Theo báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á 2013 (ADO) được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố vào sáng ngày 9/4, tăng trưởng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2012 đạt mức thấp nhất trong vòng 13 năm qua.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, năm 2012 được đánh giá là ổn định nhờ việc chính sách thắt chặt trước đó đã kiềm chế được lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.
Báo cáo của ABD cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị chậm lại dẫn đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm ngoái, song hoạt động tín dụng vẫn bị hạn chế do sự không rõ ràng về tình hình tài chính của các ngân hàng.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng: "Chính phủ cần có một cách tiếp cận có tính chiến lược và có lựa chọn đối với việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước vì không thể thực hiện tất cả cùng một lúc. Một số thành công và tiến bộ bước đầu có thể tạo động lực cho việc cải cách hơn nữa".
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 (ADO) cũng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 sẽ đạt 5,2 % và 5,6% vào năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố lĩnh vực ngân hàng và sự phục hồi của các nền kinh tế công nghiệp lớn tạo động lực trong năm 2014.
Báo cáo cũng nhận định, lạm phát trung bình năm dự kiến sẽ vào khoảng 7,5% tại thời điểm cuối năm 2013 do cầu nội địa thấp hơn dự báo.
Mức lạm phát này cũng được dự báo sẽ tăng lên 8,2 % trong năm 2014, với giả định rằng, các điều kiện thời tiết thuận lợi cho sản xuất lương thực, tỷ giá tiền đồng tương đối ổn định và các chính sách kích thích được kiểm soát.
Mặc dù, có nhiều quan ngại về tình hình kinh tế của Việt Nam được đưa ra, nhưng theo ông Dominic Mellor, chuyên gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ có quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào đang trên đà gia tăng và chi phí lao động thấp. Điều này được chứng minh bởi xu thế tăng lên của đầu tư nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua.
Tuy nhiên ông Dominic Mellor cũng cho rằng, Việt Nam cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa để có thể cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư FDI.
"Để duy trì lợi thế cạnh tranh trong khu vực Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Nếu như Việt Nam tiến hành cải cách chậm thì sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng. Cải cách cần mang tính chiến lược và có chọn lọc", 3 thông điệp được ông Dominic Mellor đưa ra với Việt Nam để duy trì đầu tư nước ngoài.
Liên quan đến gói cứu trợ nhằm giải cứu thị trường bất động sản Việt Nam, ông Dominic Mellor cho rằng, thực tế hiện nay nguồn cung bất động sản của Việt Nam hiện nay là quá mức và sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là các khu chung cư, văn phòng cao cấp.
"Chính phủ không nên cứu những doanh nghiệp bất động sản yếu kém còn ở đây gói cứu trợ của Chính phủ là dành đáp ứng vấn đề an sinh xã hội nên cần phải xác định rõ nhóm đối tượng cần phải giúp đỡ, để đạt được hiệu quả", ông Dominic Mellor nói.
Ông Mellor cũng nhấn mạnh, bong bóng bất động sản ở Việt Nam hiện nay đã nổ rồi.
"Hiện nay, chúng ta đang tiến hành các giải pháp nhằm cứu trợ thị trường bất động sản. Ở đây, Việt Nam muốn đạt được thành công thì nên học tập các bài học đã được thực hiện ở các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, do nhiều điều kiện khác nhau nên sẽ có những điều mà chúng ta thực hiện được và có những điều không thực hiện được...", ông Dominic Mellor chia sẻ.