Cô gái người Mông chỉ học hết lớp 3 trở thành giám đốc doanh nghiệp

Sinh ra và lớn lên giữa rừng già Tây Bắc, cô gái người Mông Tần Thị Su ở Sa Pa (Lào Cai) chỉ học hết lớp 3 đã phải phiêu bạt đi nhiều nơi kiếm sống.

Bà giám đốc từng ăn cơm thừa, ngủ gầm cầu thang

Tần Thị Su sinh năm 1986 trong một gia đình đông con. Vì nhà nghèo, nên  Su chỉ được học hết lớp 3 rồi phải theo mẹ xuống thị trấn bán hàng cho khách du lịch. Hằng tuần, Su vẫn lặn lội đi mấy ngày đường xuống chợ để bán đủ các mặt hàng do chính gia đình mình làm ra như vòng đeo tay, mũ, áo...

Trong ký ức của cô giám đốc người Mông, đó thực sự là một quá khứ nhọc nhằn đầy tủi nhục. Số tiền kiếm được từ việc bán hàng chả đáng là bao (chỉ từ 10 - 20 nghìn đồng/ngày, thậm chí có ngày không bán được đồng nào) nên việc sinh hoạt rất kham khổ. Ban đêm Su chỉ dám thuê gầm cầu thang để ở. Thức ăn cũng chỉ dám gọi cơm với rau, thậm chí những lúc hết tiền, cô còn phải ăn lại thức ăn thừa do khách bỏ lại. Bán hàng được một thời gian, Su tham gia vào công việc hướng dẫn viên du lịch.

Cô gái Mông chỉ học hết lớp 3 trở thành giám đốc doanh nghiệp
Chân dung Tần Thị Su.

Khi nhắc lại quãng đời vất vả này, tôi bỗng thấy hai mắt cô đỏ ngàu, nước mắt chỉ chực trào ra. Su tâm sự, công việc hướng dẫn viên tuy nhẹ nhàng hơn, nhưng do cô không được học hành nên chỉ được trả lương rất ít, chỉ bằng khoảng 1/5 so với những người được đào tạo. Hơn nữa, Su là người dân tộc thiểu số sống khá sâu trong rừng, nên thường xuyên bị coi khinh, thậm chí là lăng mạ với những lời lẽ rất khó nghe.

Cô nhớ lại, có lần lên xe cùng đoàn khách du lịch, cô bị lái xe mắng rất thậm tệ: “Cái con dân tộc này, chúng mày hôi lắm. Ngồi xuống dưới cùng mau, ngồi cẩn thận không bẩn hết xe ông”. Những lời lẽ cay độc ấy hệt như vết dao sắc lẹm cứa vào lòng cô gái mới lớn. Chính trong những ngày gian khổ ấy đã thôi thúc cô làm một việc gì đó cho chính mình và cho cộng đồng của mình.

Tần Thị Su rất xúc động khi trao đổi với phóng viên.

Thành giám đốc từ hai bàn tay trắng

Mặc dù không được học hành nhiều, nhưng với tính cách mạnh mẽ và sức sáng tạo tuổi trẻ, Su đã nhiều lần muốn lập một doanh nghiệp du lịch do mình làm chủ. Nhưng ngặt một nỗi, cô chỉ có hai bàn tay trắng. Không chịu đầu hàng số phận, năm 2009, Su đã sáng lập ra Công ty Sapa O’châu (“O’châu” - tiếng Mông có nghĩa là “Cảm ơn”) chuyên kinh doanh loại hình du lịch home stay.

Đây là đơn vị tiên phong về doanh nghiệp xã hội ở Sa Pa và cũng là cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải. Loại hình du lịch của Sapa O’châu là loại hình du lịch hướng tới cộng đồng. Các du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’châu sẽ phải đến giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương.

Với mô hình đó, Su đã tập hợp những người thân trong gia đình và bạn bè cùng hoạt động. Tuy nhiên, trong thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, đặc biệt ngành kinh doanh du lịch đang phát triển rất sôi động tại Sa Pa như hiện nay, tấm lòng và kinh nghiệm trong nghề là chưa đủ giúp cô gái trẻ chèo lái hoạt động kinh doanh của công ty. Nhiều lúc Sapa O’châu tưởng chừng rơi vào bế tắc do người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh và không có tiền để duy trì hoạt động...

Ở hiền thì gặp lành

Trong những lúc tưởng chừng như tuyệt vọng đó, một lần tình cờ tìm hiểu trên mạng Internet (2011), Su đã may mắn tìm thấy và kết nối với Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp xã hội” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Ailen và hỗ trợ kỹ thuật chính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Su đã đề xuất dự án của mình và đã được dự án ủng hộ hỗ trợ nhiệt tình.

