Điều này khiến mối quan ngại tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sau khi Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất tháng 8-2015 giảm đến 49,7%, nhiều loại chứng khoán ở Wall Street tuột dốc khoảng 3% trong ngày 1-9.
Dù tăng nhẹ vào hôm qua (2-9), nhưng giá cổ phiếu ở các thị trường châu Âu và Mỹ vẫn chưa ổn định.
Các chỉ số chứng khoán lớn FTSE 100 của Anh, DAX của Đức và CAC 40 của Pháp hầu như chỉ tăng 0,5 - 0,7% khi chốt phiên giao dịch đầu ngày. Tuy nhiên, chứng khoán châu Á tiếp tục giảm ngày thứ ba liên tiếp.
Chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,4%, trong khi chỉ số chứng khoán lớn của Nhật Bản là Nikkei cũng rớt giá 0,5%.
Thị trường Trung Quốc và Hong Kong cũng không mấy sáng sủa khi các chỉ số lớn như Hang Seng, Shanghai Composite và Shenzhen Composite vẫn giảm từ 0,2% đến gần 2% ở thời điểm thị trường đóng cửa, dù giới chức Trung Quốc đang gây áp lực cho các công ty môi giới chứng khoán nước này hỗ trợ thị trường.
Hiện có chín doanh nghiệp trong ngành cam kết chi 30 tỉ nhân dân tệ (4,71 tỉ USD) mua cổ phiếu với hi vọng hồi phục giá loại hàng hóa này.
Nhà kinh tế trưởng người Trung Quốc ở Ngân hàng Thụy Sĩ UBS Vương Đào nói dữ liệu kinh tế Trung Quốc cho thấy áp lực giảm về tăng trưởng đối với kinh tế của nước này vẫn còn tiếp diễn.
Chính áp lực này khiến Bắc Kinh tung ra các gói cứu trợ không khoa học, làm thị trường chứng khoán toàn cầu không ổn định và gây “bất tỉnh” trong hệ thống tiền tệ của các thị trường mới nổi.
“Đây là lý do vì sao Chính phủ Trung Quốc tăng cường chính sách giúp thị trường, công bố những kế hoạch xoáy vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm và nới lỏng biên độ mua bất động sản trong những ngày gần đây” - ông Vương cho biết.