Để được bình chọn là người xuất sắc nhất trong giải thưởng Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp - EOY2014 là điều không dễ dàng. Ngày hôm qua (7/10), ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã được vinh danh. Ông Vũ sẽ là đại diện cho doanh nhân Việt Nam tham dự giải EOY toàn cầu tổ chức tại Monaco tháng 6/2015.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ được biết đến nhiều là một trong những doanh nhân giàu nhất trên sàn chứng khoán và sự kiện truyền thông rầm rộ về tinh thần vượt lên trên số phận thông qua nhân vật “người không tay chân” Nick Vuijicic tại Việt Nam. Những câu chuyện về chặng đường lập nghiệp của ứng viên xuất sắc nhất của Giải thưởng EOY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014 có thể lý giải rõ hơn vì sao HSG dưới sự chèo lái của ông lại có thể “ngược bão” khủng hoảng kinh tế ngoạn mục như vậy.
1. Nhiều năm liền, ông Lê Phước Vũ luôn nằm trong danh sách ngắn những người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Nhưng ít ai biết, hơn hai chục năm trước, người con của mảnh đất Bình Định này đã từng phải bươn trải đủ nghề, từ làm ở đội xe khoán, lái xe con…, lang thang từ Tây Ninh đến Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, những mong cuộc sống khấm khá hơn, mà cái nghèo vẫn đeo bám.
Năm 1994, khi ông được mời về làm quản đốc phân xưởng gỗ Đức Thành thì một người bà con mời ông về quản lý cửa hàng vật liệu xây dựng ở Gò Vấp. Sau đó, một công ty liên doanh cán tôn đề nghị ông ra làm đại lý với số tiền được thanh toán trả chậm là 50 triệu đồng. Như một cơ hội trời cho, lúc đó, ông Vũ chỉ có vỏn vẹn 2 chỉ vàng và 200 ngàn đồng (tương đương 1,2 triệu đồng), trong khi cần phải có 5 triệu đồng để đặt cọc thuê cửa hàng.
May mắn cho ông Vũ là ông chủ Công ty Gỗ Đức Thành, cụ Lê Ba khi ấy đã đồng ý cho mượn số tiền còn thiếu và trừ nợ dần vào tiền tôn lợp xưởng cho cụ. Ông Vũ kể, cầm 650 ngàn đồng tiền lãi trong ngày kinh doanh đầu tiên, ông mừng đến rơi nước mắt.
Kinh doanh đại lý tôn thép trong những ngày đầu tiên gặp không ít khó khăn và luôn thiếu vốn, ông không thể nhập hàng trực tiếp từ các công ty thép hoặc mua với số lượng lớn vì lúc đó không ai dám cho ông vay mượn tiền. Chính vì thế, ông phải làm việc quần quật suốt ngày đêm để bán được nhiều hàng, để trả hết tiền hàng của lô trước và được mua trả chậm những lô hàng sau. Cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20, công việc kinh doanh của ông Vũ cũng phát triển không ngừng, ông mở hàng loạt cửa hàng bán lẻ.
Năm 2001, ông Vũ thành lập CTCP Hoa Sen, với số vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác và nhanh chóng xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường nhờ kinh nghiệm quý báu được tích luỹ từ những ngày đầu khó khăn làm việc cật lực, để giữ uy tín từng ngày một, để được nhà cung cấp tín nhiệm và tăng hạn mức trả chậm..
Những năm qua, ngành vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường bất động sản sụt giảm, nhưng HSG lại “ngược bão” rất ngoạn mục. Doanh thu của Công ty tăng trưởng ấn tượng từ mức 3.000 tỷ đồng năm lên 10.000 tỷ đồng trong năm 2012 và 11.700 tỷ đồng vào năm 2013. Ông Vũ dự kiến, năm nay, HSG sẽ đạt doanh thu khoảng 15.000 tỷ đồng.
2. Khởi nghiệp kinh doanh từ hai bàn tay trắng, điều mà ông Vũ luôn ưu tư là làm sao tận dụng được các cơ hội, vượt qua thách thức của thị trường để phát triển nhanh mà vẫn đảm bảo sự bền vững. Vì vậy, ông đề ra triết lý kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động của Tập đoàn Hoa Sen đó là “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển” và chú trọng đến việc mở rộng và quản trị hiệu quả hệ thống phân phối bán lẻ, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, thân thiện và hướng đến cộng đồng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành tôn thép, nhiều nhà sản xuất tăng cạnh tranh bằng cách “bóp bớt” tiêu chuẩn chất lượng để hạ giá thành, nhưng ông không chấp nhận đi theo cách đó. Ông muốn người tiêu dùng hiểu và lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao, thay đổi thói quen sử dụng ống thép đen, giá rẻ từ Trung Quốc. Nhờ vậy, sản lượng tiêu thụ ống kẽm của HSG năm nay đã tăng gấp đôi năm trước, từ mức 10.000 tấn/tháng lên 20.000 tấn/tháng.
