bạc đá quý lớn này đã dành rất nhiều thời gian cho NH. Với tiềm lực mạnh của Doji, TPBank đã tăng vốn mạnh và mở rộng quy mô. NH này đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng tới gần 78% cho năm 2015.
Đây được xem như một bước nhảy vọt trong cuộc đua vào tốp các NH lớn còn tồn tại trên thị trường của các đại gia mới thâm nhập vào lĩnh vực này.
Cuộc hôn nhân sắp đến hồi kết giữa SouthernBank và Sacombank là những bước đi quan trọng của đại gia Trầm Bê trong công cuộc thâm nhập không biết mệt mỏi vào lĩnh vực NH trong vài năm qua của đại gia đi lên từ nông lâm sản và dịch vụ này.
Trong năm 2012-2013, hầu hết các NHTM đã rơi vào tình trạng khó khăn vô cùng. Lợi nhuận suy giảm, nợ xấu tăng vọt, nhân sự bị đảo lộn,... đã khiến nhiều NĐT mất niềm tin vào cổ phiếu của ngành này.
Tuy nhiên, không ít các đại gia vốn đã thành công ở nhiều lĩnh vực khác vẫn đang âm thầm dồn tiền của và sức lực vào lĩnh vực NH.
Cuộc đua đến tốp khoảng 10 NH còn lại trên thị trường vào năm 2017-2018 đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết khi một số đại gia mới tiếp tục tham gia - mà đa số đều là những doanh nhân có tiềm lực mạnh.