Thông qua 9 khóa học về nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh của dự án, Su đã có cơ hội vừa học hỏi vừa áp dụng trực tiếp các kiến thức hữu ích vào mô hình doanh nghiệp của mình. Sự quyết tâm, đam mê tìm tòi của người lãnh đạo đã giúp Sapa O’châu tiếp tục vinh dự được lựa chọn là 1 trong 4 doanh nghiệp nhận gói hỗ trợ chuyên sâu của dự án.

 

Một lớp học miễn phí của Sapa O’châu. Gói hỗ trợ đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu và đưa ra những điểm cần phát huy của Sapa O’châu một cách toàn diện trên các mảng quản lý nguồn nhân lực, năng lực tổ chức, nâng cao nghiệp vụ du lịch và công tác đào tạo.

Từ chỗ làm việc dựa theo cảm tính, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm chuyên môn, không có bản mô tả công việc cụ thể dẫn đến tình trạng thừa người thiếu việc; gói hỗ trợ đã giúp Sapa O’châu nhận ra sự quan trọng của việc tinh giản bộ máy nhân sự cồng kềnh, nhân viên có phân công công việc rõ ràng, làm việc có trách nhiệm và bài bản hơn. Su cho biết: “Cách tư vấn “cầm tay chỉ việc” của các chuyên gia đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc hoạch định chiến lược phát triển tương lai để hoạt động được chuyên nghiệp, bài bản hơn”.

Bản thân doanh nghiệp xã hội có đặc thù riêng so với các đơn vị kinh doanh thông thường bởi mục tiêu cuối cùng của Sapa O’châu không phải là lợi nhuận, mà hướng tới mục đích cao cả hơn là tạo một môi trường giáo dục lành mạnh, ở đó các em dân tộc khó khăn có cơ hội được học  tập và phát triển. Các lớp học được mở ra xuất phát từ cái tâm của người lãnh đạo, tuy nhiên ban đầu thiếu sự đầu tư về công tác giảng dạy và quản lý giáo dục.

Đội ngũ giáo viên của công ty chủ yếu là những du khách nước ngoài đến Sa Pa kết hợp làm tình nguyện nên thời gian làm việc ngắn hạn và không ổn định. Nhìn nhận thấy những mặt còn hạn chế đó, Su đã biết xây dựng bộ công cụ quản lý nguồn tình nguyện viên giảng dạy. Đồng thời, các bộ tiêu chí tuyển sinh đầu vào và bộ tiêu chí đầu ra, quy trình tuyển sinh, mục tiêu đào tạo học sinh trong chương trình đào tạo, công cụ quản lý và đánh giá sự tiến bộ của học sinh được chú trọng hoàn thiện, giúp đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng và duy trì chất lượng lớp học.

Đó là những bài học quý báu tạo bước ngoặt đối với hoạt động của doanh nghiệp. Những chiến lược mới và rõ ràng trong kế hoạch kinh doanh, sự cải tiến trong công tác quản lý và tái cấu trúc tổ chức, nâng cao chất lượng đào tạo của Sapa O’châu đã thuyết phục Chương trình Smile Together của Hàn Quốc đầu tư trong giai đoạn 3 năm (2013-2015) mỗi năm khoảng hơn 36.000USD. Hơn thế nữa, Sapa O’châu đã có được mối quan hệ gắn bó để tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Sapa O’châu của Giám đốc Tần Thị Su đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện, Sapa O’châu đã thành lập được một trung tâm cung cấp lớp học cho khoảng 40 em học sinh và hỗ trợ sinh hoạt cho gần 80 em. Không dừng lại ở đó, năm 2012 Sapa O’châu  tiếp tục mở thêm dịch vụ lữ hành, kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm như một cách tạo nguồn thu bền vững doanh thu lên đến hàng tỉ đồng.

Càng nói chuyện với cô Giám đốc trẻ Tần Thị Su, tôi càng thấy khâm phục ý chí, nghị lực của cô. Cô hệt như loài cây hoang dại mọc lên từ núi rừng Tây Bắc, dù mưa dập, gió vùi thế nào cũng không quật ngã được. Không chỉ vậy, cái cây rừng ấy khi lớn lên còn tỏa bóng mát che chở cho biết bao cây con khác. Hy vọng rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp Sapa O’châu của Tần Thị Su sẽ ngày càng phát triển, đem lại sự thịnh vượng cho cộng đồng người Mông nơi đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại