Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều vùng đào nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội.
Dù lứa đào cho Tết Ất Mùi vẫn đang nằm trong vườn, các chủ vườn đã lo xa mua phôi đào rừng về "ủ" để chờ cho dịp Tết năm sau.
Tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến hàng loạt làng nghề trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn Thủ đô bị co cụm diện tích canh tác.
Do đó, nhiều chủ vườn đã có "sáng kiến" mua phôi đào rừng, đào núi về để tiết kiệm thời gian, diện tích...
Làng đào truyền thống La Phù, La Cả (Dương Nội, Hà Đông) mấy năm gần đây phải nhường đất cho hàng loạt dự án khu đô thị mới.
Diện tích đất trồng đào ngày càng hẹp, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với diện tích trước đây.
Tuy nhiên, với những người gắn bó lâu đời với thương hiệu cây đào La Phù, La Cả, họ không dễ đàng chấp nhận việc mai một nghề trồng hoa cây cảnh.
Rất nhiều hộ gia đình vẫn lưu giữ nghề cũ, dù diện tích đất canh tác không còn nhiều.
Trên khoảnh đất ít ỏi còn lại liền kề với dự án khu đô thị của Geleximco, ông N.V.H vẫn miệt mài trên hai luống đào nhỏ bé của gia đình.
Còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ông H. tranh thủ thời gian ra ruộng đào để tuốt lá - một trong những công đoạn để cây đào trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.
Ông H. cho hay, hai luống đào của gia đình ông tổng số khoảng 100 gốc.
Tính thu nhập một năm, số tiền kiếm được rất ít ỏi, nhưng ông vẫn không bỏ. "Vì yêu nghề, yêu cây, và nếu không làm thì chân tay nó sinh thừa thãi, rất buồn bực", ông H. nói.
Hầu hết các hộ dân trồng đào vùng La Phù đã nhập đào rừng, đào núi để tiết kiệm thời gian và chi phí chăm sóc.
"Một gốc đào rừng, 'vanh' (chu vi thân cây) chừng 20cm, với cây đào truyền thống phải mất vài chục năm mới có thân cây to như vậy.
Nhiều năm trở lại đây, các hộ trồng đào đã nhập đào rừng, đào núi từ các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó ghép mắt, ghép phôi đào ta, rồi tạo dáng, uốn thế... để bán trong dịp Tết Nguyên đán" - một chủ vườn cho biết.
Dù ít ỏi rất nhiều so với vùng đào truyền thống trước đây, thế nhưng, vườn đào La Cả (phường Dương Nội) vẫn là khoảng không gian thèm muốn của nhiều làng nghề trồng hoa - cây cảnh truyền thống trên địa bàn Thủ đô.
Chỉ còn hơn một tháng là đến Tết Ất Mùi, những ruộng đào vẫn đang giai đoạn ép nụ chờ bán, thế nhưng, nhiều chủ vườn lo xa vẫn mải miết nhập đào rừng về ươm cho dịp năm sau.
"Mỗi sáng, người ta đánh cả xe tải hàng ngàn phôi đào rừng được cắt hết cành ngọn, chỉ còn chừa thân chính và gốc.
Địa điểm tập kết, các chủ vườn đều biết. Ai có nhu cầu thì đến mua, sau đó mang về vườn nhà mình để trồng", anh B.C.V, một chủ vườn đào La Cả, tiết lộ.
Anh V. đã nhập hơn 100 phôi đào rừng từ cuối tháng 12/2014. Nhận về, anh thuê người mang cưa máy cắt trụi những cành ngọn thừa, các đầu mẩu rễ cũ, sau đó cấy mắt, ghép mắt đào ta vào thân đào núi.
"Cây đào núi rất khỏe. Một gốc đào núi chu vi chừng 30-40cm có tuổi đời trên chục năm, sau một thời gian chăm sóc dưới địa hình đồng bằng sẽ thích nghi, trổ mầm.
Tuy nhiên, chủ vườn phải ghép mắt, cấy mắt đào ta để đảm bảo cây trổ hoa đúng vụ".
Một phôi đào núi, giá nhập vào thường dao động trên dưới 1 triệu đồng.
Sau một thời gian chăm sóc, những phôi đào rừng sẽ thành các cây đào thế, ra hoa đúng vụ, bán hoặc cho thuê với giá cả chục triệu đồng.
"Những phôi đào này được chuyển về từ các vùng đào ở Sơn La và các tỉnh Tây Bắc.
Người đi thu mua cũng mất công sức, chi phí vận chuyển. Từ khi có chủ trương 'đóng cửa rừng' với cả cây đào, việc vận chuyển gốc đào từ miền núi về vùng xuôi càng khó khăn.
Thế nhưng, nếu không áp dụng cách thức này, các vùng đào truyền thống của Hà Nội sẽ không thể có nhiều gốc đào cổ thụ, đào 'khủng' để đáp ứng nhu cầu dịp Tết", một chủ vườn chia sẻ.