Cơ hội để Việt Nam trở thành “phân xưởng sản xuất” ôtô

Hải Vân |

TPP đạt được thỏa thuận, kéo theo sự dịch chuyển về sản xuất, cơ hội để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô - ngành trước đây không có năng lực cạnh tranh bởi một Trung Quốc quá mạnh và một Thái Lan đi trước.

Chính phủ đang xem xét để điều chỉnh một loạt các chính sách để phù hợp với điều kiện TPP đặt ra và lộ trình thực thi cam kết các FTA đã ký.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/10, Chính phủ đã đề nghị giảm mạnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô có dung tích xilanh dưới 2.000cm3 từ 45% xuống 20%–30%. 

Do những nội dung quy định tại dự thảo luật đều là những giải pháp cấp bách, Chính phủ đề nghị hiệu lực thi hành dự luật kể từ ngày 1/1/2016 - trừ một số điều khoản có quy định hiệu lực cụ thể.

Dự luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ mười tới và sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Điều này như một chỉ dấu về cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, thời điểm buộc phải cạnh tranh sẽ đến sớm hơn, thành công hay phá sản phụ thuộc vào năng lực của chính các doanh nghiệp (DN) ôtô của Việt Nam.

Việt Nam đứng trước cơ hội có thể phát triển ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô. Ảnh Việt Hòa
Việt Nam đứng trước cơ hội có thể phát triển ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô. Ảnh Việt Hòa

Cơ hội, thách thức cùng đến

Từ những thỏa thuận đã đạt được, TPP sẽ chuyển hướng thương mại, các quốc gia thành viên phải tổ chức sản xuất trong nội khối để buôn bán với nhau.

TPP yêu cầu, ít nhất 40% sản phẩm phải được sản xuất trong nội khối, điều này sẽ làm dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan sang các nước thành viên.

TS Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - chia sẻ với Báo Khoa học & Phát triển về cơ hội Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô cho thị trường TPP - đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản, trong bối cảnh Thái Lan, Hàn Quốc đứng ngoài cuộc.

Việt Nam muốn vươn lên chuỗi sản xuất cao hơn, đó là tham vọng rất lớn của một quốc gia có mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 thành viên TPP.

Tham gia nhiều chương trình nghiên cứu phát triển kinh tế, TS Tú Anh chỉ thấy “duy nhất một con đường” DN Việt có thể tiếp cận, vươn lên chuỗi giá trị sản xuất cao hơn, cạnh tranh được với thế giới.

Trong 12 nước thành viên TPP hiện nay, chỉ Việt Nam có lợi thế về lao động và có sự tương đồng như Trung Quốc để trở thành “phân xưởng sản xuất” cho thị trường 800 triệu dân này.

Theo TS Tú Anh, DN Việt phải lợi dụng điều này, ngay khi thị trường đang rộng mở để phát triển quy mô lớn.

Việt Nam đang trong bối cảnh tương tự Thái Lan ở thời điểm kêu gọi đầu tư từ bên ngoài để phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành ôtô. Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể phát triển được ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ôtô.

Tuy nhiên, việc trở thành “phân xưởng sản xuất” của TPP đối với một nền kinh tế có tới hơn 90% là DN nhỏ và vừa như nước ta có những điểm không thuận lợi.

Một sự thật đáng lo ngại là ngành ôtô đang thiếu vắng của các DN đủ mạnh, có khả năng tiên phong, có khả năng đối trọng với DN nước ngoài.

Phát triển công nghiệp ôtô, quan trọng nhất là nhân lực chế tạo máy mà điều này - theo kinh nghiệm các nước đi trước, được hình thành từ ba yếu tố:

Thứ nhất, nghiên cứu phát triển. Điểm này, nước ta không mạnh. Các nghiên cứu lâu nay vẫn thuần về mặt khoa học và kỹ thuật, không gắn với sản xuất, kinh doanh của DN, không do DN đặt hàng hoặc ngược lại.