Ông Vũ khoe: “Thành quả lớn hơn mà HSG đạt được là nhắc đến Hoa Sen, người ta nghĩ ngay đến tôn và thép”. Và giờ đây, ngoài “tôn và thép”, người ta còn liên tưởng đến rất nhiều hoạt động xã hội, từ thiện mà Hoa Sen tổ chức như sự kiện mời “người không tay chân” Nick Vuicijic sang Việt Nam giao lưu và khích lệ tinh thần vượt khó, vượt lên trên số phận. Ông Vũ đã xây dựng được một thương hiệu HSG hướng tới cộng đồng, thương hiệu không chỉ mạnh mà còn giàu chất nhân văn.
3. “Đối mặt với sự khắc nghiệt của thị trường thì khả năng ứng phó linh hoạt và nỗ lực không mệt mỏi” là phương châm kinh doanh ông Vũ lựa chọn. Vài năm trở lại đây, xác định thị trường trong nước khó khăn, ông Vũ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và nhờ sự chuyển hướng mạnh này mà doanh thu của HSG vẫn tăng trưởng mạnh.
Ông Vũ cho biết, hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia, thuyết phục được thị trường khó tính như Úc, Dubai, Nam Mỹ…. Sau chuyến đi tìm hiểu thị trường Panama mới đây, ông bảo đã tìm được “cửa” để xuất khẩu vào thị trường này. Ông cũng đang lên kế hoạch để xuất khẩu qua Mỹ, Mexico và Canada để đón đầu TPP; xúc tiến việc mở văn phòng tại Indonesia, Dubai, Myanmar… Và ông tự hào về việc HSG đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu từ sản phẩm công nghiệp, với doanh số xuất khẩu lớn xấp xỉ 300 trịêu USD chỉ trong thời gian rất ngắn và góp phần thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vốn chủ yếu là nông sản, thuỷ hải sản, dầu thô, dệt may gia công…
Về lâu dài, ông Vũ vẫn xác định, thị trường trong nước vẫn là thị trường chính của HSG vì dư địa phát triển còn lớn. Để mở rộng thị trường nội địa, ông Vũ vừa khởi công xây dựng Nhà máy tôn Hoa Sen tại KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và một nhà máy ở Bình Định. Nhà máy tại Nghệ An được đánh giá là nhà máy trọng điểm của HSG, với công suất thiết kế sản xuất 100.000 tấn ống thép/năm; sản xuất 150.000 tấn tôn mạ màu/năm; sản xuất tôn mạ kẽm/hợp kim nhôm có công suất 400.000 tấn/năm…
Mục tiêu mà ông Vũ đặt ra cho HSG là cán mốc doanh thu 1 tỷ USD trong vòng 3 năm tới. Hỏi ông kế hoạch này có quá tham vọng, ông mỉm cười: “Không có gì là quá, như chúng tôi trồng cây sắp tới ngày hái quả”.
4. Lâu nay, ông Vũ nổi tiếng là một doanh nhân mộ đạo Phật, ăn chay trường. Ông Vũ chia sẻ, Phật pháp đã trở thành một điểm tựa tinh thần lớn với ông: “Nhiều năm ăn chay trường, đem tâm đạo vào đời, vào công việc, tôi nhận ra giá trị tinh thần là chỗ dựa để vượt qua những vấp ngã, khó khăn trên đường đời nên tôi không quá nặng nề, bi quan với thất bại”. Mỗi ngày làm việc từ 12 -16 tiếng, ông Vũ bảo, việc kiếm tiền không còn vì bản thân mà để đất nước giàu lên, cùng chia sẻ với cộng đồng.
Trong kinh doanh, ông Vũ cũng chịu ảnh hưởng của triết lý trong Phật pháp. Nghiêm khắc trong hành xử với nhân viên, để hướng tới một môi trường quản trị chuyên nghiệp, ông chia sẻ, HSG xây dựng nguyên tắc “10 chữ T” (Trung thành -Trung thực -Trí tuệ -Tận tụy -Thân thiện) để nhân viên tuân thủ trong cung cấp sản phẩm. Đề cao tính sáng tạo của nhân viên, trọng dụng nhân sự trẻ tài năng, nhưng ông Vũ thường chia sẻ với thế hệ đi sau, để lập nghiệp thành công, trước tiên phải sống trung thực, đồng tiền làm ra phải chân chính. “Sáng tạo gì thì chất lượng sản phẩm cũng phải tốt, đáp ứng được nhu cầu và xu hướng của thị trường".