Tuy nhiên, theo nhận định của một chuyên gia bất động sản, mức giá tăng cao không loại trừ khả năng bị làm giá. Ngoài ra, người mua nhà cần lưu ý, không phải cứ mua loại hình nhà này là chắc chắn được vay vốn.
Giá gốc càng rẻ, mức chênh lệch càng lớn
Đã hoàn thiện thủ tục mua nhà ở xã hội, song vì phải chờ đợi quá lâu, ngày 3.3, chị Hồng, đang thuê nhà tại quận Chương Dương, Hà Nội, quyết định mua căn hộ số 20, tầng 31, nhà CT12B, tại dự án Kim Văn Kim Lũ (Hà Nội), diện tích 53,5m2. Căn hộ có giá gốc 12 triệu đồng/m2, song chị Hồng phải trả thêm khoản chênh lệch tới 170 triệu đồng.
Chị Hồng cho biết, sở dĩ chấp nhận mua căn hộ với giá đắt hơn gần 30% so với giá gốc, là bởi hy vọng sẽ được vay vốn lãi suất của gói 30.000 tỷ đồng. Chị Hồng tính toán, nếu được vay 80% giá trị căn nhà là hơn 500 triệu đồng, lãi suất cố định 5%/năm, thời hạn mười năm, tổng số tiền lãi chị phải trả cho ngân hàng là 250 triệu đồng. Tính trung bình, mỗi năm chị phải chi 75 triệu cả tiền gốc và lãi, tương ứng hơn 6 triệu đồng/tháng.
Chị Hồng cho rằng, nếu vay vốn lãi suất thương mại thời điểm hiện nay cũng không cao hơn nhiều so với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, lo sau một thời gian ngân hàng có thể đẩy lãi suất lên cao.
Hình minh họa
Đánh trúng tâm lý này của người mua nhà, các sàn bất động sản thi nhau báo giá chênh lệch. Đặt vấn đề với nữ nhân viên môi giới tên Phúc, sàn bất động sản Đại Long, về nhu cầu mua một căn nhà trong mức giá 600 - 700 triệu đồng, chúng tôi được chị Phúc giới thiệu cho hai căn hộ có diện tích 45m2, tại tầng 37 và 39 toà nhà CT12C, có giá gốc 11 triệu đồng/m2, người mua phải trả thêm 150 triệu đồng/căn. Nằn nì thêm một hồi, chị Phúc cho hay, chủ nhà đồng ý bớt 5 triệu đồng/căn cho căn nhà tầng 39.
Theo báo giá của sàn bất động sản Đại Long, nhiều căn hộ chung cư tại dự án Kim Văn Kim Lũ có giá chênh từ 200 - 250 triệu đồng, cá biệt có căn giá chênh tới 300 triệu đồng so với giá gốc, như căn Penthouse ở tầng 6, diện tích 56,2m2, giá gốc 10,3 triệu đồng/m2. Tại sàn này, thường những căn hộ có giá gốc càng thấp (10 - 11 triệu đồng/m2), hoặc diện tích càng nhỏ, tỷ lệ chênh với giá gốc của chủ đầu tư càng lớn.
Tại sàn giao dịch bất động sản 68, mức chênh thoạt nhìn có vẻ “mềm” hơn chút, song khi xem đến thiết kế mới thấy chủ yếu do vị trí và kết cấu (những căn chênh 60 - 80 triệu đồng/căn, thường chỉ có một phòng vệ sinh).
Bị làm giá
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhờ một nhân viên môi giới tên Hằng bán giúp căn hộ 20, tầng 31, nhà CT12B với giá chênh 150 triệu đồng (căn nhà chị Hồng vừa phải mua giá chênh 170 triệu đồng), chị Hằng bảo: “Nếu em bán theo giá thị trường thì phải chờ tìm khách lâu lắm. Để giúp em bán nhanh, công ty chị sẽ ôm cho em, giá 120 triệu đồng, phí sang tên em chịu (chừng 15 triệu đồng nữa)".
Nhân viên này phân tích thêm, giờ giá chung cư đã lên “đỉnh”, công ty ôm vào cũng rất rủi ro, nên lãi được 3 - 5 triệu đồng cũng bán, nhưng qua thương vụ ngã giá cùng một căn hộ của chị Hồng, có thể thấy, người môi giới này có thể thu về tới 40 - 50 triệu đồng!
Tại điểm giao dịch tập trung là khách sạn Mường Thanh, sáng 14.3, chúng tôi có dịp kiểm chứng. Phần đông người có mặt tại sảnh khách sạn Mường Thanh, tay giấy, tay bút, liên tục điện thoại. Có người vừa dứt cuộc điện thoại tư vấn khách mua ngay kẻo hết hàng, lại thấy gọi cuộc khác, hối người bán nhanh kẻo giá có thể giảm…