Thứ hai, làm thương hiệu. Nước ta đến nay vẫn chưa có sản phẩm công nghiệp chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia.

Thứ ba, nguồn nhân lực có đào tạo. Việt Nam có khoảng 20.000 tiến sĩ và trình độ sau đại học nhưng đến nay vẫn chưa có các tổng công trình sư.

Ông Jesus Metelo Arias - nguyên Tổng Giám đốc Ford Việt Nam - đã chia sẻ, một chiếc ôtô cần tới hàng ngàn linh kiện, không nhà sản xuất ôtô nào tự sản xuất được toàn bộ linh kiện.

Hiện nay, các hãng ôtô đều có nguồn cung ứng từ bên ngoài. Điều kiện để phát triển nhà cung ứng linh kiện là quy mô thị trường và chính sách hợp lý thu hút được nhà đầu tư vào thị trường.

Nguy cơ kẹt vào tầng thấp nhất

Trong TPP, chưa thể khẳng định thị trường phụ tùng ôtô lớn cỡ nào, nhưng nhu cầu về sản phẩm phụ tùng ôtô của các nước Mỹ, Nhật Bản, Canada là có thật.

Các nước này đều có công nghệ, thiết bị hiện đại, trình độ quản lý cao hơn hẳn DN của Việt Nam.

Một điều chắc chắn là các tập đoàn tư bản này sẽ không bỏ tiền đầu tư cho DN Việt sản xuất; thay vào đó, họ mong muốn Việt Nam có một chính sách ổn định và có thể dự báo được.

Kế đến là xây dựng các nhà cung ứng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

TS Nguyễn Tú Anh đồng ý rằng nền kinh tế VN đang cần những tập đoàn tư nhân mạnh, có khả năng phát triển những lĩnh vực chủ chốt, nhưng ông cũng lưu ý “hai vấn đề” liên quan đến sức ép từ các nước trong TPP, buộc Việt Nam phải sớm thay đổi, hoàn thiện thể chế kinh tế, trong đó Nhà nước phải đồng hành với DN mới có thể giúp DN Việt cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài.

Hiện nay, DN Việt chủ yếu là vừa và nhỏ, không thể cạnh tranh được với các DN toàn cầu đến từ Nhật, Mỹ, Canada..., nên phải tham gia chuỗi giá trị của họ.

Nhưng để tham gia được chuỗi giá trị của các tập đoàn này, DN Việt cần công nghệ, phải đạt được trình độ nhất định, phải có vốn lớn và có thị trường.

TPP siết rất chặt quy định về quyền sở hữu trí tuệ, thị trường trở nên độc quyền hơn, nên giá tiếp cận sản phẩm sở hữu trí tuệ sẽ rất cao.

Một khi giá cao hơn, khả năng DN Việt nắm được những sản phẩm này là rất ít. Một điểm nữa, việc tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ để tạo ra một sản phẩm bắt chước sẽ bị ngăn chặn trong TPP.

Tham gia TPP, DN Việt Nam có nguy cơ “kẹt vào tầng thấp nhất” trong chuỗi giá trị sản xuất, bởi TPP được thiết kế ra là để bảo vệ DN và đặc biệt là các DN nước ngoài.

DN nước ngoài có lợi thế hơn so với DN trong nước, đây là “hiện tượng lưỡng phân” trong thực thi chính sách. Các DN nước ngoài vào VN có sự hậu thuẫn từ phía sau của chính phủ nước họ, có những quan hệ ngoại giao, có những sức ép về chính trị.

Do đó, các cơ quan công quyền của nước ta đều tuân thủ rất nghiêm các chính sách đối với DN nước ngoài bởi lo ngại chính phủ các nước gây sức ép.

Tuy nhiên, đó chỉ là cam kết trên giấy tờ, với các quy định chung cho cả DN nước ngoài và trong nước. Trên thực tế, các DN Việt Nam lại không chịu sức ép bên ngoài nên việc thực thi rất khác nhau.

Điều này, vô hình trung khiến các DN nước ta có thể phải gánh thêm các chi phí không chính thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại