Dồn dập thay người
Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) hôm 2/12 vừa quyết định miễn nhiệm chức danh thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Phạm Văn Trung. Trước đó đó, ông Trung cũng đã bị miễn nhiệm chức Tổng giám đốc NKG vào ngày 14/10.
NKG cũng đã bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Hùng (nguyên Phó tổng giám đốc, kiêm thành viên HĐQT) làm Tổng giám đốc kể từ ngày 2/12 sau một thời gian khá dài DN trong tình trạng không có người điều hành trực tiếp. NKG cũng đã có khá nhiều các quyết định thay đổi nhân sự cao cấp khác ở các vị trí kế toán trưởng và thành viên ban kiểm soát.
Trước đó, trong cả năm 2013, NKG cũng lên tục gây chú ý trên thị trường với những thay đổi liên tiếp trong dàn lãnh đạo cấp cao. Hiện tượng xáo trộn nhân sự dồn dập tại NKG diễn ra trong bối cảnh DN có tiếng tăm trong ngành thép này hoạt động khá kém hiệu quả trong vòng hơn 2 năm gần đây với nhiều quý lỗ đậm hoặc lãi rất thấp, trái ngược với với tình hình hoạt động khá tốt của một trong các đối thủ là Tôn Hoa Sen (HSG).
Trong quý III/2013, Thép Nam Kim lãi ròng chưa đến 2 tỷ đồng (so với vốn 300 tỷ đồng và doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng).
Cuối tháng 11 vừa qua, công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội-Hanic (SHN) cũng cho biết, 2 thành viên HĐQT là ông Dương Mạnh Hải và ông Nguyễn Thanh Sơn xin từ nhiệm vì lý do sức khỏe. Ông Đinh Hồng Long thay thế ông Hải làm chủ tịch HĐQT.
Hanic thay chủ tịch trong bối cảnh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013 của DN này vẫn rất bê bết, với lỗ lũy kế gần 63 tỷ đồng (so với kế hoạch lãi 100 triệu cho cả năm 2013). Tính tới cuối tháng 9/2013, lỗ sau thuế của DN này lên tới 320 tỷ đồng, suýt soát bằng vốn điều lệ 324 tỷ đồng của DN.
Trước đó vài tháng, thị trường cũng đã chứng kiến hàng loạt các vụ “thay đổi” lãnh đạo ở nhiều DN như vụ “ra đi” ồn ào của Trương Đình Anh - cựu Tổng giám đốc FPT; chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sacombank ông Kiều Hữu Dũng từ nhiệm (từ 19/8) sau hơn một năm tại vị; 2 sếp lớn HAGL từ nhiệm theo kế hoạch của “bầu” Đức; ông Trần Xuân Nam rời "ghế nóng" Chứng khoán Phương Đông; Địa ốc Dầu khí thay đổi chủ tịch; Cienco8 có CEO mới; bà Đặng Thị Hoàng Phượng từ nhiệm thành viên HĐQT Đô Thị Kinh Bắc (KBC)
Trong khối ngân hàng, rất nhiều đơn vị cũng đã có những thay đổi nhân sự cấp cao trong vài tháng qua như: Eximbank (bổ nhiệm CEO mới), VIB (bổ nhiệm chủ tịch mới, CEO mới), SHB (giáng chức cựu CEO Habubank sau sáp nhập), Techcombank (chia tay CEO ngoại Simon Morris), DaiABank (bầu mới chủ tịch), TrustBank - nay là Ngân hàng Xây dựng (thay đổi cả cơ cấu HĐQT và Ban kiểm soát)…
Thay người để đổi vận?
Có thể thấy, làn sóng thay đổi nhân sự trong cộng đồng các DN Việt Nam tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ trong năm 2013. Hiện tượng này diễn ra song hành cùng với quá trình tái cấu trúc DN.
Nói về vấn đề tái cấu trúc, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng, điều quan trọng nhất không hẳn là tiền, không phải đổ tiền vào là giải cứu DN, vực được DN dậy, mà là yếu tố con người. Xoay vốn cho DN có thể dựa vào các NĐT tài chính. Mấu chốt giúp DN hồi phục thực sự chính là người lèo lái DN.
Lịch sử hoạt động của nhiều DN lớn trên thế giới đã chứng minh điều này. Apple và Samsung phát triển vượt bậc là nhờ CEO xuất sắc; GM hồi phục cũng nhờ CEO giỏi; Yahoo tụt lùi thì phương án thay CEO cũng được ưu tiên hàng đầu. Trong nước, sự thành công của Bianfishco, ACB… là những ví dụ như vậy.
Làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp, đặc biệt là hàng loạt các vụ thay đổi nhân sự giữa nhiệm kỳ nói trên cho thấy các DN đang nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, không phải cứ thay lãnh đạo là DN sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều trường hợp thay đổi nhân sự liên tục nhưng DN vẫn làm ăn bi bét.
Với SBS, trước khi ông Kiều Hữu Dũng ra đi, hồi tháng 3/2013, CTCK này cũng đã thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo công ty sau 9 tháng “ngồi ghế nóng”. Vụ thay đổi toàn bộ bộ máy lãnh đạo vào tháng 6/2012, khi 4 thành viên HĐQT được bầu mới, dường như đã không mang lại hiệu quả cho DN này.
SHN, DN đã có những thay đổi về nhân sự cao cấp nhất và giới đầu tư chứng khoán đang rất kỳ vọng vào lần thay đổi này (cổ phiếu đang tăng trần mạnh). Tuy nhiên, khó khăn của DN này vẫn còn rất lớn.
Với Nhà Khang Điền (KDH), kỳ vọng vào thay đổi lớn của DN này sau khi ông Andy Ho - giám đốc điều hành VinaCapital lên giữ chức chủ tịch HĐQT cũng đã phai mờ khi DN này liên tiếp công bố 2 quý lỗ nặng vừa qua.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) cũng đang vật lộn trong khó khăn, thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho dù từ đầu năm tới nay “đế chế” này đã thay đổi đủ các vị trí cao cấp nhất, từ chủ tịch HĐQT cho đến TGĐ, phó TGĐ, kế toán trưởng rồi cả người công bố thông tin.
Có thể thấy, quá trình tái cơ cấu các DN đang là những chiếc "cối xay người". Các DN liên tục thay đổi nhân sự cao cấp để tìm lối thoát. Tuy nhiên, thành công lại tìm đến với rất ít DN. Có thể do các DN lún quá sâu vào bùn lầy, nền kinh tế chung còn khó khăn hoặc còn DN chưa tìm được những người phù hợp.